Nuôi dạy trẻ tự kỷ: Vấn đề cần quan tâm
(LSO) – Những năm trở lại đây, số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành vấn đề xã hội rất đáng quan tâm. Tỷ lệ mắc tự kỷ ở trẻ ước tính là 1%. Tại Lạng Sơn, vài năm gần đây cũng đã phát hiện nhiều trẻ mắc hội chứng này.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 6.400 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có trên 1.400 em mắc các dạng tật. Trong số đối tượng trẻ em tự kỷ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ khuyết tật học tập, trẻ chậm phát triển tương đối đông và ngày một gia tăng.
Một trong những khó khăn với trẻ tự kỷ hiện nay là chưa có chính sách hỗ trợ, lý do là việc đánh giá tự kỷ là bệnh hay tật chưa rõ ràng. Nhiều cán bộ y tế chưa được tập huấn thường xuyên, chưa có kiến thức chuyên môn đầy đủ trong phát hiện và chăm sóc trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật nhưng sự quan tâm của bộ mới chỉ chạm đến những trẻ khuyết tật về cơ thể, chưa tiếp cận được trẻ tự kỷ.
Cô giáo ở Trung tâm Giáo dục đặc biệt và trị liệu ngôn ngữ Phúc Tâm An, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn trẻ nhận biết con vật thông qua hình ảnh
Không chỉ riêng trẻ em mà cả người tự kỷ trưởng thành cho đến nay vẫn chưa thể hòa nhập cộng đồng do những rào cản định kiến. Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi phải có những chính sách đặc thù để giảm khó khăn cho những người mắc hội chứng này cũng như áp lực cho gia đình và xã hội.
Trong khi ngành chức năng vẫn loay hoay xác định hội chứng trẻ tự kỷ ở dạng nào thì tại thành phố Lạng Sơn, từ năm 2015 trở về đây, đã có 2 trung tâm tư nhân ra đời để nhận nuôi dạy số trẻ tự kỷ được phát hiện trên địa bàn, theo nhu cầu của gia đình trẻ. Cụ thể là Trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ Ánh Sao và Trung tâm Giáo dục đặc biệt và trị liệu ngôn ngữ Phúc Tâm An.
Cô giáo Hoàng Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt và trị liệu ngôn ngữ Phúc Tâm An cho biết: Để trẻ mắc hội chứng tự kỷ có thể hòa nhập cộng đồng là việc làm không hề đơn giản, cần sự kiên trì và nhẫn nại. Hiện trung tâm đang can thiệp cho 30 trẻ tự kỷ, chậm phát triển về ngôn ngữ, tăng động và rối loạn hành vi giao tiếp. Được thành lập từ năm 2016, đến nay, trung tâm đã can thiệp thành công cho trên 300 trẻ từ 18 tháng đến 14 tuổi, giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Chứng kiến những lớp học tại trung tâm mới thấy hết được sự vất vả và sự kiên trì của các giáo viên. Ở đây, mỗi lớp học chỉ có từ 5-7 trẻ, không chia theo độ tuổi mà theo trình độ nhận thức. Bài học của cô là những hướng dẫn lặp đi lặp lại 10 lần, 20 lần, thậm chí hàng trăm lần chỉ để trẻ biết khoanh tay, biết phân biệt màu sắc hoặc biết gọi bố, mẹ, ông, bà. Thời gian can thiệp tại các trung tâm nhanh là 3 tháng, các em có thể hòa nhập được với các bạn, còn lâu thì cũng khoảng 9 tháng đến 1 năm, tùy vào nhận thức của các em.
Cháu V.T.B, nhà ở xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, hơn 3 tuổi, được bác sĩ kết luận bị rối loạn trẻ tự kỷ vì không chịu nói. Cháu được gia đình đưa đến Trung tâm Giáo dục đặc biệt và trị liệu ngôn ngữ Phúc Tâm An, thành phố Lạng Sơn để can thiệp. Anh V.V.K – bố cháu chia sẻ: Mặc dù mới học ở trung tâm được hơn 1 tháng nhưng bé đã biết chào, biết hỏi, gia đình chúng tôi hạnh phúc lắm. Không nghĩ con có thể tiến bộ nhanh được như thế, cảm ơn các cô ở đây nhiều.
Với những nỗ lực của 2 trung tâm, từ năm 2015 trở lại đây, có khoảng trên 500 trẻ đã được can thiệp thành công và hòa nhập. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các em lúc này ngoài môi trường học tập lại chính là tâm lý của phụ huynh. Bởi trên thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều cha mẹ không dám đối diện với những triệu chứng, hội chứng của con, ko dám cho mọi người xung quanh biết con mình bị như vậy. Chính vì vậy, cha mẹ cần thay đổi suy nghĩ và đưa con mình đi can thiệp càng sớm càng tốt. Và điều quan trọng hơn cả là các ngành chức năng sớm nghiên cứu chính sách để kịp thời quan tâm đến những trẻ mắc hội chứng này, tạo điều kiện cho trẻ có môi trường tốt để học tập, can thiệp và hòa nhập, nhất là trẻ ở vùng sâu, xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Trẻ tự kỷ là những trẻ mắc chứng rối loạn phát triển, xuất hiện khi còn nhỏ như: rối loạn về thần kinh làm thay đổi cách thức hoạt động của não khiến trẻ gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ; khó khăn trong việc hiểu, nghĩ và cảm nhận những gì người khác nói cũng như việc thể hiện suy nghĩ và mong muốn của bản thân qua lời nói, cử chỉ. Có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây ra trẻ tự kỷ như: bệnh lý thai kỳ, do di truyền, môi trường hay do sự khiếm khuyết về não bộ. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ tự kỷ vì chưa có một kết luận toàn diện, đầy đủ. |
THANH HUYỀN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()