Nuôi dưỡng niềm đam mê khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam
Sinh viên khởi nghiệp không nhất thiết phải có một ý tưởng táo bạo hay số vốn khủng mà quan trọng là có đam mê; biết định hình năng lực kinh doanh tiềm ẩn, và dám chấp nhận thất bại để vươn lên.
Một thanh niên ở Vĩnh Long khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) là vấn đề đang ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của sinh viên các trường đại học thời gian gần đây.
Rất nhiều sinh viên đã thử sức với các vai trò mới như: chủ quán càphê, cửa hàng quần áo, phụ kiện thời trang hay kinh doanh các mặt hàng thủ công (handmade).
Sinh viên khởi nghiệp không nhất thiết phải có một ý tưởng táo bạo hay số vốn khủng mà quan trọng là có đam mê; biết định hình năng lực kinh doanh tiềm ẩn của bản thân; tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết và dám chấp nhận thất bại để vươn lên.
Tiềm năng khởi nghiệp
Việt Nam hiện là một trong những trung tâm khởi nghiệp mới ở khu vực và trên thế giới. Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp là một chủ trương và định hướng được Chính phủ quan tâm, dành nhiều ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Điều đó được thể hiện thông qua hệ thống chính sách hỗ trợ hết sức đa dạng, từ Trung ương tới các địa phương.
Phó trưởng Ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn Nguyễn Nhất Linh, cho rằng những người trẻ và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hiện đang được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa.”
“Thiên thời” chính là cơ chế, chính sách, trong đó có thể kể đến việc Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.”
Đây là một trong những bước đặt nền móng rất quan trọng để các tổ chức, cá nhân, cơ sở đào tạo có căn cứ pháp lý để xác lập, triển khai hoạt động.
Từ quyết định của Thủ tướng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 223-QĐ/TWĐTN-BKT năm 2019 về việc ban hành Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 – 2022” để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
“Địa lợi” chính là hệ sinh thái khởi nghiệp đang ngày càng lan tỏa, khởi sắc.
Đặc biệt, Quỹ khởi nghiệp đã có sự tăng tốc lớn về số lượng, trở thành thị trường đầy tiềm năng đưa nguồn vốn tiếp cận các nhà đầu tư, khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như giao lưu, cuộc thi, hội thảo, tọa đàm… được triển khai ở các cấp để sinh viên dễ dàng tiếp cận.
Yếu tố “nhân hòa” là việc học sinh, sinh viên hiện đại ngày nay rất năng động, tự tin, ngoại ngữ tốt; có khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ 4.0 tốt.
Họ có thể tiếp cận các kiến thức trên toàn thế giới; khảo sát đánh giá mô hình, thực trạng, vị trí địa lý, kinh tế của Việt Nam để từ đó đưa ra được những con đường, chiến lược, mô hình Startup tiêu biểu.
Như vậy, tiềm năng khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam hiện đang rất tốt và thuận lợi. Hy vọng đây sẽ là nền tảng đưa Việt Nam gia nhập vào bản đồ khởi nghiệp thế giới như mô hình đất nước khởi nghiệp Isarel, Phó trưởng Ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn Nguyễn Nhất Linh bày tỏ.
Giảng đường đại học là nơi tốt để bắt đầu kinh doanh bởi đó là nơi thúc đẩy sự sáng tạo, là nơi đầy ắp các ý tưởng của hàng ngàn sinh viên và là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng kinh doanh.
Ở giai đoạn này, sinh viên không có nhiều gánh nặng trên vai như gia đình hay tài chính để lo lắng.
Thất bại mà họ gặp phải không lớn so với các lứa tuổi khác, đặc biệt việc trải nghiệm thất bại sớm giúp họ có thêm kinh nghiệm, vốn sống cụ thể trong dự án đó để vươn xa hơn.
