Nước đến chân mới nhảy
LSO-Chỉ còn 2 tháng nữa là cơ chế mở để đăng ký xe máy điện sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, số người làm thủ tục này vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân là tâm lý của đại bộ phận người dân, cơ quan chức năng chưa phạt thì chưa thực hiện.
Cảnh sát giao thông kiểm tra phương tiện đăng ký |
Sau hơn 3 tháng thực hiện Thông tư 54/2015/TT – BCA của Bộ Công an về thủ tục đăng ký cho xe, toàn tỉnh mới có 700 xe điện làm thủ tục đăng ký và được cấp biển số. Con số này so với hơn 2.000 xe máy điện đang lưu thông là quá ít. Trong khi, hết ngày 30/6/2017, những “ưu tiên” hiện nay như thủ tục đơn giản, chủ xe có thể nhận được biển số sau 30 phút, nhận đăng ký sau 2 ngày, đặc biệt, không mất các khoản chi phí như thuế, cấp biển số sẽ hết hiệu lực. Khi đó, muốn làm thủ tục đăng ký cho xe máy điện, người dân sẽ phải xuất trình phiếu kiểm định an toàn khi xuất xưởng, số máy, số khung, nộp thuế đầy đủ… mới có thể làm thủ tục này. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại một số tổ, đội đăng ký phương tiện những ngày này vẫn rất ít người đến làm thủ tục.
Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết, nhiều học sinh không chủ động đưa xe đến đăng ký là do tâm lý “sợ” xe có biển. Theo lý giải của các em, xe có biển mà vi phạm, cơ quan chức năng sẽ ghi lại và thông báo về nhà trường, gia đình. Em V.B.C, học sinh Trường THCS Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: nhiều khi chúng em chấp hành chưa tốt quy định về an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng 3, hàng 4… Theo quy định trường, học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, bị lực lượng chức năng phát hiện, gửi thông báo về trường mỗi lần sẽ bị hạ 1 bậc hạnh kiểm. Đối với lần vi phạm thứ ba, bên cạnh xử phạt theo quy định, giáo viên sẽ ghi lại chi tiết này vào học bạ. Nếu đăng ký biển số rồi, các chú cảnh sát giao thông nhìn thấy, ghi lại và thông báo về trường thì chúng em sẽ bị kỷ luật rất nặng.
Cùng với đó, nhiều gia đình sau khi mua xe thì phó mặc cho con em sử dụng, chỉ nhắc các em đội mũ bảo hiểm để tránh bị xử phạt chứ chưa quan tâm đến các quy định mới đối với loại phương tiện này. Trong khi các thủ tục đăng ký phương tiện cần có người lớn giúp đỡ, hỗ trợ để hoàn thành. Thượng úy Nông Thúy Lam, Phó Đội trưởng Đội đăng ký quản lý phương tiện Phòng Cảnh sát giao thông cho biết: việc ít người đến làm thủ tục đăng ký là do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Kinh nghiệm từ những lần trước cho thấy, chỉ khi nào chuẩn bị xử phạt người dân mới đến làm thủ tục. Trong thời điểm này, các ngành chức năng vẫn đang dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, lực lượng chức năng nhận định, cuối tháng 6 mới là thời điểm người dân làm thủ tục đông. Điều này sẽ gây áp lực lớn cho cán bộ đăng ký cũng như mất nhiều thời gian cho người làm thủ tục. Anh Nông Văn Thắng, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: cũng có nghe là xe máy điện thì phải đăng ký nhưng từ nay đến lúc chính thức xử phạt còn dài nên tôi cứ thong thả. Tháng 7 phạt thì tháng 6 tôi làm cũng chưa muộn.
Đăng ký là thủ tục bắt buộc đối với xe máy điện, bắt đầu từ 1/7/2016, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý các phương tiện chưa có đăng ký. Đồng thời việc đăng ký sẽ được siết chặt với nhiều loại chứng từ hơn. Chính vì vậy, trong thời điểm này, người dân nên khẩn trương đến các tổ, đội đăng ký để hoàn tất thủ tục đăng ký cho xe máy điện. Đây là cách để chủ xe bảo vệ quyền lợi, phương tiện của mình đồng thời cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong việc quản lý phương tiện.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()