Nước Pháp bước vào năm 2012, với bộn bề âu lo. Bức tranh kinh tế vẫn phủ gam mầu xám, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang "gõ cửa" nước Pháp. Chính trường Pháp cũng nóng dần trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.Ứng cử viên Đảng xã hội Ph.Ô-lăng-đơ (thứ hai từ phải sang) thăm một nhà máy ở Me-vi-nhắc (Pháp). Chia tay năm 2011, năm được cho là "nóng nhất" trong hơn một thập kỷ qua, nước Pháp bắt đầu năm mới 2012 với hàng loạt khó khăn và thách thức. Dù đã nỗ lực tiến hành hàng loạt biện pháp cấp bách, nhất là các chính sách "thắt lưng, buộc bụng", nhưng Chính phủ của Tổng thống N.Xác-cô-di vẫn chưa thể vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Tình hình này khiến tín nhiệm của Tổng thống và Chính phủ sụt giảm, đối ngược với vị thế ngày càng cao của phe cánh tả. Ủy ban Bầu cử trung ương Pháp đã ấn định cuộc bầu cử tổng thống năm nay diễn ra ngày 22-4 tới. Nếu không ứng cử viên nào giành đa số phiếu bầu trong vòng một cuộc bầu...
Nước Pháp bước vào năm 2012, với bộn bề âu lo. Bức tranh kinh tế vẫn phủ gam mầu xám, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang “gõ cửa” nước Pháp. Chính trường Pháp cũng nóng dần trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.
Ứng cử viên Đảng xã hội Ph.Ô-lăng-đơ (thứ hai từ phải sang) thăm một nhà máy ở Me-vi-nhắc (Pháp).
Chia tay năm 2011, năm được cho là “nóng nhất” trong hơn một thập kỷ qua, nước Pháp bắt đầu năm mới 2012 với hàng loạt khó khăn và thách thức. Dù đã nỗ lực tiến hành hàng loạt biện pháp cấp bách, nhất là các chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, nhưng Chính phủ của Tổng thống N.Xác-cô-di vẫn chưa thể vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Tình hình này khiến tín nhiệm của Tổng thống và Chính phủ sụt giảm, đối ngược với vị thế ngày càng cao của phe cánh tả.
Ủy ban Bầu cử trung ương Pháp đã ấn định cuộc bầu cử tổng thống năm nay diễn ra ngày 22-4 tới. Nếu không ứng cử viên nào giành đa số phiếu bầu trong vòng một cuộc bầu cử, hai ứng cử viên được nhiều phiếu ủng hộ nhất sẽ bước vào vòng hai ngày 6-5. Tuy đương kim Tổng thống Xác-cô-di chưa tuyên bố ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, nhưng cử tri Pháp đã “điểm mặt” các ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế của ông chủ Điện Ê-li-dê (Phủ Tổng thống). Đảng Xã hội (PS) đối lập chính đã cử nghị sĩ QH P.Ô-lăng-đơ ra tranh cử. Giới phân tích dự đoán, ông Ô-lăng-đơ nhiều khả năng sẽ cùng Tổng thống Xác-cô-di vào tranh cử vòng hai. Các ứng cử viên độc lập được cho là “nặng ký” là cựu Thủ tướng Đ.Vi-lơ-panh và Chủ tịch đảng Tự do cực hữu M.Lơ Pen. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Ô-lăng-đơ được 31,5% số người được hỏi ủng hộ, Tổng thống Xác-cô-di được 26%, ông Lơ Pen 13,5% và ông Vi-lơ-panh 1%. Kết quả này đã khơi dậy niềm tin về một cuộc đổi ngôi giúp PS thoát khỏi vị thế của một đảng đối lập.
Khó khăn thêm chồng chất với Tổng thống Xác-cô-di khi đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền mất quyền kiểm soát tại Thượng viện vào tay liên minh cánh tả (gồm PS, đảng Cộng sản và đảng Xanh). Trong cuộc bầu cử cuối tháng 9-2011, liên minh cánh tả đã giành được 177 ghế trong tổng số 348 ghế tại Thượng viện Pháp. Tiếp đó, một thành viên PS đã được bầu làm Chủ tịch Thượng viện. Đây là lần đầu trong lịch sử của nền cộng hòa thứ năm ở Pháp (từ năm 1958), phe cánh tả giữ chức Chủ tịch và giành quyền kiểm soát tuyệt đối tại Thượng viện. Giới quan sát dự báo, với các chiến thắng tại Thượng viện, phe cánh tả có khả năng tiếp tục chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử Tổng thống và QH năm nay, trong bối cảnh có đến 53% số cử tri Pháp ủng hộ PS thay UMP lãnh đạo đất nước.
Trong khi đó, tình hình kinh tế – xã hội Pháp tiếp tục bị phủ đám mây đen, khi cuộc khủng hoảng nợ công đang “gõ cửa” nước Pháp. Theo các số liệu chính thức, nợ công của Pháp đã chạm ngưỡng 1.700 tỷ ơ-rô, chỉ đứng sau I-ta-li-a trong Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) với 1.900 tỷ ơ-rô. Tuy nhiên, tình hình nợ công của Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, còn rủi ro hơn I-ta-li-a, vì phần lớn chủ nợ của Rô-ma là những nhà đầu tư trong nước, trong khi Pa-ri lại chủ yếu vay nợ nước ngoài. Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn mười năm của Pháp tăng lên mức 3,46%, gấp hai lần so với Đức. Chính phủ Pháp liên tiếp phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 từ 2% xuống 1,75% và cuối cùng là 1%, đồng thời giữ thâm hụt ngân sách ở mức 4,5% GDP. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà hoạch định kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế Pháp năm nay có thể sẽ chỉ đạt 0,3% GDP. Niềm tin đối với giới đầu tư giảm sút, khi các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đang cảnh báo khả năng hạ bậc tín nhiệm tín dụng của Pháp, hiện ở mức AAA.
Trước tình hình kinh tế u ám, Chính phủ Pháp đã phải đưa ra kế hoạch “thắt lưng, buộc bụng” mới trị giá 12 tỷ ơ-rô, trong đó quan trọng nhất là cải cách hệ thống hưu trí và tăng thuế, nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách. Kế hoạch này đồng nghĩa với việc trút gánh nặng lên người lao động trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày một cao. Chính vì vậy, kế hoạch này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của người lao động.
Giới phân tích nhận định, Tổng thống Xác-cô-di và đảng UMP cầm quyền đang gặp nhiều bất lợi trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Chính phủ Pháp cần tiến hành các biện pháp cấp bách, nhằm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời phải hài hòa với lợi ích của người dân, mới mong nhận được sự ủng hộ của cử tri.
Theo Nhandan
Ý kiến ()