Nửa thế kỷ đồng hành cùng nhà nông
Nhà máy đầu tiên của ngành công nghiệp phân bón Việt Nam
Nhà máy đầu tiên của ngành công nghiệp phân bón Việt Nam
Nhà máy Phân lân nung chảy Văn Ðiển – nay là Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Ðiển – được xây dựng vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, do Trung Quốc giúp ta xây dựng. Ngày 15-10-1963, nhà máy được khánh thành đi vào sản xuất, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Trung.
Nhà máy được xây dựng trong bối cảnh miền bắc vừa được giải phóng, toàn dân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm năm lần thứ nhất, theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ III: “Xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH ở miền bắc để làm hậu thuẫn cho miền nam thực hiện thắng lợi đấu tranh thống nhất đất nước”.
Ra đời Nhà máy Phân lân nung chảy Văn Ðiển là sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp phân bón: Ðó là lần đầu tiên Việt Nam có một nhà máy chuyên sản xuất phân lân nung chảy từ nguồn nguyên liệu trong nước (quặng apatit Lào Cai và quặng serpentin Thanh Hóa), nhiên liệu là than cok nhập ngoại, được sản xuất theo công nghệ lò cao. Ban đầu, nhà máy chỉ có hai lò cao, mỗi lò công suất mười nghìn tấn/năm, tổng công suất mới đạt 20 nghìn tấn/năm. Sau 50 năm, qua hai lần đầu tư mở rộng (năm 1969 và 1974) và hai lần cải tạo (năm 1996 và 1999) nhà máy đã cải tiến thành công về kết cấu, về công nghệ và quy trình vận hành khai thác. Ðến nay, với công nghệ, máy móc và nguyên nhiên liệu hoàn toàn sản xuất trong nước, công ty đã nâng công suất nhà máy lên 400 nghìn tấn/năm (cả lân và NPK). Dự kiến năm 2013, doanh thu chạm đích 1.000 tỷ đồng, trở thành nhà sản xuất phân lân nung chảy lớn nhất cả nước, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng sản lượng lương thực, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa tham gia tích cực vào thị trường xuất khẩu, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới. Sản phẩm phân bón của công ty suốt 50 năm qua luôn đồng hành cùng nhà nông, được nông dân tin dùng, góp phần xây đắp mối “Liên minh công – nông ” vững mạnh.
Lấy khoa học, công nghệ làm động lực phát triển bền vững
Có được sự phát triển nhanh và vượt bậc như hôm nay là do công ty luôn xác định: “Lấy khoa học, công nghệ làm động lực phát triển bền vững”. Quan điểm này được xuất phát từ Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ III (1960) “Tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học, kỹ thuật làm then chốt”. Suốt 50 năm qua (1963 – 2013) các thế hệ lãnh đạo công ty đã kiên trì thực hiện theo định hướng này.
Nhà máy được xây dựng đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, trong điều kiện nước bạn vừa được giải phóng 10 năm, kinh tế chưa phát triển, khoa học, kỹ thuật hạn chế. Trung Quốc cũng mới xây dựng một vài nhà máy lân nung chảy nên kinh nghiệm chưa có nhiều. Ngay như thiết kế lò cao lân nung chảy “rập khuôn” lò cao nấu gang, gây tốn kém nguyên nhiên liệu, công suất nhỏ, giá thành sản phẩm cao. Ðó là chưa nói tới trong thiết kế ban đầu không có cả thiết bị xử lý khí thải lò cao. Bởi vậy, khi đưa nhà máy vào vận hành đã gặp muôn vàn trục trặc, khó khăn…
Trước thực trạng đó, công tác khoa học – công nghệ luôn được Ðảng ủy và Ban Giám đốc các thế hệ lãnh đạo coi trọng. Trong những năm đầu nhà máy bước vào sản xuất, những nhược điểm về thiết bị lò cao, khí thải… đã trở thành vấn đề “thời sự” trên bàn làm việc của các đồng chí lãnh đạo nhà máy. Và cuộc trường chinh kéo dài năm thập kỷ bền chí phấn đấu, người sau tiếp người trước, đều hướng trọng tâm lãnh đạo vào công tác khoa học, kỹ thuật, nhằm cải tiến công nghệ, thiết bị, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, năng lượng với quy mô lớn dần, cao dần từng cấp độ, hoàn thiện dần từng bước.
