Nước sạch đến với đồng bào miền núi Sơn La
Nước sạch về với bà con dân tộc thiểu số. Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La.Đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, số người được sử dụng nước hợp vệ sinh ngày một tăng, môi trường sống được cải thiện, góp phần thay đổi dần tập quán lạc hậu của nông thôn miền núi về sử dụng nước, chăn nuôi và vệ sinh làng, bản.Kết quả bước đầuSơn La là một tỉnh miền núi, địa bàn vùng nông thôn chiếm 80% diện tích, dân số nông thôn chiếm hơn 89%, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỉnh đã xác định vấn đề nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường ở nông thôn là vấn đề cấp bách, phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, là nhiệm vụ chăm lo của mọi ngành, mọi cấp chính quyền, tổ chức và mọi công dân. Quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMT nông thôn đã...
|
Đời sống người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, số người được sử dụng nước hợp vệ sinh ngày một tăng, môi trường sống được cải thiện, góp phần thay đổi dần tập quán lạc hậu của nông thôn miền núi về sử dụng nước, chăn nuôi và vệ sinh làng, bản.
Kết quả bước đầu
Sơn La là một tỉnh miền núi, địa bàn vùng nông thôn chiếm 80% diện tích, dân số nông thôn chiếm hơn 89%, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỉnh đã xác định vấn đề nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường ở nông thôn là vấn đề cấp bách, phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, là nhiệm vụ chăm lo của mọi ngành, mọi cấp chính quyền, tổ chức và mọi công dân. Quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMT nông thôn đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự ủng hộ của các cấp, các ngành cùng với sự tham gia tích cực của nhân dân. Có sự phối hợp thống nhất chỉ đạo và thực hiện từ tỉnh đến huyện, nhất là sự phối hợp thống nhất của các ngành nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế.
Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La Nguyễn Tường Thuật cho chúng tôi biết, kết quả điều tra theo 14 chỉ số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổng cục Thống kê, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng tại Sơn La cho thấy, đến nay đã có 73,7% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 21,8% số dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, 78% số trường học có nước sạch và nhà vệ sinh hợp vệ sinh, 80% số trạm y tế xã có nước sạch và nhà vệ sinh hợp vệ sinh, 52% số trụ sở UBND xã, chợ có nước sạch và nhà vệ sinh hợp vệ sinh, 30,5% số hộ có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, 20,7% số hộ có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh và 100% số làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Mới đây nhất, ngày 26-7, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh đã bàn giao công trình nước sinh hoạt liên bản cho xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn. Đây là công trình nước sinh hoạt tự chảy được lấy nước từ hai đập đầu mối, gồm 16 bể chứa tập trung, 85 trụ vòi, với tổng số vốn đầu tư xây dựng hơn 1,6 tỷ đồng. Công trình phục vụ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 295 hộ dân của bốn bản Bằng, Bó, Chu Văn Thịnh, Nương và Trường tiểu học Mường Bằng I, trường Mầm non Mường Bằng I. Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh cũng mở các lớp tập huấn tại 11 huyện, thành phố, xét nghiệm mẫu nước theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tại các xã thành lập tổ điều tra gồm các thành viên là lãnh đạo xã, cán bộ phụ trách địa bàn, cán bộ trạm y tế và cán bộ y tế bản trực tiếp làm công tác điều tra, thu thập số liệu tại địa bàn. Tính đến hết năm 2010, có 173/206 xã, phường, thị trấn thu thập xong số liệu, 33 xã, thị trấn đang tiếp tục điều tra, thống kê.
Đến thăm bản Mai Quỳnh, huyện Mai Sơn – bản tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Trưởng bản Nùng Văn Tấm khoe với chúng tôi, cả bản đều được sử dụng nước hợp vệ sinh, mọi người ai cũng mừng, vì nước về đến tận sân nhà, có nước hợp vệ sinh phục vụ ăn, uống, tắm giặt. Chị em phụ nữ, không còn phải tranh thủ chiều tối, lúc vắng người ra sông tắm nữa. Người dân tộc thiểu số vốn ít biểu lộ tình cảm trước khách lạ, nhưng nhìn ánh mắt của Trưởng bản Nùng Văn Tấm, chúng tôi biết ông rất vui.
Định hướng tiếp theo
Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và VSMT nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La trong những năm qua mới chỉ giải quyết được nhu cầu bức xúc trước mắt, chưa bền vững và đồng bộ. Vẫn còn một số chương trình, dự án đầu tư cấp nước chưa đạt tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng nước. Các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới, tuy đã được quan tâm xây dựng nhiều công trình, song số hộ được sử dụng nước qua công trình còn thấp so bình quân chung của toàn tỉnh. Ước tính đến năm 2010 mới chỉ có khoảng 65% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh. Nhiều bản vùng cao còn khó khăn vì thiếu nguồn nước, chỉ chờ nước mưa hoặc đi lấy ở nguồn cách rất xa chỗ ở. Mặt khác, việc quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình sau đầu tư chưa được quan tâm đồng đều ở các chương trình, dự án. Một số dự án chưa coi trọng công tác hướng dẫn vận hành, quản lý sau đầu tư cho người dân. Còn có công trình đầu tư chưa phát huy hết công suất, hiệu quả chưa cao, chưa tiến hành thu tiền nước và xây dựng quy chế quản lý cho các công trình cấp nước.
Để các công trình cấp nước sạch và VSMT nông thôn đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực là một vấn đề đáng quan tâm và trở thành mục tiêu lớn của các dự án, chương trình đầu tư xây dựng. Giám đốc Nguyễn Tường Thuật chia sẻ, giai đoạn 2011-2015, tỉnh Sơn La sẽ lồng ghép các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn, thực hiện triển khai xây dựng công trình cấp nước các loại, cấp nước cho 24.458 người, đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 951.645 người dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đồng thời tập trung xây dựng công trình cấp nước tại các bản đặc biệt khó khăn, ưu tiên những bản khó khăn về nước sinh hoạt. Để thực hiện mục tiêu đề ra, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư tăng cường vốn đầu tư của Chính phủ và tài trợ của các tổ chức quốc tế để thực hiện chương trình. Bổ sung các cơ chế, chính sách đầu tư đồng bộ giữa các chương trình, dự án phù hợp từng vùng, miền. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, khi khảo sát thực hiện dự án cũng như các công trình cụ thể, cần chú trọng đến ý thức của nhân dân trên địa bàn, đồng thời quan tâm đến sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trên thực tế cho thấy, ở đâu mà người dân có ý thức, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thì hiệu quả của các công trình nước sạch và VSMT nông thôn được đầu tư, ở đó sẽ phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm tính bền vững cho các công trình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()