Nuôi cá lồng tại Văn Quan: Hiệu quả từ chuyển đổi lồng nuôi
– Nhằm giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường gắn với lợi ích của người nuôi cá, từ năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Quan đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn thay thế lồng quây bằng lồng treo. Sau một thời gian triển khai, việc chuyển đổi đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trước đây, toàn bộ 10 lồng cá của gia đình ông Lục Việt Thắng (phố Đức Hinh 1, thị trấn Văn Quan) đều là lồng quây. Từ năm 2020, gia đình ông bắt đầu sử dụng lồng treo thay cho lồng quây. Chi phí mỗi lồng khoảng 6 – 7 triệu đồng gồm: lưới, sào kim loại, phao… Ông Thắng cho biết: Sử dụng lồng quây khiến cá rất dễ mắc bệnh ngoài da, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển, cùng đó, nếu nuôi quá dày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại khu vực lồng nuôi. Sử dụng lồng treo đã khắc phục được tất cả những điều trên. Ngoài ra, việc chăm sóc cá cũng dễ dàng hơn.
Người dân nuôi cá lồng tại thị trấn Văn Quan đã chuyển đổi từ lồng quây sang lồng treo
Còn tại HTX Cá lồng Tân Minh (thị trấn Văn Quan), hiện HTX có khoảng 40 lồng cá (của khoảng 20 thành viên). Vì số lượng lồng cá tương đối lớn, đồng thời, vị trí nằm ở khu vực mặt nước tại “cửa ngõ” của thị trấn Văn Quan nên ngay từ năm 2018, để nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng, HTX đã chủ động sử dụng lồng treo thay cho lồng quây.
Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc HTX Cá lồng Tân Minh cho biết: Trước đây, đã có nhiều trường hợp bị thất thoát cá vào mùa lũ do lồng quây là dạng cố định, không thể di chuyển. Đối với lồng treo, việc di chuyển vị trí rất dễ dàng và có thể tự nâng lên theo mực nước nên rất an toàn.
Theo nhiều người dân sinh sống tại thị trấn Văn Quan, trước đây, khu vực sông chảy qua địa bàn thị trấn có rất nhiều lồng cá sắp xếp ngang dọc. Các cọc tre và lưới nuôi cá thường ngổn ngang, nhìn rất mất mỹ quan. Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi cá lồng đều đã sử dụng lồng treo và sắp xếp vị trí các lồng cá ngay ngắn, đảm bảo mỹ quan hơn nhất là đối với đoạn sông từ khu vực cổng chào đến chợ thị trấn. Cùng với đó, trên cùng một diện tích, sản lượng cá nuôi bằng lồng treo tăng khoảng 10 – 15% so với sử dụng lồng quây.
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Quan, hiện nay, toàn huyện có khoảng 110 hộ nuôi cá lồng với tổng số khoảng 250 lồng cá. Trước năm 2019, các hộ trên địa bàn huyện đều sử dụng lồng quây để nuôi cá, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 187 lồng quây sang lồng treo. Để có kết quả này, Phòng NN&PTNT huyện Văn Quan đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi lồng nuôi. Đồng thời, phân công cán bộ đến từng hộ nuôi cá lồng để hướng dẫn chuyển đổi.
Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Quan cho biết: Việc thay thế lồng quây bằng lồng treo đã góp phần giữ gìn cảnh quan và môi trường của địa phương. Để thay thế hoàn toàn lồng quây còn lại, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn chung tay, phối hợp để thực hiện nhiệm vụ này. Đối với số lồng quây còn lại, đơn vị tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn bà con thực hiện chuyển đổi đúng kỹ thuật. Qua đó, đảm bảo quá trình thay thế không xảy ra các sự cố.
Hiện nay, Văn Quan là huyện có diện tích nuôi cá lồng lớn nhất toàn tỉnh. Năm 2020, sản lượng cá lồng của huyện Văn Quan đạt khoảng 90 tấn, tăng khoảng 10 tấn so với năm 2018. Giá cá lồng đạt từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg. Với sự chủ động của các cấp, ngành trong chuyển đổi hình thức chăn nuôi cá lồng, năng suất cũng như chất lượng cá lồng của huyện đang từng bước được nâng cao. Qua đó, góp phần phát triển bền vững hoạt động nuôi cá lồng, giúp người dân phát triển kinh tế.
Năm 2018, các hộ nuôi cá tại huyện Văn Quan bị thiệt hại trên 8,8 tấn cá lồng do lũ. Nguyên nhân chủ yếu do thời điểm bấy giờ, hầu hết người dân vẫn sử dụng lồng quây để nuôi cá. Lồng quây có nhược điểm di chuyển khó khăn, không có hệ thống phao nổi. Đồng thời, việc dọn vệ sinh thường xuyên đối với lồng quây tương đối khó khăn. Sử dụng lồng treo đã góp phần khắc phục các nhược điểm trên. Qua đó, nâng cao hiệu quả chăn nuôi cá lồng. |
Ý kiến ()