“Nước cho tất cả - không để ai bị bỏ lại phía sau”: Hướng đến phát triển bền vững
(LSO) – Ngày nước thế giới năm nay (22/3) với chủ đề “Nước cho tất cả – không để ai bị bỏ lại phía sau” hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nước bằng cách giải quyết những lý do tại sao rất nhiều người “bị bỏ lại phía sau” – không có nước sạch.
Các mục tiêu cụ thể của chủ đề năm nay bao gồm: nước cho phụ nữ; nước cho nơi làm việc, sản xuất; nước cho nông thôn; nước cho người tị nạn; nước cho các bà mẹ; nước cho trẻ em; nước cho học sinh, sinh viên; nước cho những người bản địa, thiểu số; nước cho người khuyết tật; nước cho cộng đồng của những người đồng tính… Tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng – điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững.
Những năm qua, người dân thành phố, thị trấn trên địa bàn tỉnh cơ bản được sử dụng nguồn nước máy do Công ty Cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn cung cấp. Tuy vậy, ở vùng nông thôn, một số nơi còn khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nhất là nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Vì vậy, bằng các chương trình, dự án, nguồn vốn khác nhau, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã chú trọng đầu tư các công trình nước sạch sinh hoạt tập trung nông thôn.
Người dân xã Hải Yến, huyện Cao Lộc phấn khởi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ công trình nước sinh hoạt tập trung do nhà nước đầu tư
Cụ thể như: dự án cấp nước do UNICEF tài trợ từ năm 1993 đến 2001; dự án cấp nước theo chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; các công trình cấp nước nông thôn tập trung được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: chương trình 134/2004/QĐ-TTg; chương trình bố trí ổn định dân cư, phát triển kinh tế – xã hội tuyến biên giới Việt – Trung, các công trình thuộc dự án khu kinh tế cửa khẩu; các công trình, dự án do các đoàn thể thực hiện hoặc được tài trợ từ các tổ chức phi Chính phủ,… Cùng với đó, huy động nguồn lực từ các cấp, các ngành, và người dân tự tham gia xây dựng hoặc đóng góp công sức, hiến đất để xây dựng các công trình cấp nước.
Qua đó, đến nay ở khu vực nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng được gần 80.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ của hộ gia đình (gồm: giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa, ống dẫn nước) và 370 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Song song với đó, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn không chỉ phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố, trung tâm các huyện mà còn mở rộng cấp nước cho người dân các xã sử dụng. Theo đó, hiện công ty cấp cho các hộ dân của gần 30 xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng được nâng lên, như năm 2009 toàn tỉnh có 73% tổng số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh thì đến nay đạt 91,4%.
Ông Hoàng Văn Vấn, người dân thôn Nà Pất, xã Vân Thủy (huyện Chi Lăng) phấn khởi cho biết: Trước đây, nước dùng sinh hoạt gia đình rất thiếu, nguồn nước chủ yếu dẫn từ khe dọc về sử dụng, mỗi lần mưa nước bị đục hoặc trâu bò lội qua gây mất vệ sinh. Từ khi được Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung (năm 2005), gia đình tôi và người dân trong thôn rất vui mừng, bởi không chỉ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh mà nước dùng không bị thiếu như trước đây.
Ông Nguyễn Quang Huynh, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt, nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, trung tâm đã và đang triển khai thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra” vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, các công trình được đầu tư sẽ có trạm xử lý nguồn nước, hệ thống ống dẫn, bể chứa, đồng hồ đo nước và được dẫn đấu nối với từng hộ dân.
“Năm 2019, Trung tâm sẽ triển khai thực hiện chương trình tại 10 xã gồm: Tri Lễ, Yên Phúc (Văn Quan); Thiện Long, Tô Hiệu, Hồng Phong (Bình Gia); Chi Lăng, Trung Thành (Tràng Định); Yên Thịnh, Yên Vượng (Hữu Lũng); Đông Quan (Lộc Bình). Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các chương trình khác với quy mô vừa đến nhỏ để phục vụ cấp nước cho người dân các vùng khan hiếm nước. Qua đó, phấn đấu đến 2020, tỷ lệ cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%” – ông Nguyễn Quang Huynh, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh cho biết thêm.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()