Nước Anh có thể “đảo ngược” cuộc khủng hoảng COVID-19?
Những cảnh báo của các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia đã gia tăng sức ép và khiến Chính phủ Anh có những thay đổi trong việc ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Rạp chiếu phim ở West End, London (Anh) đóng cửa trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh, ngày 17/3/2020.
Số ca lây nhiễm và tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2 tại Anh trong những ngày qua đã tăng vọt.
Theo con số của Bộ Y tế Anh, tính đến tối 20/3, đã có 3.983 người bị nhiễm và 177 người tử vong. Những diễn biến tiêu cực trên đã buộc chính quyền nước này phải thay đổi trong chính sách phòng chống đại dịch COVID-19.
Chỉ cách đây hơn một tuần, Chính phủ Anh vẫn thực hiện chiến lược “miễn dịch cộng đồng” do suy luận rằng khó có thể nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của loại virus này, cần cố gắng trì hoãn đỉnh dịch để chờ đợi tạo ra sự miễn dịch cho cộng đồng, có thể là bằng việc sản xuất được vắcxin phòng bệnh hoặc do cơ thể tự tạo ra sức đề kháng sau khi đã nhiễm bệnh.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu khoa học và số liệu trên thực tế, virus SARS-CoV-2 dường như nguy hiểm hơn đối với người già, người có các bệnh nền, đặc biệt là các bệnh về tim mạch, phổi tiểu đường… khi tỷ lệ tử vong của những người này bị nhiễm bệnh cao hơn nhiều so với các đối tượng khác.
Do đó, để cố gắng giúp cho hệ thống Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) không bị quá tải, có thể tập trung điều trị cho các đối tượng dễ bị tổn thương trên, những người trẻ, không có bệnh nền dù có một số triệu chứng của việc mắc COVID-19 cũng được khuyến cáo tự cách ly, không được xét nghiệm và nhập viện nếu không có những diễn biến nghiêm trọng.
Do dự báo đỉnh dịch bệnh còn xa nên nước Anh cũng không áp dụng các biện pháp phòng dịch khắt khe như đóng cửa trường học, hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người… vì lo ngại việc thực hiện các biện pháp đó trong một thời gian dài sẽ làm đảo lộn sinh hoạt thường nhật của người dân cũng như mọi hoạt động xã hội, gây ra những tổn thất lớn về kinh tế, xã hội, đồng thời có thể làm cho tâm lý người dân căng thẳng, chán nản và hiệu quả phòng dịch không cao.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, số người tử vong tại Anh liên quan đến virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng nhanh. Nếu tính từ thời điểm có ca tử vong đầu tiên vì virus SARS-CoV-2 trên đất Anh cách đây hai tuần thì số nạn nhân thiệt mạng do dịch COVID-19 tại quốc gia này đang có tốc độ gia tăng nhanh hơn cả tại Italy.
Mặc dù ngày 20/3, Italy ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày là 627 người, nhưng thực tế tốc độ gia tăng số người tử vong đang bắt đầu chậm lại. Kể từ khi Italy bắt đầu ghi nhận những ca tử vong đầu tiên liên quan đến virus SARS-CoV-2 ở mức hai chữ số, mức tăng trung bình hằng ngày vào khoảng 35%.
Tuy nhiên trong tuần qua, mức tăng số ca tử vong tại Italy đã giảm xuống dưới 20%. Ngày 20/3, tổng số người tử vong tại Italy tăng từ 3.405 lên 4.032 ca, tương đương với 18,4%.
Ngược lại, tại Anh đang chứng kiến số người tử vong tăng mạnh, có ngày tăng đến 50%, tương đương với tốc độ tăng số ca tử vong 49% tại Tây Ban Nha những ngày gần đây. Trong ngày 20/3, tốc độ gia tăng số người tử vong tại Anh cũng là gần 23%.
Bên cạnh đó, Đại học Hoàng gia, một trong các trường đại học hàng đầu của Anh, đặc biệt là về lĩnh vực y khoa, vừa công bố một nghiên cứu cho thấy tác động vô cùng to lớn của dịch bệnh COVID-19 đối với nước Anh và nước Mỹ.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu dịch bệnh COVID-19 không được kiểm soát, tỷ lệ số người bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh và Mỹ sẽ lên đến 80% dân số và có đến 510.000 người Anh và 2,2 triệu người Mỹ tử vong vì loại virus này.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng số giường bệnh chăm sóc đặc biệt sẵn có sẽ không đủ đáp ứng cho số bệnh nhân nguy kịch ngay trong tuần thứ hai của tháng Tư này. Vào lúc cao điểm, cứ 30 bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt, chỉ một người được điều trị đầy đủ.
Việc thực hiện tổng hợp các biện pháp như cách ly những người trên 70 tuổi, cách ly toàn bộ gia đình người đã được xác định là nhiễm virus SARS-CoV-2 hay việc yêu cầu những người có triệu chứng tự cách ly tại nhà có thể giúp giảm 2/3 nhu cầu giường bệnh chăm sóc đặc biệt và giảm một nửa số ca tử vong trong thời gian ba tháng khi các biện pháp này được áp dụng.
Tuy nhiên, kể cả khi đó, nhu cầu đối với giường bệnh chăm sóc đặc biệt vẫn cao gấp 8 lần khả năng đáp ứng tại cả Anh và Mỹ.
Bên cạnh đó, số lượng người tử vong dù giảm một nửa vẫn lên đến 250.000 người tại Anh và 1,2 triệu người tại Mỹ, cũng là một điều khó có thể chấp nhận.
Ngược lại, việc kiềm chế xã hội quyết liệt hơn như cách ly những người có triệu chứng, giảm 75% các giao tiếp xã hội của mọi người, cách ly các hộ gia đình, đóng cửa trường học phổ thông và đại học trong năm tháng có thể giúp ngăn chặn dịch bệnh, đưa số bệnh nhân phải nhập viện về mức có thể có khả năng quản lý được.
Cảnh vắng lặng trên cây cầu Westminster ở London, Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh, ngày 18/3/2020.
Thực tế trên cũng như những cảnh báo của các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia đã gia tăng sức ép và khiến Chính phủ Anh có những thay đổi trong việc ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19 trước khi NHS bị quá tải và mất khả năng đối phó.
Ngày 18/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson ra tuyên bố các trường học từ phổ thông cho đến bậc đại học trên cả nước sẽ đóng cửa từ ngày 20/3.
Ngày 19/3, khi trả lời báo chí, ông Johnson cũng không loại trừ khả năng sẽ đóng cửa hoàn toàn hệ thống giao thông công cộng tại thủ đô London, nơi có số lượng người bị lây nhiễm và tử vong cao nhất cả nước.
Tiếp đó, ngày 20/3, ông tiếp tục yêu cầu toàn bộ các quán rượu, nhà hàng, phòng tập gym trên khắp nước Anh phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trong cuộc họp báo tối 19/3 tại Văn phòng phòng Thủ tướng số 10 Phố Downing, ông Johnson tuyên bố nước Anh có thể “đảo ngược tình thế” trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 trong vòng ba tháng tới nếu kết hợp đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Anh cũng thừa nhận ông không biết dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu nữa./.
Ý kiến ()