Nước chủ nhà Việt Nam đã tạo cơ hội thảo luận cởi mở và tích cực giữa các thành viên ADB
Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44, do Việt Nam đăng cai tổ chức, đã kết thúc tốt đẹp sau bốn ngày thảo luận. Phóng viên và cộng tác viên Báo Nhân Dân đã trao đổi ý kiến với một số đại biểu dự hội nghị nhằm làm rõ hơn những kết quả hội nghị đã đạt được. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung các cuộc trao đổi ý kiến này.Ông A. Xinh, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF):Hội nghị đã đạt được nhiều sự nhất trí quan trọngPV: Thưa ông, tại Hội nghị ADB lần này, một trong những thách thức mà các nước châu Á đang phải đối mặt là sự thiếu các động lực tăng trưởng mới. Vậy theo ông, làm thế nào để các nước châu Á có thể tìm ra những động lực tăng trưởng mới, điều có thể được coi là giải pháp cơ bản để đạt mục tiêu châu Á 2050 - Thế kỷ châu Á thịnh vượng?Ông A.Xinh: Tôi cho rằng, để giải quyết...
Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44, do Việt Nam đăng cai tổ chức, đã kết thúc tốt đẹp sau bốn ngày thảo luận. Phóng viên và cộng tác viên Báo Nhân Dân đã trao đổi ý kiến với một số đại biểu dự hội nghị nhằm làm rõ hơn những kết quả hội nghị đã đạt được. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung các cuộc trao đổi ý kiến này.
Ông A. Xinh, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF):
Hội nghị đã đạt được nhiều sự nhất trí quan trọng
PV: Thưa ông, tại Hội nghị ADB lần này, một trong những thách thức mà các nước châu Á đang phải đối mặt là sự thiếu các động lực tăng trưởng mới. Vậy theo ông, làm thế nào để các nước châu Á có thể tìm ra những động lực tăng trưởng mới, điều có thể được coi là giải pháp cơ bản để đạt mục tiêu châu Á 2050 – Thế kỷ châu Á thịnh vượng?
Ông A.Xinh: Tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề thiếu động lực tăng trưởng, trong bối cảnh quá nhiều thách thức như hiện nay, Chính phủ các nước châu Á cần điều chỉnh chiến lược tăng trưởng của mình bao gồm: tăng cường khả năng tiếp cận tài chính và củng cố các mạng lưới an sinh xã hội nhằm giảm lượng tiền tiết kiệm dự phòng và kích thích tiêu dùng; tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt, thông qua khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân; xóa bỏ những méo mó trong các chính sách ưu tiên cho sản xuất và xuất khẩu sang các nước bên ngoài khu vực; ban hành các chính sách khuyến khích giao dịch thương mại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi của châu Á. Cơ sở hạ tầng ở đây không chỉ dừng lại ở các công trình giao thông đường sá, mà còn là hạ tầng mềm như mạng lưới thông tin, phần mềm và sự liên kết giữa các thể chế tài chính và tổ chức tín dụng trong khu vực. Muốn đạt hiệu quả cao trong cơ sở hạ tầng thì các nước trong khu vực cần phải tăng cường hợp tác công tư và củng cố hoàn thiện hệ thống tài chính của mình. Bằng chứng của chúng tôi cho thấy, nếu các nước châu Á muốn tăng đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, chính phủ phải bắt đầu bằng việc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì khi đầu tư càng nhiều vào hạ tầng, chúng ta có thể khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và nâng cao năng suất lao động của xã hội.
PV: Vậy, theo ông, sự hợp tác giữa ADB với IMF sẽ giúp gì cho việc khuyến khích thực hiện các động lực này?
Ông A.Xinh: Tôi cho rằng điều này sẽ rất tốt. Hiện sự hợp tác giữa ADB với IMF trong việc giúp đỡ các quốc gia chậm và đang phát triển, trong đó có nhiều nước châu Á, mang lại nhiều hiệu quả. Không chỉ là ở mức độ hỗ trợ tài chính, mà ở cả những lĩnh vực phi tài chính. Tại hội nghị ADB lần này, lần đầu có sự tham gia của IMF và G-20, điều đó cho thấy, tăng cường hợp tác là giải pháp tối ưu để các nền kinh tế đối phó thách thức, hỗ trợ tăng trưởng, mà ở đây là tăng trưởng bền vững.
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả của Hội nghị ADB lần thứ 44?
