Nuôi dưỡng ý thức bảo vệ di sản cho học sinh
LSO-Hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại các trường học trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu địa danh văn hóa các di tích lịch sử, viện bảo tàng… là một hoạt động thiết thực, góp phần giữ gìn và nuôi dưỡng ý thức bảo vệ di sản cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An tìm hiểu về lịch sử dân tộc tại Bảo tàng tỉnh |
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 586 di tích với 4 loại hình gồm: 248 di tích lịch sử, 44 di tích khảo cổ, 250 di tích kiến trúc nghệ thuật, 44 di tích danh lam thắng cảnh. Trong đó có 125 di tích đã xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt; 27 di tích cấp quốc gia; 97 di tích cấp tỉnh). Đa số các di tích đều có giá trị phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, học tập của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bởi vậy, để người dân đặc biệt là các em học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, tích cực tham gia bảo vệ, bảo tồn các di tích và giá trị văn hóa, thời gian vừa qua, ngành giáo dục tỉnh đã có nhiều hoạt động phối hợp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các di sản văn hóa, làm cho học sinh thêm yêu quê hương, đất nước.
Bảo tàng tỉnh là nơi thu hút đối tượng học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. Bà Hà Thị Lư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hằng năm, Bảo tàng tỉnh phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các buổi ngoại khóa, triển lãm chuyên đề quảng bá, giới thiệu hệ thống các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cho các em học sinh trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu. Để dễ hình dung, ngoài việc thuyết minh trực tiếp, bảo tàng đã bổ sung hoạt động xem phim tư liệu, nói chuyện chuyên đề và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ em yêu lịch sử cho học sinh các trường. Theo thống kê từ năm 2014 đến nay, thông qua tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giới thiệu sự kiện, Bảo tàng tỉnh đã đón tiếp gần 50.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trong đó có hơn 65% đối tượng học sinh của các trường học trên địa bàn.
Thực tế việc giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh là việc làm cần thiết không chỉ giúp các em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản. Em Hoàng Tuyết Trinh, học sinh lớp 5A4, Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Trong các bài học về địa lý, lịch sử, em và các bạn vẫn thường được nghe thầy cô kể chuyện, giới thiệu về các địa danh và mốc son lịch sử, văn hóa của dân tộc. Không chỉ trong các giờ học, hằng năm, nhà trường còn tổ chức cho chúng em tham gia các buổi ngoại khóa thực tế tại các di tích, danh thắng nổi tiếng của tỉnh. Được tham gia các hoạt động bổ ích này, chúng em thấy thêm tự hào về quê hương và nguyện sẽ cố gắng học tập tốt để góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Có thể thấy, thông qua những hoạt động giáo dục lịch sử thiết thực, bổ ích đã giúp các em hiểu thêm về giá trị lịch sử, vẻ đẹp của di sản, từ đó khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là nuôi dưỡng ý thức gìn giữ bảo vệ di sản ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong thời gian tới, để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của ngành giáo dục, các cấp, ngành chức năng cần coi trọng công tác biên soạn tài liệu giới thiệu di sản vật thể và phi vật thể một cách hệ thống, bài bản; tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý về giáo dục di sản; từng bước đưa nội dung giáo dục di sản vào các cơ sở giáo dục đào tạo… giúp việc tiếp thu kiến thức lịch sử, văn hóa của các em trở nên thú vị và nhẹ nhàng hơn.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()