Nước sạch và vệ sinh môi trường góp phần nâng cao đời sống và sức khỏe nhân dân vùng nông thôn
Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (MTQG NS&VSMTNT) giai đoạn 2 (2006-2010) đã hoàn thành và đạt được kết quả tốt, góp phần nâng cao điều kiện sống, sức khỏe của người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Từ kết quả đạt được, cùng những bài học kinh nghiệm của giai đoạn này sẽ là tiền đề để tiếp tục thực hiện thành công Chương trình MTQG NS& VSMTNT giai đoạn 3 (2011-2015).Nâng số hộ dân được sử dụng nước sạchTheo Chánh văn phòng thường trực Chương trình MTQG NS&VSMTNT Hạ Thanh Hằng, đến hết năm 2010, tổng số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là hơn 52 triệu người, tăng 13.260.000 người so năm 2005, trong đó tỷ lệ được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 62% lên 83%, trung bình tăng 4,2%/năm. Điều đáng nói, trong bảy vùng kinh tế, sinh thái thì vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89%, cao hơn trung bình cả nước 6%. Bên cạnh đó, một số địa phương...
Nâng số hộ dân được sử dụng nước sạch
Theo Chánh văn phòng thường trực Chương trình MTQG NS&VSMTNT Hạ Thanh Hằng, đến hết năm 2010, tổng số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là hơn 52 triệu người, tăng 13.260.000 người so năm 2005, trong đó tỷ lệ được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 62% lên 83%, trung bình tăng 4,2%/năm. Điều đáng nói, trong bảy vùng kinh tế, sinh thái thì vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89%, cao hơn trung bình cả nước 6%. Bên cạnh đó, một số địa phương đã đạt được mục tiêu cấp nước sạch và có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn tại các trường học. Đến nay, đã có khoảng 32.155 trường học phổ thông, nhà trẻ, mẫu giáo; 7.976 trạm y tế xã có nước sạch và công trình vệ sinh; số công trình nước sạch và nhà vệ sinh tại chợ nông thôn là 1.537 công trình và 7.004/ 9.728 trụ sở UBND xã có nước sạch và công trình vệ sinh, trong đó 1.459 công trình xây mới trong giai đoạn 2006 – 2010. Các tỉnh như An Giang, Cà Mau, Vĩnh Long, Long An… đã có 100% trường học, trạm y tế có nước sạch và có nhà vệ sinh. Ngoài ra, cả nước cũng đã có hơn 11,5 triệu gia đình ở nông thôn có nhà vệ sinh, nâng tỷ lệ số gia đình nông thôn có nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn lên 60%.
Để đạt được những thành công trong giai đoạn vừa qua là do Chương trình đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Chính phủ và nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ dân vay để xây dựng các công trình nước sinh hoạt và nhà vệ sinh cho hộ gia đình chiếm tỷ lệ gần 43% so với tổng huy động vốn của Chương trình. Điều này thể hiện sự tham gia tích cực của người dân, đồng thời khẳng định việc cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một nhu cầu thiết yếu đối với đời sống của người dân nông thôn. Hơn nữa, quy chế hoạt động đã có sự phân công trách nhiệm cụ thể; việc tổ chức các cuộc họp định kỳ và các cuộc họp trực tuyến với các địa phương để thống nhất biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện được tổ chức thường xuyên hơn. Chương trình cũng thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành để đánh giá, phát hiện những khó khăn, hạn chế, kịp thời có giải pháp tháo gỡ cho cơ sở. Không những vậy, các tỉnh đã quan tâm chú trọng thực hiện Chương trình trên địa bàn, xác định việc cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn là một chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, công tác quản lý, vận hành công trình sau đầu tư được quan tâm hơn và có cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững. Một số mô hình và cơ chế quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung và vệ sinh công cộng phù hợp, bước đầu có hiệu quả.