Ông A.Xinh: Có thể nói, qua nhiều cuộc thảo luận, hội nghị đã đạt được nhiều sự nhất trí rất quan trọng, từ việc tìm ra các giải pháp đến việc hợp tác. Như tôi đã nói, sự hợp tác thông qua các cuộc thảo luận này được củng cố, tất nhiên trong đó có cả sự hợp tác giữa ADB và IMF, điều này rất có ý nghĩa.
Ông Ô. Bô-li-thơ, Trưởng bộ phận quản lý tài sản của Goldman Sachs tại châu Á:
Cần hóa giải các khác biệt
PV: Theo ông, lợi ích của việc hợp nhất các thị trường vốn và tài chính châu Á giai đoạn hậu khủng hoảng là gì?
Ông Ô. Bô-li-thơ: Hội thảo đã tập trung bàn về sự phát triển và hội nhập thị trường vốn và tài chính tại châu Á, các khó khăn trong quá trình hợp nhất này. Việc hội nhập và hài hòa các thị trường vốn và tài chính giúp mở rộng 'sân chơi' cho các nhà đầu tư và giúp cho các công ty đến từ các quốc gia có điều kiện huy động vốn dễ dàng hơn. Khi sân chơi cho các nhà đầu tư càng mở rộng thì cơ hội thu hút thêm vốn của các công ty với chi phí rẻ hơn sẽ càng lớn. Do đó, nếu bất cứ quốc gia hay công ty nào có thể hội nhập và hài hòa được theo các luật chơi chung, thì cơ hội tham gia một thị trường đầu tư lớn hơn với chi phí thấp hơn sẽ rộng mở đối với họ. Đó chính là những lợi ích cơ bản mà sự hợp nhất các thị trường vốn và tài chính mang lại.
PV: Ông đánh giá thế nào về tiến trình hợp nhất các thị trường vốn và tài chính tại khu vực châu Á thời gian qua?
Ông Ô. Bô-li-thơ: Tôi cho rằng, hoạt động hội nhập và hài hòa các thị trường vốn và tài chính tại khu vực thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa. Có hai khác biệt rất lớn đang cản trở quá trình này. Một là, sự khác biệt về luật phá sản giữa các quốc gia; hai là, cơ chế (hay hạ tầng đầu tư) để các nhà đầu tư có cơ sở hoạt động và không tạo ra những đối xử khác biệt giữa các nhà đầu tư khác nhau. Một số nước đã có các sản phẩm phái sinh (là những sản phẩm được sinh ra trên cơ sở những sản phẩm đã có); một số khác lại không có; một số nước có tài khoản vốn mở, một số khác thì chưa… Vì vậy, độ mở với thị trường của các nền kinh tế còn nhiều khác biệt.
PV: Ông nói còn quá nhiều khác biệt và cản trở, vậy cần làm gì để thúc đẩy quá trình này?
Ông Ô. Bô-li-thơ: Điều chúng ta cần là một quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Nếu hợp tác cùng nhau trong cả khu vực để hài hòa các thị trường ấy thì chắc chắn mọi trở ngại sẽ được giải quyết và tiến trình thúc đẩy hội nhập, hài hòa các thị trường vốn và tài chính sẽ được thúc đẩy.
PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tham gia tiến trình này?
Ông Ô. Bô-li-thơ: Cần tạo một môi trường minh bạch cho các nhà đầu tư về những gì họ đang sở hữu; về quyền lợi của họ nếu chẳng may một hoạt động đầu tư nào đó lâm vào khó khăn; về các điều kiện đầu tư đang tồn tại trong hiện tại cũng sẽ được bảo đảm trong tương lai thế nào… Hàng loạt các vấn đề như vậy cần được giải quyết để xây dựng nên một khung pháp lý rõ ràng và đầy đủ cho các nhà đầu tư có cơ sở tiến hành các hoạt động đầu tư của mình. Tôi cho rằng, đó là những công việc quan trọng nhất mà các nhà hoạch định và điều hành chính sách Việt Nam cần làm để tham gia vào quá trình hội nhập này.
PV: Theo ông, việc Việt Nam tiến hành hàng loạt các biện pháp kiềm chế lạm phát trong thời gian qua có làm các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại?
