Nước Mỹ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố 11/9
Nước Mỹ đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tưởng niệm 21 năm xảy ra loạt vụ khủng bố 11/9/2001 – thảm kịch đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Từ sáng 11/9 (theo giờ địa phương), nước Mỹ đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tưởng niệm 21 năm xảy ra loạt vụ khủng bố 11/9/2001 – thảm kịch đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự lễ tưởng niệm tại Lầu Năm Góc – một trong 3 mục tiêu của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9.
Ông Biden đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm trong khuôn viên Lầu Năm Góc nhằm tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Joe Biden cam kết tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn những âm mưu khủng bố.
Ông cũng kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết bảo vệ quyền được tự do mà những kẻ khủng bố ngày 11/9 đã muốn vùi lấp.
Trước đó, một ngày, Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đã tham dự và có bài phát biểu tại một lễ tưởng niệm ở Shanksville, Pennsylvania, nơi chiếc máy bay thứ tư bị bọn khủng bố kiểm soát, đâm xuống đất.
Vào thời điểm đó, bọn khủng bố trên máy bay này có kế hoạch tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington.
Trong khi đó, người thân của các nạn nhân trong loạt vụ tấn công khủng bố, cùng cảnh sát, lính cứu hỏa và lãnh đạo thành phố New York cũng tham dự một hoạt động tưởng niệm tại Đài tưởng niệm quốc gia và bảo tàng 11/9 ở Hạ Manhattan.
Tham dự sự kiện này còn có Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Tại đây, tên của 2.996 người thiệt mạng trong loạt vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 được xướng lên.
Những người tham dự còn thực hiện 6 lần nghi lễ mặc niệm, trong đó có các lần vào thời điểm 8h46 và 9h03, đánh dấu khoảnh khắc hai chiếc máy bay bị bọn khủng bố kiểm soát lao vào tòa tháp phía Bắc và phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).
Ngày 11/9/2001, 19 tên khủng bố của nhóm Hồi giáo Al Qaeda đã khống chế 4 máy bay thương mại của hai hãng hàng không United Airlines và American Airlines.
Hai chiếc Boeing 767 lần lượt đâm vào hai tòa tháp đôi thuộc khu phức hợp WTC ở thành phố New York, kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ 7 tòa tháp trong khu vực.
Tại thủ đô Washington, một chiếc Boeing 757 của Hãng American Airlines đâm vào phía Tây trụ sở Lầu Năm Góc gây ra đám cháy kinh hoàng và làm toàn bộ 64 người trên máy bay (trong đó có 5 tên khủng bố) và 125 người trên mặt đất thiệt mạng.
Sau vụ tấn công tại Lầu Năm Góc, toàn bộ không phận Mỹ trở thành vùng cấm bay.
Tuy nhiên, vẫn có một chiếc máy bay bất tuân lệnh, đó là chiếc Boeing 757 thuộc Chuyến bay 93 của Hãng United Airlines bị 4 tên không tặc khống chế.
Do chuyến bay cất cánh trễ, phi hành đoàn và hành khách đã kịp nghe về vụ tấn công tại New York. Các hành khách trên máy bay quyết định chống lại bọn không tặc khiến máy bay rơi xuống Shanksville, bang Pennsylvania lúc 10h03.
Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 là vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Có hơn 300 lính cứu hỏa và cảnh sát thiệt mạng khi tham gia giải cứu người kẹt trong tòa tháp đôi WTC.
Khói bụi từ vụ tấn công tháp đôi WTC bốc lên tại khu vực hạ Manhattan cao đến mức có thể được nhìn thấy trong ảnh chụp của vệ tinh của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.
Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này.
Vụ tấn công đã làm thay đổi gần như mọi mặt của nước Mỹ. Sau cuộc tấn công, chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, dẫn tới việc Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan ngay trong năm 2001.
Thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda là Osama bin Laden – kẻ chủ mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 – đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt khi đang ẩn náu tại Pakistan hồi năm 2011.
Kẻ thay thế là Ayman al-Zawahri, một đối tượng chủ chốt khác đứng sau các vụ tấn công năm 2001, đã bị xóa sổ trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Afghanistan hồi cuối tháng Bảy vừa qua./.
Ý kiến ()