Nước Pháp hướng tới mục tiêu trở lại cuộc sống bình thường vào năm 2022
Cũng như nhiều nước khác ở châu Âu và trên thế giới, nước Pháp đang nỗ lực ứng phó nguy cơ rơi vào làn sóng thứ tư của dịch bệnh. Cùng với dấu mốc có gần 60% dân số được tiêm liều vaccine thứ nhất, việc mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế được kỳ vọng sẽ giúp nước Pháp sớm vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình thường vào năm 2022.
Theo thông báo ngày 25/7 của Bộ Y tế Pháp, có hơn 39,94 triệu người ở nước này đã được tiêm liều vaccine thứ nhất ngừa Covid-19, khoảng 59,2% tổng dân số. Dự kiến ngưỡng 40 triệu người sẽ đạt được trong ngày 26/7.
Đây là dấu mốc rất quan trọng để Pháp sớm đạt mức miễn dịch vào thời điểm các biến thể mới lại lây lan rất nhanh, nhất là biến thể Delta ở Pháp và một số nước châu Âu. Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp đẩy mạnh các biện pháp ứng phó gồm việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng và mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế ở những nơi tiếp đón công chúng.
Sau suốt 5 ngày làm việc liên tục từ ngày 20/7, cả Hạ viện và Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật về sức khỏe, trong đó có hai quy định đáng chú nhất là chứng nhận y tế và bắt buộc tiêm chủng ngừa Covid-19. Theo đó, từ tháng 8, việc áp dụng quy định kiểm tra chứng nhận y tế (có xác nhận tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm PCR âm tính) sẽ được triển khai tại tất cả quán cà-phê, nhà hàng, hội chợ – triển lãm thương mại, trên máy bay, tàu hỏa, xe khách đường dài và các cơ sở y tế. Còn các trung tâm mua sắm sẽ thực hiện theo quyết định của tỉnh trưởng.
Đối với trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi, việc áp dụng sẽ được thực hiện từ ngày 30/9 thay vì ngày 30/8 như chính phủ đề xuất để các phụ huynh có thời gian đưa con đi tiêm trong hè hoặc trong những tuần đầu của năm học mới. Mức phạt sẽ là 1.500 euro và đóng cửa trong 7 ngày đối với người quản lý các cơ sở tiếp đón công chúng không thực hiện quy định kiểm tra chứng nhận y tế và một năm tù giam và 9.000 euro trong trường hợp vi phạm quá ba lần trong vòng 30 ngày.
Người sử dụng chứng nhận y tế giả sẽ bị phạt 135 euro và lên tới 3.750 euro cùng 6 tháng tù nếu vi phạm quá ba lần trong vòng 30 ngày.
Luật cũng quy định việc tiêm chủng bắt buộc đối với các nhân viên y tế và điều dưỡng viên tại bệnh viện, phòng khám, viện dưỡng lão, nhân viên cứu hỏa, một số đơn vị quân đội cũng như các chuyên gia và tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện từ ngày 15/9 và có thể miễn trừ cho nhưng người có xác nhận y tế chống chỉ định tiêm.
Những người trong ngành y từ chối tiêm chủng sẽ bị cấm làm việc và đình chỉ lương so với đề xuất sa thải. Quy định này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều người, dẫn đến các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố vào những ngày cuối của hai tuần qua với khẩu hiệu “bảo vệ tự do” và “chống chính sách độc tài về dịch tễ.”
Những trường hợp có kết quả xét nghiệm với Covid-19 sẽ phải bị cách ly ở nơi tự chọn trong vòng 10 ngày. Cơ quan bảo hiểm y tế sẽ theo dõi và kiểm tra việc cách ly bắt buộc như vậy và có thể đề nghị sát can thiệp nếu phát hiện vi pham. Việc áp dụng quy định kiểm tra chứng nhận y tế sẽ có hiệu lực đến ngày 15/11 và sẽ được gia hạn thông qua cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội.
Để sớm trở lại cuộc sống bình thường, Chính phủ Pháp xác định vaccine và chứng nhận y tế là biện pháp hiệu quả và chủ động để có thể trở sớm lại cuộc sống bình thường. Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi người dân đoàn kết, chấm dứt biểu tình phản đối các quy định về kiểm soát dịch và cho rằng “biểu tình đòi tự do” sẽ không có giá trị khi làm lây nhiễm cho người khác.
Cũng như nhiều nước khác ở châu Âu, từ ngày 16/7, Pháp ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mỗi ngày, cao hơn rất nhiều so với tháng 5 và 6, thời điểm dịch có dấu hiệu giảm nhiệt. Đa số ca nhiễm gia tăng mạnh trong những ngày qua là người trẻ tuổi. Số người nhập viện và ca bệnh nặng dù không tăng nhiều, nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng nhập viện mới nếu các biện pháp chống lây nhiễm không được duy trì.
Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Véran cho rằng vào cuối năm nay, khoảng 50 triệu trong tổng số 66,7 triệu dân sẽ được tiêm chủng ngừa Covid-19 để đạt mức độ miễn dịch cộng đồng. Ngưỡng 40 triệu người được tiêm chủng liều vaccine thứ nhất đạt được vào ngày 26/7 là dấu mốc rất quan trọng, sớm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.
Diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp không chỉ ở châu Âu mà tại nhiều khu vực khác trên thế giới. Chính phủ Pháp hy vọng việc triển khai các biện pháp phòng ngừa rất quyết liệt sẽ sớm dẫn tới mục tiêu trở lại cuộc sống bình thường vào năm 2022.
Ông Jean-François Delfraissy, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của chính phủ, nhận định “chúng ta sẽ chiến thắng trước dịch bệnh nhưng không phải ngay trong vài tháng tới có thể sẽ có một biến thể khác vào mùa đông. Loại virus corona có khả năng đột biến bất thường.”
Các chuyên gia y tế Pháp dự báo số ca nhiễm có thể tăng cao hơn trong mấy tuần tới vì nhiều người còn lơ là trong dịp nghỉ hè. Hiện tất cả các vùng ở Pháp đã vượt qua mức cảnh báo 50 ca/100 nghìn dân. Chính quyền ở một số địa phương đã ra quyết định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài. Chính vì vậy, các biện pháp rào cản như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách ở chỗ đông người cùng với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng sẽ là “vũ khí” hiệu quả nhất để sớm khống chế bệnh dịch.
Ý kiến ()