Nuôi chim yến ở Khánh Hòa
Nhu cầu sản phẩm yến sào, một loại thực phẩm quý đang ngày một tăng cao. Nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, qua nghiên cứu, Công ty yến sào Khánh Hòa đã ấp nở và nuôi thành công chim yến trong nhà, góp phần mở rộng nghề nuôi chim yến.
Sáng sớm, Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ nuôi chim yến SANATECH (tại xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) nghe ríu rít tiếng chim. Có tiếng chim reo vui đón chào ngày mới; cũng có cả tiếng chim non đang đói bụng đòi mẹ mớm mồi. Rồi chúng được mớm mồi. Nhưng người mớm mồi không phải là chim yến mẹ mà là những người công nhân.
Ông Nguyễn Xuân Viễn, Giám đốc Trung tâm đưa chúng tôi đi xem khắp lượt hệ thống dây chuyền công nghệ khép kín, từ máy ấp trứng cho đến các công đoạn nuôi chim non, từ mới nở cho tới lúc tập bay, hòa nhập cùng bầy đàn.
Ông Viễn cho biết, trước đây, khi vào mùa thu hoạch, tổ yến được gỡ khỏi vách đá, bỏ đi cả lượng trứng đang có trong tổ. Thực tế ấy khiến những người khai thác yến sào thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa băn khoăn, trăn trở, với những câu hỏi như tại sao lại bỏ trứng đi, trong khi chúng ta đang cần nhân mạnh số lượng đàn chim yến; và, liệu chúng ta có thể ấp nở lượng trứng ấy, nuôi đến trưởng thành để góp phần gia tăng số lượng chim yến trong đàn?
Xuất phát từ những trăn trở đó, Công ty Yến sào Khánh Hòa bắt tay thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chimyến hàng Aerodramus fuciphagus amechanus làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn chim yến trong nhà ở Khánh Hòa”.
Trứng chim yến được đưa từ đảo về, lựa chọn và đưa vào máy ấp theo một quy trình nghiêm ngặt nhằm bảo đảm sự an toàn của trứng. Ở đây, máy ấp luôn giữ nhiệt độ, độ ẩm không khí phù hợp và tự động đảo trứng theo từng chu kỳ thời gian định sẵn. Khoảng từ 21 đến 25 ngày thì trứng nở hết. Hiện công ty đã chế tạo thành công máy ấp công suất đến 2.000 trứng/máy, và SANATECH không ngừng hoàn thiện máy ấp để đáp ứng được yêu cầu, đạt tỷ lệ nở cao.
Chim con nở ra được phân kỳ chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển cụ thể. Quan sát những người công nhân mớm thức ăn cho những chú chim mới nở còn đỏ hỏn, chưa mở mắt, mới thấy hết sự công phu của những người làm mẹ chim yến.
Ông Viễn cho biết thêm, công ty đã nghiên cứu và xây dựng được dây chuyền sản xuất thức ăn cho chim yến, bảo đảm thành phần dinh dưỡng theo từng độ tuổi, từ lúc mới nở cho tới trưởng thành.
Để hoàn thiện quy trình ấp, nuôi nhân tạo chim yến, công ty chú trọng nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ mới, hiện đại hóa máy ấp trứng để nâng cao tỷ lệ nở; nghiên cứu thành phần dinh dưỡng và kỹ thuật nuôi chim con nhằm nâng cao tỷ lệ nuôi sống chim con. Đến nay, quy trình ấp, nuôi nhân tạo đã hoàn thiện và nâng tỷ lệ trứng nở thành chim con đạt hơn 90%; tỷ lệ sống của chim con đạt hơn 70%; tỷ lệ chim con trưởng thành, bay về tổ đạt hơn 50%.
Theo thống kê sơ bộ, sản lượng yến đảo thiên nhiên trên cả nước khai thác mỗi năm khoảng 5.000 kg; trong số đó, Khánh Hòa chiếm 3.236 kg (năm 2012). Hiện Công ty Yến sào Khánh Hòa đang quản lý, khai thác32 đảo yến với 160 hang yến, dự kiến sẽ phát triển thêm68 hang nữa. Bên cạnh việc tổ chức tốt việc khai thác yến đảo thiên nhiên; đầu tư phát triển thêm hang yến ở các tuyến đảo, công ty kết hợp với nhiều hộ nông dân trên cả nước làm nhà nuôi chim yến. Sau hơn bảy năm chuyển giao công nghệ, đến nay, công ty đã xây dựng thành công gần 1.000 nhà nuôi chim yến (cả nướchiện có 1.321 nhà), cho sản lượng mỗi năm khoảng hơn 1.320 kg.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, nhu cầu các sản phẩm yến sào cao cấp đang tăng lên rất nhanh. Để đáp ứng yêu cầu đó, công ty phải không ngừng mở rộng sản xuất, cả trên lĩnh vực khai thác lẫn nuôi chim yến trong nhà. Chính vì vậy, nhu cầu chim yến non cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn, cả về số lượng lẫn chất lượng; và việc cung cấp chim con cũng phải mang tính khoa học, chuyên nghiệp cao hơn.
Làm chủ công nghệ ấp, nuôi nhân tạo chim yến, bổ sung chim trưởng thành cho các hang đảo, các nhà nuôi chim yến của Khánh Hòa cũng như cả nước, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tiến thêm một bước dài trên lĩnh vực áp dụng công nghệ phát triển quần thể chim yến, góp phần thúc đẩy nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển bền vững, hiệu quả.
Tổng Giám đốc Lê Hữu Hoàng cũng cho biết thêm, nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam mới hình thành nhưng có bước phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có quy hoạch cụ thể, dễ dẫn đến rủi ro cho người nuôi; ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị cũng như sự phát triển bền vững của nghề nuôi chim yến.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()