Nước Mỹ thời "liệu cơm gắp mắm"
Sau một thời gian định hình nhân sự, cỗ máy quyền lực của Mỹ có vẻ như bắt đầu vào guồng quay. Những tín hiệu đầu tiên phát đi từ Tòa Bạch ốc khiến cộng đồng quốc tế phải đặt câu hỏi, phải chăng chính sách của chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai này đã có những điều chỉnh?Điều khác biệt bắt đầu từ chuyến viếng thăm nước ngoài đầu tiên của tân ngoại trưởng John Kerry tới 9 nước đồng minh ở Tây Âu và Trung Đông bắt đầu từ ngày 24 đến 6-3-2013, chứ không còn là châu Á như thời Hillary Clinton nữa. Cùng thời điểm, ngày 21/2 – 1/3, trợ lý ngoại trưởng Jose W. Fernandez thực hiện chuyến công du tới Đông Nam Á (điểm đến là Philippines, Myanmar, Thai lan và Singapore). Thông lệ viếng thăm Nhật Bản hay Trung Quốc, hai cường quốc hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, tồn tại không chỉ trong suốt các chính quyền tiền nhiệm mà ngay cả trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Obama đã bị phá vỡ.Đặc biệt, trong chuyến thăm các nước Tây Âu, chắc chắn ngoại trưởng J....
Sau một thời gian định hình nhân sự, cỗ máy quyền lực của Mỹ có vẻ như bắt đầu vào guồng quay. Những tín hiệu đầu tiên phát đi từ Tòa Bạch ốc khiến cộng đồng quốc tế phải đặt câu hỏi, phải chăng chính sách của chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai này đã có những điều chỉnh?
Điều khác biệt bắt đầu từ chuyến viếng thăm nước ngoài đầu tiên của tân ngoại trưởng John Kerry tới 9 nước đồng minh ở Tây Âu và Trung Đông bắt đầu từ ngày 24 đến 6-3-2013, chứ không còn là châu Á như thời Hillary Clinton nữa. Cùng thời điểm, ngày 21/2 – 1/3, trợ lý ngoại trưởng Jose W. Fernandez thực hiện chuyến công du tới Đông Nam Á (điểm đến là Philippines, Myanmar, Thai lan và Singapore). Thông lệ viếng thăm Nhật Bản hay Trung Quốc, hai cường quốc hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, tồn tại không chỉ trong suốt các chính quyền tiền nhiệm mà ngay cả trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Obama đã bị phá vỡ.
Đặc biệt, trong chuyến thăm các nước Tây Âu, chắc chắn ngoại trưởng J. Kerry sẽ tái khẳng định mong muốn của nước Mỹ muốn thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán thành lập khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) như hai bên đã cam kết trong Tuyên bố chung từ ngày 13-2. Động thái này được coi là mới, thậm chí là một bước đột phá trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, bởi lẽ ý tưởng thành lập FTA giữa hai bờ đã được bàn đến từ lâu xong do những khó khăn từ cả hai phía nên chưa có bước tiến triển đáng kể nào.
Sự mới tiếp theo đến sau cuộc gặp với người đứng đầu Hội Đồng Quốc Gia Syria, Mouaz al-Khatibafter, tại cuộc họp báo ở Rome (Italia, ngày 28-2-2013), ngoại trưởng J. Kerry chính thức thông báo Hoa Kỳ sẽ cung cấp 60 triệu đôla tiền viện trợ tức thời, trong đó có lương thực và vật dụng y khoa, và viện trợ trực tiếp không sát thương cho Hội Đồng Quân sự Tối cao của phe đối lập Syria. Cho dù tổng thống Obama vẫn bác bỏ đề xuất viện trợ vũ khí cho phe nổi dậy nhưng cái cách mà ngoại trưởng J. Kerry tuyên bố: “Chúng tôi cần phải đứng về phía những người muốn nhìn thấy một Syria tự do… Tình hình đang thực sự cấp bách và chúng tôi không thể để đất nước ở trung tâm Trung Đông bị hủy diệt bởi những người chuyên quyền”, lại cho thấy người Mỹ bắt đầu muốn can dự tích cực hơn vào Syria.
Sự tò mò về chính sách của nước Mỹ lại càng gia tăng khi so sánh cách họ thể hiện trước việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần 3 (kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường trừng phạt Triều Tiên) và tại hội nghị Almaaty (Kazakhstan) giữa nhóm P5 1 với Iran (ngày 25 – 26/2, Mỹ ủng hộ tìm kiếm phương án thỏa hiệp với Iran).
