Nước Nga với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hành trình hơn 30 năm tìm đường cứu nước và gần 30 năm lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Người chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam vượt qua ba đại dương, bốn châu lục, đến với gần 60 quốc gia.
Hành trình hơn 30 năm tìm đường cứu nước và gần 30 năm lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – Người chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam vượt qua ba đại dương, bốn châu lục, đến với gần 60 quốc gia.
Trong đó, nước Nga Xô-viết – quê hương của Cách mạng Tháng Mười, đất nước của Lê-nin vĩ đại là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian gắn bó lâu nhất, hơn 50 năm. Nước Nga có một vị trí và tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 30-6-2013 là ngày vừa tròn 90 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đến nước Nga – sự kiện lịch sử đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Người và cũng là bước ngoặt quyết định đối với cách mạng Việt Nam. Sau 90 năm nhìn lại, thế giới trải qua nhiều biến động và có nhiều thay đổi. Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết (CCCP) chỉ còn là ký ức đẹp đầy nuối tiếc. Nhưng đối với nhân dân Việt Nam, “Liên Xô” là một từ không bao giờ quên. Bởi vì, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Việt Nam đầu tiên khám phá ra nước Nga Xô-viết, học tập nước Nga, đã suốt đời giáo dục nhân dân ta ghi nhớ công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười, trân trọng xây đắp tình hữu nghị thắm thiết, thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt – Xô (Việt-Nga ngày nay)…
Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga ngày 30-6-1923 và đã có khoảng thời gian hơn sáu năm học tập và hoạt động ở quê hương của Cách mạng Tháng Mười, đất nước của Lê-nin vĩ đại, trung tâm của phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế, từ ngày 30-6-1923 đến tháng 10-1924; từ tháng 6-1927 đến 11-1927 và từ tháng 6-1934 đến tháng 10-1938.
Tại nước Nga, được tận mắt chứng kiến những chính sách kinh tế của Lê-nin đang đi vào cuộc sống và không khí lao động, học tập sôi nổi xây dựng chế độ mới của cả xã hội Xô-viết, Nguyễn Ái Quốc càng củng cố thêm niềm tin của mình vào con đường đã lựa chọn. Người viết nhiều bài đăng trên các báo và tạp chí của Quốc tế Cộng sản, của nước Nga, tuyên truyền về nước Nga Xô-viết, về Chủ nghĩa Lê-nin, hướng cuộc đấu tranh của nhân dân thuộc địa tới nước Nga và Cách mạng Tháng Mười…
Qua Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Người, cách mạng Việt Nam đã thật sự gắn với cách mạng vô sản thế giới, gắn bó với Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười. Những người lãnh đạo cách mạng Việt Nam hoạt động và rèn luyện ngay tại cơ quan đầu não và trường học lớn của cách mạng vô sản thế giới là Quốc tế Cộng sản. Từ đây, đường lối của Quốc tế Cộng sản, chính sách, kinh nghiệm của Nhà nước Xô-viết, công tác đào tạo cán bộ của Ðảng Cộng sản Nga đã trực tiếp tác động đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Ðó cũng là hành trang Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị được để lên đường về Tổ quốc, gánh vác sứ mệnh trọng đại mà lịch sử đã lựa chọn và giao phó. Sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là những thắng lợi đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh, người học trò trung thành, xuất sắc của Lê-nin.
Việt Nam giành được độc lập chưa được bao lâu đã phải tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp trong tình hình bất lợi nhất về quan hệ đối ngoại. Ðất nước hoàn toàn bị bao vây, thông tin tuyên truyền, quan hệ quốc tế, viện trợ hầu như không có. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, đối với cách mạng Việt Nam lúc này là phải chọc thủng vòng vây, đưa Việt Nam đến với thế giới. Và một lần nữa, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ đầu tiên “của châu Á trẻ trung” Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến nước Nga – “thành trì của nhân loại mới và tiến bộ”(1), “thành trì cách mạng, thành trì dân chủ và hòa bình thế giới”(2). Từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần bí mật đến nước Nga: Tháng 2-1950, tháng 10-1952 và tháng 4-1954, nhằm tìm cách phá vỡ vòng vây của kẻ thù, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn.
Cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Xta-lin (tháng 2-1950) có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ðây là cơ hội thuận lợi để Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp trình bày với các nhà lãnh đạo Liên Xô về tình hình cách mạng Việt Nam, về những chủ trương, đường lối của Ðảng Cộng sản Ðông Dương và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đang tiến hành. Sự ủng hộ về đường lối, giúp đỡ về vật chất của Liên Xô đã thật sự đến với Việt Nam sau chuyến thăm bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Trung Quốc, từ ngày 16-1 đến 3-2-1950 và Liên Xô khoảng từ ngày 10 đến 16-2-1950. Sự giúp đỡ kịp thời của Liên Xô đã giúp cách mạng Việt Nam giảm bớt khó khăn và giành được thắng lợi trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950.
Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bí mật đến nước Nga dự Ðại hội lần thứ XIX của Ðảng Cộng sản Liên Xô diễn ra vào tháng 10-1952. Vào thời điểm đó, “Ðại hội XIX của Ðảng Cộng sản Liên Xô là một việc quan trọng nhất trong lịch sử từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc”(3). Ðại hội tiếp tục thực hiện con đường xây dựng hòa bình ở Liên Xô, nâng cao hơn nữa mức sống của nhân dân Xô-viết và củng cố thành trì hòa bình trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của Ðại hội XIX của Ðảng Cộng sản Liên Xô và khẳng định các văn kiện của Ðại hội soi sáng thêm con đường cách mạng Việt Nam, trong hoàn cảnh vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Với những nỗ lực không ngừng, ngoại giao khéo léo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục được các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Xô-viết hiểu và ủng hộ đường lối kháng chiến và kiến quốc của Ðảng ta. Do vậy, trong suốt thời kỳ kháng chiến lâu dài và gian khổ, nhân dân ta nhận được sự đồng tình sâu sắc và sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần rất lớn từ Liên Xô.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tháng 7-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được mời sang thăm Liên Xô. Cuộc đi thăm của Người đã đạt kết quả to lớn trên nhiều phương diện. Về chính trị, Liên Xô hoàn toàn nhất trí với Việt Nam trong cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước, về kinh tế, Liên Xô tặng Việt Nam 400 triệu rúp trong hai năm 1955-1956 và giúp khôi phục 25 xí nghiệp. Ngày 18-7-1955, phát biểu tại sân bay trước khi rời Mát-xcơ-va, Người đã nói với các đồng chí Liên Xô bằng tiếng Nga: “Chúng tôi trở về Tổ quốc đem theo tình thân yêu và tình hữu nghị anh em của nhân dân Liên Xô. Tuy Việt Nam và Liên Xô cách xa nhau hàng ngàn dặm, nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp”.
Sau đó, trong các năm 1957, từ năm 1959 đến năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đi thăm, đi dự các Ðại hội Ðảng Cộng sản Liên Xô, dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, hội nghị các Ðảng Cộng sản và Công nhân thế giới tổ chức ở Mát-xcơ-va. Người đã lần lượt đi thăm 15 nước Cộng hòa Xô-viết thuộc CCCP. Những chuyến đi thăm, những bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Người về Lê-nin, về Cách mạng Tháng Mười, về công cuộc xây dựng và phát triển của Liên Xô, đã làm cho mối quan hệ gắn bó giữa Ðảng, Nhà nước, và nhân dân hai nước Việt Nam – Liên Xô càng thêm thắm thiết. Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô về kinh tế – xã hội, chính trị – văn hóa… là tấm gương sáng cho Việt Nam học tập và làm theo.
Là đầu tàu vĩ đại, đứng đầu phe XHCN, Liên Xô luôn luôn giúp đỡ các nước anh em trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Liên Xô đã ủng hộ thiết thực, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giúp nhân dân Việt Nam tiền bạc và kỹ thuật, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, đào tạo cán bộ, phát triển văn hóa đưa miền bắc nước ta tiến dần lên CNXH, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tình hữu nghị anh em, quan hệ hợp tác, tương trợ Việt – Xô, là “nhân tố quan trọng để Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng”(4)…
Hơn 50 năm gắn bó với nước Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải nghiệm và cảm nhận được những tình cảm chân tình và sự giúp đỡ vô tư của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam. Người quý trọng tất cả những gì liên quan đến Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, đến V.I.Lê-nin, đến tình hữu nghị Việt – Xô. Cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành trọn tấm lòng thủy chung son sắt, lòng biết ơn vô hạn đối với Lê-nin, Cách mạng Tháng Mười và nhân dân Liên Xô. Người nói: “Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười”(5).
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2009, t.6, tr. 113.
(2) Báo Nhân Dân, ngày 7-5-1951.
(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tập 14, tr.31.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.454.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.305.
Theo Nhandan
Ý kiến ()