Nuôi tôm càng xanh ở Hữu Lũng: Tạo nguồn thu nhập mới cho người nông dân
LSO- Năm 2005, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, hộ gia đình anh Nguyễn Tất Đắc, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng đã mạnh dạn nuôi 2 ha tôm càng xanh. Đây là loại tôm dễ nuôi, sau quá trình triển khai thực hiện năng suất bình quân đạt 2 tấn/ha/vụ, giá bán trên thị trường từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí đầu tư ban đầu về nguồn tôm giống, thức ăn, các loại thuốc phòng bệnh…, gia đình anh thu được từ việc nuôi tôm càng xanh khoảng 60 triệu đồng/vụ. Anh Đắc cho biết: “phát triển chăn nuôi lợn, gà, thời gian qua, do giá thức ăn gia súc tăng cao, nhiều hộ nuôi gà, lợn gần như không có lãi. Được sự giúp đỡ của ngành KHCN, gia đình đã có cánh làm kinh tế mới, tạo ra nguồn thu nhập mới cao hơn”. Với hiệu quả của việc nuôi tôm càng xanh, ao nuôi của anh Nguyễn Tất Đắc đang là địa chỉ mà nhiều bà con trong vùng tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Theo anh Đắc, tôm càng xanh là thực phẩm có...
LSO- Năm 2005, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, hộ gia đình anh Nguyễn Tất Đắc, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng đã mạnh dạn nuôi 2 ha tôm càng xanh. Đây là loại tôm dễ nuôi, sau quá trình triển khai thực hiện năng suất bình quân đạt 2 tấn/ha/vụ, giá bán trên thị trường từ 70.000 – 80.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí đầu tư ban đầu về nguồn tôm giống, thức ăn, các loại thuốc phòng bệnh…, gia đình anh thu được từ việc nuôi tôm càng xanh khoảng 60 triệu đồng/vụ. Anh Đắc cho biết: “phát triển chăn nuôi lợn, gà, thời gian qua, do giá thức ăn gia súc tăng cao, nhiều hộ nuôi gà, lợn gần như không có lãi. Được sự giúp đỡ của ngành KHCN, gia đình đã có cánh làm kinh tế mới, tạo ra nguồn thu nhập mới cao hơn”. Với hiệu quả của việc nuôi tôm càng xanh, ao nuôi của anh Nguyễn Tất Đắc đang là địa chỉ mà nhiều bà con trong vùng tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Theo anh Đắc, tôm càng xanh là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và có giá trị xuất khẩu. Việc nuôi tôm không tốn nhiều công sức như trồng lúa, dễ tiêu thụ, mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên đòi hỏi người nuôi phải hiểu kỹ thuật nuôi, phải kỹ lưỡng trong từng khâu như: cải tạo và quản lý ao nuôi, chọn con giống, cho ăn…
Ông Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: theo thống kê, toàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 8.500 ha diện tích mặt nước, trong đó có khoảng 1.300 ha ao, hồ có khả năng nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, giá trị ngành thuỷ sản rất nhỏ, chỉ chiếm 0,24% trong tổng giá trị ngành nông lâm nghiệp. Các đối tượng nuôi chủ yếu là những loài cá truyền thống như: mè, trôi, chép, đa phần đã bị thoái hoá về giống, giá trị thương phẩm thấp nên hiệu quả kinh tế mang lại không đáng kể. Việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi thuỷ sản có giá trị kinh tế cao tại huyện Hữu Lũng nhằm xác định khả năng thích nghi, năng suất, chất lượng của tôm càng xanh và kể cả cá rô phi đơn tính với điều kiện khí hậu của huyện Hữu Lũng để nhân rộng mô hình ra các xã, thị trấn của huyện cũng như trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế áp dụng cho thấy, nuôi tôm càng xanh là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đây là hướng đi mới trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển. Theo dự kiến, năm 2012, huyện Hữu Lũng sẽ phấn đấu mở rộng diện tích mặt nước nuôi tôm càng xanh lên hơn 100ha.
Trí Dũng
Ý kiến ()