Nước nghèo canh cánh nỗi lo nợ nần
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương của nhóm G20 (FMCBG) vừa diễn ra tại Ấn Độ đã bế tắc trong việc tìm cách giúp các nước nghèo giảm bớt gánh nặng nợ nần. Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công toàn cầu đang diễn ra và kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, triển vọng thoát nợ của các nước nghèo càng trở nên mờ nhạt.
Chủ nợ bất đồng
Tại Hội nghị FMCBG, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đồng thời là chủ nợ của nhiều nước nghèo ở châu Á và châu Phi, bị phàn nàn vì có phản ứng chẳng mấy mặn mà đối với vấn đề nợ của các nước nghèo. Chủ nợ lớn nhất thế giới-Trung Quốc và các nước trong G20 đã không thể tìm được tiếng nói chung về việc tái cơ cấu nợ. Cụ thể, Bắc Kinh không đồng ý giảm bớt gánh nặng tài chính cho các quốc gia đang phát triển khó trả nợ thông qua việc giãn thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, hay thậm chí là xóa bớt nợ.
Sự bất đồng giữa chủ nợ lớn Trung Quốc và các nước xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này cũng đang ở thời điểm không mấy khả quan. Sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn được đánh giá là đóng vai trò quan trọng đối với thế giới nên khi đà tăng trưởng của Trung Quốc chậm hơn kỳ vọng, các nước nghèo càng ít có hy vọng nhẹ gánh nợ nần trong bối cảnh kinh tế chật vật.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng: “Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, khi tăng trưởng của nước này chậm lại, sẽ tác động đến tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Và chúng ta đang thấy điều đó”. Theo WSJ, trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, Trung Quốc đã buộc phải cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Xuất khẩu của Trung Quốc tháng trước đã giảm mạnh so với cùng kỳ 2022, còn lạm phát không đổi. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu làm tăng nguy cơ giảm phát. Khó khăn chồng chất khó khăn khi nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách chuyển bớt hoạt động khỏi Trung Quốc khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng, đã sụt giảm trong quý I năm nay.
Fed gây hồi hộp
Trong khi đó, các hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới đang mang lại sự hồi hộp không nhỏ bởi nền kinh tế toàn cầu vốn gắn liền với đồng USD. Ông Nathan Sheets, Nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Citibank, cựu chuyên gia kinh tế của Fed và Bộ Tài chính Mỹ bật mí rằng: “Kinh nghiệm của tôi tại các cuộc họp G20 là khi Fed báo cáo về kinh tế và chính sách tiền tệ của Mỹ thì cả căn phòng trở nên im lặng và căng thẳng”. Theo WSJ, Fed dự định tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới trong tháng 7 này, bởi Fed đang đối diện với lạm phát cơ bản ngày càng nghiêm trọng hơn. Hậu quả của vụ Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ cũng khiến các điều kiện tín dụng ở Mỹ được siết chặt hơn, tăng trưởng của kinh tế Mỹ vì thế khó tránh khỏi bị tác động.
Nữ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các đại biểu rời cuộc họp sau khi kết thúc ngày họp thứ nhất của Hội nghị FMCBG. Ảnh: AP |
Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã cảnh báo hành động khó đoán của Fed trong thời gian tới khiến các nước nghèo đối mặt với nguy cơ rủi ro nếu đồng USD tăng giá lần nữa. IMF cho biết, hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp và khoảng một phần tư quốc gia có thu nhập trung bình đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ cao về nợ nần.
Còn nhớ vào năm ngoái lãi suất tăng ở Mỹ đã thu hút vốn vào các tài sản bằng USD, đẩy giá trị của USD lên đáng kể. Điều đó tạo ra thách thức cho nhiều quốc gia có thu nhập thấp đã vay và phải trả nợ bằng USD, cũng như tốn kém hơn khi nhập khẩu thực phẩm và năng lượng.
Theo RT, trước thềm Hội nghị FMCBG, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, 52 quốc gia không có cách nào để giảm nợ và đang tiến gần đến tình trạng vỡ nợ. Ông cho biết, khoảng 3,3 tỷ người đang sống ở những quốc gia mà số tiền chi trả lãi vay nhiều hơn ngân sách dành cho y tế hay giáo dục. Ít nhất 19 quốc gia đang phát triển đã chi cho lãi suất nhiều hơn là cho giáo dục. Còn ở 45 quốc gia khác, số tiền này cao hơn chi cho chăm sóc sức khỏe.
Sức ép nợ nần đối với các nước nghèo gia tăng vào đúng thời điểm nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một loạt thử thách chưa từng có. Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo theo nhiều hệ lụy bao gồm mối đe dọa về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chưa kể tới sức tàn phá mạnh mẽ của các hiện tượng thời tiết cực đoan do tình trạng biến đổi khí hậu… Trong khi đó, thế giới cũng đang lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công vô tiền khoáng hậu. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, nợ công toàn cầu năm 2022 đã tăng lên mức chưa từng có với 92.000 tỷ USD, tăng 5 lần kể từ năm 2000 và vượt xa GDP toàn cầu. Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) nhận định, tình trạng này là do tác động của đại dịch Covid-19, lạm phát và lãi suất tăng.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/nuoc-ngheo-canh-canh-noi-lo-no-nan-735270
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()