Nước Anh có “đơn độc”?
Tuyên bố của Thủ tướng Boris Johnson về việc tăng chi tiêu quốc phòng của Anh lên mức 2,5% GDP vào năm 2030 đã làm dấy lên tranh cãi trên chính trường đảo quốc sương mù.
Phát biểu với báo giới mới đây, Thủ tướng Johnson cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha cuối tháng 6 vừa qua, các quốc gia tham dự đều ý thức cần phải tăng chi tiêu quốc phòng.
Trang mạng inews.co.uk dẫn lời nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh điều đó cũng đồng nghĩa “phải đạt và sẵn sàng vượt” mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng mà NATO đã đề ra cho tất cả quốc gia thành viên cách đây hơn một thập niên.
Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố chi tiêu quốc phòng của Anh sẽ tăng lên mức 2,5% GDP vào năm 2030. Ảnh: PA Images |
Theo Thủ tướng Johnson, trong dài hạn, cần đầu tư vào các năng lực quan trọng như không chiến, đồng thời thích ứng với một thế giới “ngày càng nguy hiểm và cạnh tranh hơn”.
“Kết luận logic được rút ra là chúng tôi sẽ đạt mức chi 2,5% GDP cho lĩnh vực quốc phòng vào cuối thập niên này”, Thủ tướng Johnson nêu rõ.
Reuters cho biết, con số 2,5% GDP cho chi tiêu quốc phòng đánh dấu một cam kết mới của chính quyền Thủ tướng Johnson bởi trước đó London dự báo chi tiêu quốc phòng trong năm 2022 của đảo quốc sương mù đạt mức 2,3% GDP do gia tăng viện trợ quân sự cho Kiev trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trang mạng inews.co.uk đánh giá tuyên bố của Thủ tướng Johnson chính là một chiến thắng đối với Bộ Quốc phòng Anh bởi trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đã công khai đề nghị tăng chi tiêu quốc phòng của nước này lên mức 2,5% GDP với lý do “khi mối đe dọa thay đổi thì chi tiêu quốc phòng cũng nên thay đổi” và nhận được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Liz Truss.
Trong khi đó, một nguồn tin cấp cao trong Chính phủ Anh phủ nhận tuyên bố của Thủ tướng Johnson được đưa ra là do chịu sức ép của các bộ trưởng trong nội các. Nguồn tin khẳng định, mọi việc đã được bàn thảo “trong một khoảng thời gian” và việc tuyên bố là “tất yếu bởi những cam kết mà chúng tôi đưa ra, chẳng hạn như thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh 3 bên tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa Anh, Mỹ và Australia (AUKUS)”.
Tờ Financial Times cho biết, chi tiêu quốc phòng của Anh năm ngoái là 42,4 tỷ bảng. Với mục tiêu 2,5% GDP, Chính phủ Anh ước tính chi tiêu quốc phòng có thể đạt 74,5 tỷ bảng vào năm 2030.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Anh lại không hài lòng với mục tiêu mà chính phủ của Thủ tướng Johnson đề ra. Theo trang mạng Defense News, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh Tom Tugendhat cho rằng, hiện chỉ nên xem tuyên bố của Thủ tướng Johnson là “những lời đáng khích lệ”, đồng thời kêu gọi chính phủ “đảo ngược” kế hoạch cắt giảm quân số Lục quân Anh từ 82.000 binh lính hiện nay xuống còn 72.500 người vốn được Ngoại trưởng Liz Truss giải thích là vì “chiến tranh hiện tại rất khác so với cách đây 100 hay 200 năm”.
Nghị sĩ John Healey của Công đảng đối lập lại kêu gọi Chính phủ phải tăng chi tiêu quốc phòng ngay lập tức thay vì đợi đến cuối thập niên này bởi “không ai nghĩ Thủ tướng sẽ nắm quyền đến năm 2030 để mà thực hiện cam kết”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Anh Tobias Ellwood đánh giá tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2,5% GDP là “quá ít và quá muộn”.
“Mức tăng cho thấy chúng ta vẫn chưa nhận thức được môi trường địa chính trị đang thay đổi cũng như mức độ những mối đe dọa sắp tới. Cần phải tăng ngay lập tức để “đảo ngược” việc cắt giảm số binh lính, xe tăng, tàu chiến, máy bay, chứ không phải là đợi 8 năm nữa”, ông Ellwood nêu rõ.
Trong nhiều năm qua, NATO vẫn luôn thúc giục các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP. Gần đây nhất, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiếp tục đề nghị “đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng của chúng ta” để có thể phòng thủ trong một thế giới “ngày càng nguy hiểm và khó đoán hơn”. Khẳng định con số 2% GDP chi cho quốc phòng “lúc bấy giờ được đặt ra cho một kỷ nguyên rất khác hiện nay”, Thủ tướng Johnson cho rằng mục tiêu này chỉ là “mức sàn, chứ không phải mức trần”.
Theo trang mạng Defense News, hiện không rõ có thể lấy tiền từ đâu để thực hiện mục tiêu mà Chính phủ Anh đề ra nếu như không phải tăng thuế. Tờ Politico lưu ý việc Anh từng xác nhận gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine là nhờ “tái phân bổ các nguồn quỹ dành cho chống biến đổi khí hậu và các dự án phát triển ở nước ngoài” trong khi trang mạng Defense News nhấn mạnh Chính phủ Anh đang phải đối mặt với sức ép do tỷ lệ lạm phát cao.
Theo trang mạng Defense News, cho đến nay, Anh là một trong số ít quốc gia thành viên NATO đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Forbes dẫn số liệu của NATO cho thấy hiện chỉ có 9/30 thành viên đạt mục tiêu, gồm Hy Lạp, Mỹ, Ba Lan, Litva, Estonia, Anh, Latvia, Croatia và Slovakia.
Tờ Politico cho rằng mục tiêu mà Thủ tướng Johnson đưa ra sẽ không khiến nước Anh “đơn độc” bởi lẽ, một quan chức cấp cao của Tây Ban Nha tiết lộ, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO vừa qua, một số quốc gia thành viên NATO cho biết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2,5% GDP, trong đó có những nước thậm chí còn cam kết mức 3% GDP.
Ý kiến ()