Theo Phó trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ Nguyễn Thiên Tú, sinh viên khởi nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong số đó, các mối quan hệ chưa đủ rộng; kinh nghiệm chưa nhiều; nguồn lực tài chính thiếu… nhưng các bạn lại có nhiều lợi thế hơn so với những lứa tuổi khác. Đó chính là sức trẻ; sức sáng tạo cực kỳ lớn; có thời gian; dễ tìm cho mình người đồng hành trong quá trình lập nghiệp ở trường học…
Trang bị hành trang và dấn thân để trải nghiệm
Khởi nghiệp là một môi trường khó khăn, nó không đơn thuần là lập nghiệp mà là sự đổi mới, sáng tạo. Để khởi nghiệp thành công, doanh nghiệp startup không chỉ cần nuôi dưỡng đam mê, cảm hứng mà còn cần trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp ngay từ môi trường phổ thông.
Phó trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ Nguyễn Thiên Tú cho rằng, nên tạo cơ hội, điều kiện cho thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu, khám phá về năng lực của bản thân ngay từ khi còn nhỏ và phân cấp, phân luồng theo khả năng riêng để rèn luyện.
Cuộc sống có rất nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng cần có nhiều chuyên gia trong từng lĩnh vực. Do đó, không phải ai cũng cần khởi nghiệp mà điều quan trọng là phải tìm được những con người phù hợp và thúc đẩy tinh thần của người đó để họ có cơ hội tìm hiểu, khám phá năng lực của bản thân trong câu chuyện kinh doanh. Việc làm này cần có sự kết hợp của cả một hệ thống từ giáo dục đến tổ chức Đoàn, Đội… để tương tác và lọc ra những đối tượng phù hợp.
Ông Nguyễn Thiên Tú khuyến khích sinh viên nên tham gia các cuộc thi, sự kiện, diễn đàn liên quan đến khởi nghiệp. Vì khi tham gia, các bạn không chỉ khám phá bản thân, nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu mà còn được học hỏi từ nhiều dự án, mô hình khởi nghiệp của đối thủ. Các bạn còn có thể kết nối với các chuyên gia, những người có khả năng giải quyết vấn đề; mọi sợi dây liên kết với nguồn vốn, cộng sự cũng nằm ở đấy.
Ông Tú nói thêm những bạn trẻ có đam mê, năng lực phù hợp cần phải được bồi dưỡng càng sớm càng tốt để tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trước khi bắt tay khởi nghiệp, chủ động tìm kiếm nhà đầu tư, đồng sáng lập; mạnh dạn khởi nghiệp để trải nghiệm khi có đủ điều kiện và dám chấp nhận thất bại. Không ai khẳng định mình có thể thành công ngay lần đầu khởi nghiệp. Con số về khởi nghiệp thất bại cũng gây hoang mang cho các bạn trẻ nhưng các bạn trẻ có đam mê vẫn nên thử thách bản thân…
Chị Lê Thị Vân (nữ đoàn viên ở Thanh Hóa) đã xây dựng thành công mô hình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thiết bị nông nghiệp công nghệ cao với lợi nhuận trung bình mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
Ông Hoàng Đức Trung, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư công nghệ, Tập đoàn VinaCapital, chia sẻ khi làm startup, người trẻ chắc chắn phải xác nhận sẽ đương đầu với rủi ro nhưng không nên sợ mà hãy “cắt” chúng thành từng phần và đi tìm người giúp mình giải quyết từng rủi ro đó. Rủi ro càng nhiều, việc đạt được thành công trong tương lai càng lớn.
Ông Trung đưa ra lời khuyên nếu thất bại cần thay đổi thật nhanh, đừng cố gắng bấu víu mà cần uyển chuyển thay đổi để đi đến đích mình muốn.
Sinh viên là những người có tiềm năng lớn góp phần vào thành công của sự phát triển khởi nghiệp ở nước ta. Trong thời gian tới, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên là một biện pháp quan trọng và hiệu quả để thực hiện đồng thời các mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Dưới góc độ chính sách và quốc gia, việc xây dựng Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Để thực hiện tốt điều này, cần đảm bảo tiền đề đầu tiên và tiên quyết là xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp.
Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong hệ sinh thái bao gồm Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và hiệp hội nghề nghiệp cần hoạt động phối hợp nhịp nhàng để tạo ra giá trị hỗ trợ đi vào thực chất.
Thanh niên, lực lượng tiên phong trong xã hội phải luôn được hun đúc thường xuyên tinh thần, khát khao khởi nghiệp, sáng tạo để làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội; xây dựng Việt Nam thành quốc gia giàu mạnh và văn minh./.
Ý kiến ()