Trước những động thái trên, đã có một số đánh giá cho rằng chính quyền Obama bắt đầu cân nhắc lại những ưu tiên dành cho châu Á, đồng thời muốn tái khẳng định uy quyền của nước Mỹ tại những địa bàn truyền thống là châu Âu và Trung Đông trong nhiệm kỳ hai này.
Trên thực tế, ngay sau khi vượt qua “vách đá tài khóa” một cách chật vật hồi đầu tháng 1, từ ngày 1-3, ê kíp của ông Obama lại phải bắt đầu một cuộc chiến mặc cả mới với các nghị sỹ đảng Cộng hòa để thoát khỏi tình trạng cắt giảm ngân sách tự động (nếu trong trường hợp Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được thỏa thuận về ngân sách và thâm hụt, chỉ tính riêng ngân sách dành cho quốc phòng sẽ bị cắt 46 tỷ USD/ tổng số 85 tỷ USD tự động cắt giảm trong năm tài khóa 2013). Những khó khăn trong nước cộng với những vấn đề quốc tế phức tạp, nan giải (nếu người Mỹ muốn can dự) buộc chúng ta phải có một cách nhìn khác về những bước đi đầu tiên trên đây của chính quyền Obama.
Thứ nhất, việc căn cứ vào chuyến thăm châu Âu của ngoại trưởng J. Kerry để cho rằng, chính quyền Obama không còn mặn mà với chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương là chưa thực sự thuyết phục. Bởi cũng giống như đối với Nhật Bản, không thể vì việc tân thủ tướng Shinzo Abe đã đến thăm mấy nước Đông Nam Á trước khi đến Washington (ngày 22-2) để khẳng định chính quyền mới của Nhật Bản đã thay đổi chính sách đối với đồng minh cốt lõi của họ. Sẽ là hợp lý hơn nếu cho rằng đây là cách mà chính quyền Obama hiện thực hóa các lợi ích theo khả năng đang có.
Thứ hai, người Mỹ từ lâu đã buộc phải xử lý nhiều vấn đề, mà theo họ, có ảnh hưởng đến những lợi ích sống còn, trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ riêng một khu vực nào. Điều khác biệt giữa các chính quyền chỉ là trình tự và cách thức giải quyết chúng mà thôi. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, đương nhiên các vấn đề của châu Âu, trước hết như vấn đề nợ công, đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước Mỹ. Tuy nhiên, chúng quá phức tạp và người Mỹ cũng chưa biết các nhà lãnh đạo EU sẽ xử lý thế nào. Cũng ở tình trạng không rõ ràng tương tự là những vấn đề tại Trung Đông, đặc biệt là hệ quả của các cuộc chính biến “mùa Xuân Ả Rập”. Chính vì thế, chính quyền Obama đã lựa chọn cách can dự có mức độ, theo kiểu “cầm chừng”.
Thứ ba, cùng vào thời điểm này, những vấn đề của châu Á – Thái Bình Dương, trước hết là những tranh chấp lãnh thổ giữa các nước trong khu vực, nhất là giữa những nước đồng minh như Nhật – Hàn, vừa là cơ hội lại vừa là tình huống buộc Mỹ phải can dự để chứng tỏ vai trò tại đây là không hề giảm sút. Ở một mức độ nào đó, việc tăng cường can dự vào công việc của khu vực còn góp phần giúp chính quyền Obama tích lũy thêm điểm cho chiến dịch bầu cử 2012.
Thứ tư, những biến động tại châu Á trong thời gian qua cho thấy, khả năng đáp ứng những lợi ích về kinh tế của khu vực này đối với Mỹ vẫn ở thì tương lai (đơn cử như việc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với ngay chính đồng minh Nhật Bản cũng còn bế tắc). Những nguy cơ an ninh tại đây cũng chưa thể đe dọa mạnh mẽ tới nước Mỹ, thậm chí, chính quyền Obama còn bị rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” trong các cuộc khẩu chiến bất tận giữa Nhật Bản và Trung Quốc, giữa Nhật và Hàn Quốc v.v. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kinh tế của EU đã đến lúc cần có sự giúp sức của Mỹ bởi đã đến ngưỡng không thể kéo dài thêm nữa.
Cuối cùng, vào thời điểm hiện tại, người Mỹ lạc quan nhất chắc cũng đều hiểu rằng, khả năng của đất nước họ cũng chỉ có hạn. Vì thế, dù đánh giá từ góc độ nào vẫn thấy tính khoáng đạt của nước Mỹ đang mờ nhạt dần, thay vào đó là sự toan tính đến mức chi ly cho mỗi hành động. Chính quyền Obama đang thực sự phải hành động theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”, nhưng có khi thế lại có thể giúp nước Mỹ vượt qua khủng hoảng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()