Nuôi cá lồng: Tạo sinh kế mới cho người dân xã Hồng Phong
(LSO) – Những năm gần đây, nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, ngành và chính quyền địa phương, một số hộ dân ở xã Hồng Phong, huyện Bình Gia đã tận dụng diện tích mặt nước trên hồ Thủy điện Thác Xăng để phát triển nuôi cá lồng. Mô hình này đã góp phần tạo việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ dân trên địa bàn xã.
Hồng Phong là xã vùng 3 của huyện Bình Gia, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã là 36,25%. Năm 2016, khi Dự án Thủy điện Thác Xăng đi vào hoạt động, trên địa bàn xã có 4 thôn bị ảnh hưởng bởi dự án, nhiều hộ dân trong khu vực lòng hồ thủy điện bị thu hồi đất sản xuất. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền người dân phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản để tận dụng được tiềm năng mặt nước sẵn có, giúp người dân có việc làm và tăng thêm thu nhập.
Mô hình nuôi cá lồng của người dân thôn Vằng Phya, xã Hồng Phong
Theo đó, tháng 12/2018, Trung tâm Thủy sản tỉnh hỗ trợ người dân thôn Vằng Phya 100% cá giống; 50% kinh phí mua thức ăn và thuốc phòng và chữa bệnh để phát triển10 lồng cá. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân chăm sóc đúng phương pháp. Năm 2019, từ nguồn vốn dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, UBND xã đã hỗ trợ 250 triệu đồng cho các hộ dân nuôi 24 lồng; năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ bà con nuôi 30 lồng cá. Để khuyến khích các hộ thực hiện mô hình, hằng năm, ngoài các lớp tập huấn do cơ quan chuyên môn tỉnh tổ chức, UBND xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện tổ chức tập huấn lồng ghép về quy trình nuôi cá lồng; tổ chức đi thực tế, tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình nuôi cá lồng ở các huyện: Văn Quan, Văn Lãng…
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động trong chăm sóc của người dân, đến nay, trên địa bàn xã có 64 lồng cá, với 60 hộ nuôi. Ông Nông Văn Phúc, thôn Vằng Phya cho biết: “Sau khi Thủy điện Thác Xăng tích nước, gia đình tôi có 3 sào đất canh tác hằng năm bị thu hồi. Năm 2018, tôi đã đăng ký nuôi 1 lồng cá, thả hơn 300 con. Cá sinh trưởng và phát triển tốt nên năm 2020, tôi tiếp tục đăng ký nuôi 2 lồng nữa. Hiện nay, cá nuôi từ năm 2018 đã đạt trọng lượng từ 1,8 đến 2 kg/con. Hiện tại sản lượng cá xuất bán của gia đình tôi có khoảng hơn 400 kg. Đến dịp tết nguyên đán năm nay, gia đình tôi sẽ xuất bán hết, “cầm chắc” hơn 30 triệu đồng”.
Cũng như gia đình ông Phúc, việc phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã góp phần giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới với nhiều hứa hẹn thành công. Ông Vương Văn Son, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Hiện tại, trung bình mỗi lồng cá của người dân có từ 200 đến 450 con, chủ yếu là cá trắm, cá lăng, rô phi đơn tính. Trong đó có 10 lồng đang thu hoạch với khối lượng 4 đến 6 tạ/lồng, trị giá từ 20 đến gần 50 triệu đồng/lồng. Dự tính từ nay đến tết nguyên đán tới, các hộ dân sẽ xuất bán được khoảng 5 tấn cá, đem lại nguồn thu từ hơn 200 đến gần 500 triệu đồng.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Hồng Phong tiếp tục tuyên truyền và vận động các hộ nhân rộng mô hình; tuyên truyền người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để nâng cao giá trị sản phẩm; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để nuôi cá lồng, giúp bà con có thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Ý kiến ()