Bảo vệ môi trường nông thôn
Nổi bật nhất trong Chương trình MTQG NS&VSMTNT giai đoạn 2, đó là Dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng vốn vay Ngân hàng Thế giới được triển khai khá thành công tại bốn tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Đến nay, các dự án cấp nước tập trung tại các địa phương trên đã cấp nước cho người dân của sáu xã với số hộ đã đấu nối là 11.317, đạt 83%; bảo đảm tiêu chuẩn cấp nước 60 lít/người/ngày với chất lượng nước đạt quy chuẩn quốc gia; bình quân lượng nước sử dụng gần 6,2 m3/hộ/tháng; tỷ lệ thất thoát nước trung bình 23 %. Tại đây, bốn công ty cổ phần cấp nước và vệ sinh đã được thành lập bước đầu hoạt động có hiệu quả và khẳng định rõ nét về tính bền vững trong quản lý vận hành. Ngoài nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo dưỡng các nhà máy nước đã xây dựng xong, các công ty còn đảm nhận nhiệm vụ chủ đầu tư các tiểu dự án cấp nước trong dự án. Các công nhân vận hành nhà máy nước đều được đào tạo và có chứng chỉ tay nghề. Có thể khẳng định Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng đã tạo ra một mô hình quản lý mới trong quản lý hệ thống cấp nước nông thôn, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, thực hiện chính sách phân cấp, phân quyền của Chính phủ, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp nước nông thôn. Không những vậy, dự án còn khuyến khích nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của khách hàng và tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương; cung cấp những hệ thống cấp nước ổn định và bền vững với hiệu quả cao về kinh tế, qua đó tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, dự án cũng góp phần vào việc cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện sống và sức khỏe của cộng đồng. Hơn nữa, dự án cũng đã lồng ghép tốt các hoạt động cung cấp nước sạch với các hoạt động vệ sinh. Bên cạnh các hệ thống cung cấp nước sạch, 250 công trình vệ sinh công cộng và hàng chục nghìn nhà vệ sinh hộ gia đình được hội liên hiệp phụ nữ các tỉnh triển khai thực hiện từ quỹ quay vòng của dự án một cách rất hiệu quả với tổng số vốn giải ngân là 105,3 tỷ đồng, tương đương 5,5 triệu USD đạt 98%. Hiện có tổng cộng 29.505 hộ/118 xã thuộc bốn tỉnh (trong đó hộ nghèo, gia đình chính sách xã hội chiếm khoảng 10%) được vay vốn để cải tạo, xây mới công trình vệ sinh, thu hồi vốn gốc cho vay quay vòng là 15,1 tỷ đồng với tỷ lệ thu hồi vốn đạt 100% đã hoàn thành và phát huy hiệu quả tốt, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn vùng dự án.
Khắc phục HẠN CHẾ trong giai đoạn mới
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng Chương trình MTQG NS&VSMTNT giai đoạn 2 vẫn còn gặp khó khăn do một số địa phương chưa quan tâm làm tốt công tác chỉ đạo điều hành nên sự phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ từ khâu xây dựng và phân bổ kế hoạch, tổ chức thực hiện, theo dõi đánh giá; mô hình tổ chức quản lý ở cấp tỉnh, huyện chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Công tác xã hội hóa nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được đề cập từ giai đoạn 1, nhưng quá trình chỉ đạo thực hiện chương trình trong giai đoạn 2006 -2010 vẫn hạn chế, nhất là trong quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung và công trình vệ sinh công cộng. Việc phân cấp tổ chức gặp nhiều khó khăn, năng lực tổ chức thực hiện chương trình tuyến huyện, xã còn hạn chế, kết quả thấp. Chất lượng và quản lý quy hoạch còn hạn chế và chưa sát thực tế để đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi của chương trình. Hơn nữa, chủ quản lý vận hành công trình ở nhiều địa phương chưa được xác định rõ ràng ngay từ khi bắt đầu có dự án đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư chậm, vẫn còn tình trạng sau khi có kế hoạch phân bổ vốn mới tiến hành lập dự án đầu tư, thiết kế, hầu hết các công trình gần cuối năm mới thi công, giải ngân chậm… ảnh hưởng chất lượng thiết kế và tiến độ thực hiện, thanh quyết toán hằng năm. Ngoài ra, nhận thức và hành vi của người dân sử dụng nhà vệ sinh hộ gia đình còn hạn chế, vẫn còn gần 23% số hộ dân nông thôn không có nhà vệ sinh, khoảng một phần ba số hộ có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn nhưng sử dụng và bảo quản không đúng quy định. Nhất là, vẫn còn một số mô hình và cơ chế quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung chưa hiệu quả và thiếu bền vững. Phương thức hoạt động cơ bản vẫn mang tính phục vụ, chưa chuyển được sang phương thức dịch vụ, thị trường hàng hóa. Đồng thời, việc triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ chậm. Còn thiếu và chậm đưa ra các hướng dẫn và triển khai rộng các mô hình công nghệ cấp nước quy mô hộ gia đình, mô hình nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn giá rẻ phù hợp vùng sâu, vùng nghèo.
Phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại này, Chương trình MTQG NS&VSMTNT giai đoạn 3 (2011-2015) đề ra mục tiêu sẽ có 95% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 60% được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày; 75% số gia đình ở nông thôn có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn; 65% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó 30% chuồng trại được xử lý bằng hầm bi-ô-ga. Tất cả các trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã, chợ, trụ sở xã ở nông thôn đủ nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn và được quản lý, sử dụng tốt; 60% số xã được thu gom rác thải sinh hoạt; tiếp tục giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải sinh hoạt và các làng nghề. Bên cạnh đó, ít nhất 80% người dân nông thôn, nhất là hộ nghèo được tiếp cận với các thông tin thúc đẩy vệ sinh hộ gia đình, bao gồm các loại công trình nhà vệ sinh, cấp nước sạch và phương án tài chính phù hợp nhu cầu, sở thích và khả năng chi trả, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường. Trên cơ sở đó, Chương trình sẽ phát triển bền vững, phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội từng vùng, bảo đảm hoạt động lâu dài của hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và công trình vệ sinh môi trường nông thôn trong điều kiện hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Phát huy nội lực của người dân nông thôn, dựa vào nhu cầu, trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành, đồng thời tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong các dịch vụ cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()