Nuôi gà ri lai kết hợp đệm lót sinh học: Hướng phát triển kinh tế cho người dân khu vực khó khăn, biên giới
– Nuôi gà ri lai kết hợp đệm lót sinh học không chỉ phù hợp với tập quán sản xuất của người dân mà còn góp phần làm giảm chi phí chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thực hiện mục tiêu định hướng phát triển kinh tế cho người dân xã khó khăn, biên giới trên địa bàn tỉnh, từ tháng 6 đến tháng 12/2020, Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học – Công nghệ và Đo lường, chất lượng sản phẩm triển khai dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà ri lai theo hướng an toàn sinh học tại các xã khó khăn và biên giới năm 2020”. Đến nay, dự án đã kết thúc và mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân, nhất là người dân ở địa bàn khó khăn, biên giới có thể áp dụng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Người dân xã Thanh Lòa (Cao Lộc) chuẩn bị dụng cụ chăn nuôi gà ri lai
Anh Nguyễn Khánh Toàn, cán bộ trung tâm, chủ nhiệm dự án cho biết: Để nâng cao năng suất, chất lượng của giống gà ri, thông thường người ta đã tạo ra giống gà ri lai với những đặc tính tốt như năng suất, chất lượng cao, có trọng lượng trung bình từ 1,4 đến 2 kg/con, thịt thơm ngon, mẫu mã đẹp. Với diện tích chuồng khoảng 30 m2, chi phí đầu tư 400 nghìn đồng, người dân có thể chăn nuôi 150 con gà ri trên nền đệm lót sinh học. Chăn nuôi theo hình thức này gà rất khỏe, lớn đồng đều, ít bị bệnh, lông tơi mượt và sạch, thịt ngon và chắc hơn…
Triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi gà ri lai kết hợp ứng dụng đệm lót sinh học, nhóm nghiên cứu đã khảo sát và lựa chọn 40 hộ tại các xã: Thanh Lòa, Thạch Đạn (Cao Lộc); Vĩnh Yên (Bình Gia); Tú Mịch (Lộc Bình); Hữu Lễ (Văn Quan). Mỗi mô hình được hỗ trợ từ 150 đến 300 con gà giống, cùng vật tư, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Để các hộ chăn nuôi nắm chắc kiến thức, nhóm nghiên cứu đã tổ chức 5 lớp tập huấn tại 5 xã với 150 người tham gia. Qua đó, học viên được trang bị kỹ thuật chăn nuôi gà ri lai kết hợp ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học, các loại bệnh thường mắc trên gà và phương pháp xử lý. Đệm lót sinh học được tạo ra từ mùn cưa hoặc trấu đã ủ với bột ngô, chế phẩm sinh học Basala, dày khoảng 15 cm. Gà giống được lựa chọn nuôi khỏe mạnh, đồng đều, không bị thối bàn chân, lông sáng mượt và sạch.
Sau 90 ngày chăn nuôi cho thấy, cân nặng trung bình đạt từ 1,5 kg đến 2 kg/con. Trong đó, cân nặng trung bình cao nhất ở xã Thạch Đạn 1,7 kg/con, thấp nhất ở xã Tú Mịch là gần 1,6 kg/con. Tỷ lệ nuôi sống trung bình đạt 86,3%; việc sử dụng đệm lót sinh học tại các hộ giúp chuồng nuôi không có mùi hôi thối, chất lượng đàn gà được nâng cao. Theo tính toán sơ bộ, với 5.872 con gà giống cấp cho các hộ dân, sau 90 ngày, trọng lượng đạt trung bình 1,6 kg, với giá bán 75.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về hơn 99 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Hùng, thôn Bản Chặng, xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan cho biết: Gia đình tôi nhận nuôi 300 con gà ri lai kết hợp đệm lót sinh học. Sau khi dự án kết thúc, gia đình tôi thu về hơn 36 triệu đồng, do được hỗ trợ từ dự án nên gia đình lãi khoảng 20 triệu. Quá trình nuôi cho thấy lượng thức ăn tiêu hao ít hơn các giống gà khác, nhờ có đệm lót mà gà ít mắc bệnh, tỷ lệ chết được hạn chế tối đa, nhất là được thị trường ưa chuộng. Năm nay, tôi vẫn tiếp tục chăn nuôi theo kỹ thuật này.
Sau khi dự án kết thúc, 100% số hộ vẫn tiếp tục triển khai mô hình. Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình mang lại, thời gian qua, nhiều hộ dân tại các xã có mô hình đã chủ động học hỏi và áp dụng vào chăn nuôi. Với mức đầu tư không lớn, kết hợp với các loại thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương như: ngô, khoai, sắn, rau xanh, người dân có thể tự tin đầu tư, phát triển kinh tế gia đình với mô hình chăn nuôi gà ri lai trên nền đệm lót sinh học
Ý kiến ()