Ông Ô. Bô-li-thơ: Tôi không nghĩ vậy. Trái lại, các chính sách tài khóa và tiền tệ đúng đắn là những dấu hiệu quan trọng đối với thị trường vì nó cho thấy Chính phủ đang mong muốn tạo ra một khung chính sách tốt cho các nhà đầu tư. Nhờ đó mà hoạt động đầu tư của họ sẽ thành công. Vì vậy, việc Chính phủ Việt Nam đưa ra những tín hiệu chính sách rõ nét trong đánh giá và giải quyết vấn đề lạm phát, vấn đề tiền tệ và hàng loạt các vấn đề khác là rất quan trọng và cần thiết.
Ông Ch.Ri, Trưởng ban các vấn đề kinh tế của ADB:
Tôi đánh giá cao công tác tổ chức các hội nghị của Việt Nam
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những kết quả của các cuộc thảo luận những ngày qua của ADB?
Ông Ch.Ri: Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận về những tiềm năng phát triển của các nền kinh tế và nhìn thấy được các nguy cơ của thách thức đối với từng nền kinh tế, từ đó có thể nhìn thấy được những khả năng tăng trưởng. Tất nhiên, việc làm thế nào để thực hiện được những chính sách tăng trưởng bền vững còn phụ thuộc vào vấn đề thời gian và cách thức thực hiện của từng quốc gia. Nhưng ít ra, những cuộc thảo luận cởi mở, cũng cho chúng ta những cái nhìn toàn diện nhất. Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận đã cùng đưa ra nhiều giải pháp, khuyến nghị để cùng tìm ra những cách thức chung nhất cho toàn khu vực. Tôi cho rằng, các cuộc thảo luận ở Hội nghị có thể giúp các quốc gia thực hiện các chính sách giải quyết thách thức trong ngắn hạn, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách dài hạn cho việc tăng trưởng bền vững hơn.
PV: Ông nhìn nhận thế nào về các chính sách tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?
Ông Ch.Ri: Việt Nam là thí dụ điển hình của chiến lược tăng trưởng châu Á: Một nền kinh tế dựa vào tăng trưởng, chính sách do Chính phủ chỉ đạo, người lao động chăm chỉ, có tiềm năng phát triển… Từ trước đến nay Việt Nam đã thành công. Tuy nhiên, giờ thì sẽ khó khăn hơn khi trở thành nước có thu nhập trung bình, các bạn phải tìm kiếm các bước đi mới.
PV: Những bước đó phải bao gồm yếu tố gì?
Ông Ch.Ri: Theo tôi và cũng như nhiều ý kiến khác, để tránh các thách thức của bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cầu, cân bằng xuất khẩu và phát triển nhu cầu nội địa, phát triển khu vực tài chính, đầu tư vào giáo dục. Tôi muốn nhấn mạnh tới việc tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án phát triển chung, trong đó có các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
PV: Nhưng nếu vai trò của khu vực tư nhân được chú trọng quá thì có thể gây 'bóp méo' nền kinh tế hay không?
Ông Ch.Ri: Tôi nghĩ rằng, điều đó còn phải tùy thuộc vào cách thức điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam. Việc gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân không có nghĩa là chính phủ không còn vai trò. Chính phủ vẫn phải tiếp tục giữ vai trò điều tiết, cung cấp nguồn vốn ngân sách, hay tạo động lực cho khu vực tư nhân. Với cơ cấu kinh tế của một nước thu nhập thấp, có thể cơ sở hạ tầng còn rất đơn giản và khi thiếu vốn, Nhà nước phải tham dự để cung cấp vốn. Nhưng mô hình này có thể không còn tác dụng khi trở thành nước có thu nhập trung bình hay thu nhập cao.
PV: Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của Việt Nam tại hội nghị lần này?
Ông Ch.Ri: Tôi đánh giá cao công tác tổ chức các hội nghị của Việt Nam. Các bạn đã tạo những cơ hội thảo luận cởi mở và tích cực giữa các thành viên của ADB. Đây là một yếu tố thành công của hội nghị. Việt Nam là một thí dụ điển hình của sự phát triển, là tấm gương cho nhiều quốc gia học hỏi, từ một quốc gia có thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Việt Nam đã đề xuất nhiều chủ đề liên quan vấn đề này tại hội nghị. Chúng ta đã cùng nhau thảo luận cách thức để làm thế nào các nước có thể vượt qua được thách thức về bẫy thu nhập trung bình, từ đó, giúp các nền kinh tế có thể phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai.
Theo Nhandan
Ý kiến ()