Nuôi con bằng sữa mẹ - Sự khởi đầu tốt nhất cho trẻ
- Nhận thức việc nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên vừa tốt cho sự phát triển của trẻ vừa bảo vệ sức khỏe của bà mẹ, những năm qua, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ nhằm mang đến sự khởi đầu tốt nhất cho trẻ.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, việc cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu hơn 2.000 trẻ em mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Cho con bú sớm và hoàn toàn 6 tháng đầu là một sự khởi đầu tốt nhất, giúp giảm tỷ lệ ốm đau và tử vong ở trẻ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại vẫn có những trường hợp sản phụ có suy nghĩ lệch lạc, thậm chí không cho con bú sữa mẹ để bảo vệ sắc đẹp, sự trẻ trung. Cùng đó, việc sinh con bằng phương pháp mổ đẻ cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa ở người mẹ…
Để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho trẻ, ngành y tế tỉnh Lạng Sơn cùng với cả nước đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thiết thực, nâng cao nhận thức người dân, hỗ trợ phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh cho biết: Việc nuôi con bằng sữa mẹ có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Chính vì vậy, khoa đã tham mưu Trung tâm KSBT tỉnh phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho nhân viên y tế các tuyến, tăng cường hiệu quả truyền thông, thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời và kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ… đến các bà mẹ. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai truyền thông cho các cấp, ngành và người dân về: lợi ích của sữa mẹ; tầm quan trọng của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi.
Đến nay, Trung tâm KSBT tỉnh đã hướng dẫn thành lập và duy trì hoạt động của 78 mô hình câu lạc bộ dinh dưỡng tại 78/88 xã vùng III trên địa bàn tỉnh. Các trạm y tế xã có mô hình đã bố trí phòng tư vấn và thường xuyên thực hiện tư vấn dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho phụ nữ có thai, cho con bú và bà mẹ có con dưới 2 tuổi. Trong đó, các cán bộ, nhân viên y tế luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng của sữa mẹ đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ và hướng dẫn các bà mẹ cho con bú đúng cách, đảm bảo chế độ dinh dưỡng để suy trì nguồn sữa, chất lượng sữa...
Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp làm tốt công tác truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng như: lồng ghép trong các buổi khám thai, tiêm chủng tại trạm y tế; họp thôn, sinh hoạt hội đoàn thể; tuyên truyền cho sản phụ tại các bệnh viện trong quá trình bệnh nhân chuyển dạ, sau khi sinh con... về lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ.
Bác sỹ Phạm Thanh Huyền, Phó Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh cho biết: Bình quân mỗi tháng, khoa có khoảng 300 bệnh nhân. Thực hiện Thông tư số 38 ngày 31/10/2016 của Bộ Y tế quy định một số biện pháp thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khoa luôn duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ. Thông qua các cuộc họp hội đồng người bệnh vào thứ 4 hằng tuần; hoạt động thăm khám, đi buồng hằng ngày; phát tranh, ảnh, tờ rơi, tờ gấp… chúng tôi hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ cho con bú đúng cách, đủ lượng sữa. Vừa tuyên truyền, chúng tôi vừa thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ, hướng dẫn sản phụ cho con bú đúng cách trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và hỗ trợ những trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân, có bệnh lý được tiếp cận với nguồn sữa mẹ.
Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở y tế toàn tỉnh đã tổ chức truyền thông lồng ghép tại các cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng được hơn 4.000 cuộc; lồng ghép tại các cơ sở y tế, hộ dân cho hơn 280.000 lượt người về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhờ đó, nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi ngày càng được nâng cao. Chị Hoàng Thị Thu Hương, thôn Tân Lập, xã Bắc La, huyện Văn Lãng kể: Lần đầu tiên được làm mẹ, tôi cảm thấy lo lắng trong việc nuôi con, nhất là vấn đề dinh dưỡng. Tuy nhiên, quá trình thăm khám sức khỏe thai kỳ và ngay sau khi sinh nở, tôi đã được các y, bác sỹ tuyên truyền về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, hướng dẫn cho con bú đúng cách... nên tôi đã biết cách duy trì nguồn sữa và cố gắng cho con bú đều đặn theo quy định là từ 6 đến 24 tháng tuổi để con được mạnh khỏe và phát triển tốt.
Với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ sở y tế, việc nuôi con bằng sữa mẹ được người dân trên địa bàn quan tâm thực hiện tốt với tỷ lệ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tại các khu vực đô thị, thị trấn đạt khoảng từ 70% đến 75%; đối với các thôn bản vùng sâu, vùng xa đạt khoảng từ 60% đến 65%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 3.145/4.003 bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc trong tuần đầu sau sinh tại nhà, trong đó có hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, đạt 78,6% (đạt 100,8% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024). Thời gian tới, ngành chức năng trên địa bàn tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ để đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho bà mẹ, trẻ em và nâng cao sức khoẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng.
Ý kiến ()