Nước mắt SEA Games: Từ kình ngư đến anh phu hồ
Kình ngư một thời Trần Xuân Hiền bị tai nạn giao thông và qua đời hôm 22.9 đã để lại cú sốc và nỗi đau cho ngành thể thao.
Thế nhưng, khi nhắc đến phần đời đầy cay đắng của Xuân Hiền sau khi giải nghệ thì một khoảng trống về chính sách của ngành thể thao đã được phơi bày.
Từ kình ngư đến anh phu hồ, bảo vệ
Trần Xuân Hiền sinh ở “rốn lũ” Lệ Thủy – Quảng Bình. 17 tuổi, tại SEA Games 21 năm 2001, Hiền đã gây choáng váng cho giới chuyên môn với tấm HCB. Hiền trở thành một tượng đài thể thao, trong Top 10 VĐV tiêu biểu năm 2001 bởi tấm HCB “quý hơn vàng” ấy giải tỏa cơn khát huy chương tồn tại 28 năm, kể từ khi tay bơi Đỗ Như Minh giành được năm 1973.
Trần Xuân Hiền qua đời |
Tấm HCB ấy không chỉ tạo bước ngoặt cho bơi lội VN mà còn khẳng định về định hướng, đầu tư cho môn thể thao cơ bản này để rồi từ nền tảng ấy, bơi lội VN có những Hữu Việt, Quý Phước, Ánh Viên sau này.
Thành công quá sớm, được báo chí tung hô, Hiền sớm tự mãn rồi mắc bệnh ngôi sao, thành tích sụt giảm, mâu thuẫn với HLV. Năm 2004, Hiền chính thức giã từ đường đua xanh khi mới chỉ 20 tuổi.
Xuân Hiền từng là niềm tự hào của đất Quảng Bình, nhưng khi tay bơi này bị loại khỏi đội tuyển, lập tức đã bị lãng quên. Thật ra, Hiền có ý học đại học rồi trở thành HLV, hoặc ít ra làm giáo viên thể chất. Nhưng Hiền chưa có bằng tốt nghiệp THPT, nên giấc mơ theo nghiệp cũng tan tành mây khói. Rồi Hiền phải lang bạt vào TP.HCM làm đủ nghề để mưu sinh.
Sau một thời gian dài làm phu hồ, sau đó nhờ có người biết chút danh tiếng của Hiền xin cho làm chân bảo vệ hồ bơi kiêm hướng dẫn viên. Vợ chồng Xuân Hiền ở trong một phòng trọ nhỏ hẹp mười mấy mét vuông, cùng với 2 con gái, trong đó bé út mới vừa tròn 6 tháng tuổi.
Hôm qua (24.9), Trần Xuân Hiền mới lại về quê anh ở Lệ Thủy trong nỗi đau của đồng nghiệp và không khỏi chạnh lòng với những dang dở, thiệt thòi mà tượng đài này đã phải gánh chịu, với nỗi bạc bẽo và vô cảm.
Khoảng trống chính sách
Hôm qua, khi được phóng viên báo tin, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, nhiều năm làm trưởng đoàn TTVN tại các kỳ SEA Games – không khỏi ngỡ ngàng vì Hiền ra đi khi còn quá trẻ.
Khi đề cập đến trách nhiệm của ngành thể thao với những VĐV từng mang vinh quang về cho tổ quốc, nhưng sau đó sống chật vật trong lãng quên, ông Minh nói: “Việc ngành thể thao “quên” những tượng đài khi đã giải nghệ là có thật. Xuân Hiền chỉ là một trong rất nhiều trường hợp. Tôi nghĩ, không phải là nước mình hay ngành thể thao thiếu tiền. Cái thiếu chính là hệ thống chế độ về bảo hiểm và đảm bảo các chế độ tối thiểu cho những VĐV thành tích cao đã giải nghệ”.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết thêm: “Theo tôi, nếu trung ương chưa có chính sách kịp thời thì địa phương phải có trách nhiệm. Trước đây, vấn đề đó đã nhiều lần được đặt ra, nhưng chủ yếu là cho những VĐV còn thi đấu. Còn những chính sách cho VĐV hậu thi đấu thì vẫn đang… bàn, bàn từ năm 2012 tới giờ chưa xong.
Trần Thị Soa- nữ hoàng điền kinh một thời |
Trường hợp Trần Thị Soa – nữ hoàng điền kinh một thời bây giờ vẫn phải đi nhặt cỏ, hay trường hợp đô vật Lê Thị Huệ phải đợi 10 năm, khi báo chí lên tiếng mới được hỗ trợ phần nào. Trước đây, báo chí đã đưa ra các trường hợp hy sinh khi đang làm nhiệm vụ quốc gia như võ sĩ Trần Thanh Ngời, Xuân Tâm, liệu gia đình họ có được nhận chế độ như liệt sĩ không? Nói rồi thì để đấy, người chết rồi thì thiệt.
Tôi cho rằng các nhà làm thể thao phải xây dựng chính sách để những người từng hy sinh tuổi trẻ, sức lực cho thể thao, mang vinh quang về cho tổ quốc không có cảm giác bị bỏ rơi rồi lang thang kiếm sống rất thương tâm như Trần Xuân Hiền”.
Lãnh đạo ngành TDTT cho biết cũng sẽ cố gắng có các hình thức cao nhất để hỗ trợ, chia sẻ với gia đình Xuân Hiền. Hiệp hội Thể thao dưới nước, các Trung tâm thể thao 2 và 3 sẽ quyên góp tiền hỗ trợ trợ để vợ và hai con nhỏ Trần Xuân Hiền bớt khó khăn.
Ý kiến ()