Những đề tài khoa học như: Sử dụng than atraxit thay than cốc; sử dụng quặng apatit loại II thay quặng apatit loại I; xử lý khí thải lò cao; cải tạo lò cao để nâng công suất; tận thu mịn quặng; xử lý nước thải tuần hoàn… đã được manh nha từ năm 1965 và kéo dài đến tận hôm nay. Những vấn đề thế hệ trước đã làm được thì thế hệ sau trân trọng, phát huy; những vấn đề chưa hoàn thành thì thế hệ sau tiếp nối cải tiến từng bước, thí điểm từng phần, rút kinh nghiệm suốt từ năm 1965 đến năm 1982. Từ năm 1983 đến năm 2002, tập thể cán bộ kỹ thuật tiếp tục nghiên cứu các đề tài tận dụng quặng mịn, cải tạo nâng công suất lò cao với những thành công to lớn, đã được ghi nhận. Từ năm 2002 đến năm 2009, tiếp tục hoàn thiện thêm một bước để tạo ra sản phẩm phân bón chất lượng cao, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, truyền thống sáng tạo và bài học kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm đã được Ban lãnh đạo mới tiếp thu và phát huy cao độ. Suốt 50 năm qua, cán bộ, công nhân viên công ty đã không ngừng cải tiến thiết bị, nâng cao dần từng cấp độ, từng bước tiến tới hoàn thiện công nghệ sản xuất lân nung chảy Văn Ðiển – Việt Nam.
Với đặc thù của nhà máy vừa sản xuất vừa tiến hành cải tạo, nâng cao năng suất thiết bị hiện có trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, lãnh đạo nhà máy và tập thể cán bộ kỹ thuật cùng công nhân đã có cách làm theo kiểu sáng tạo Việt Nam, mang đậm nét độc đáo của lân nung chảy Văn Ðiển, để lại dấu ấn trong trang sử vàng truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển (1963 – 2013) với các giải thưởng cao quý về khoa học, công nghệ: Giải thưởng Nhà nước về KHCN, Giải thưởng Sáng tạo KHKT Việt Nam VIFOTEC, Giải thưởng của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Bằng Ðộc quyền sáng chế, Giải pháp hữu ích… xứng đáng danh hiệu cao quý Nhà nước trao tặng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1999), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000), hai Huân chương Chiến công (1972, 1996), năm Huân chương Lao động (1966, 1968, 1973, 1980, 1985), Huân chương Ðộc lập hạng ba (2006), Huân chương Ðộc lập hạng nhì (2013) và nhiều phần thưởng cao quý khác của Ðảng và Nhà nước và các bộ, ngành.
Dấu ấn ba năm thực hiện cổ phần hóa thắng lợi
Chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần vào năm 2010, đúng vào lúc kinh tế trong nước và kinh tế thế giới đang đà suy thoái, công ty gặp phải một loạt khó khăn: Giá trị doanh nghiệp quá cao (271 tỷ đồng) so với các doanh nghiệp sản xuất phân bón có cùng quy mô, cùng sản phẩm. Công ty đầu tư vào dự án sản xuất phân bón NPK Thái Bình không khả thi do bị thu hồi đất nên phải dừng lại; Ngay hai năm đầu bước sang mô hình cổ phần, hơn 300 người xin về hưu và nghỉ chế độ để được hưởng chế độ ưu đãi, trong khi nhân lực toàn công ty chỉ có 578 người, gây thiếu lao động trầm trọng. Một số máy móc, thiết bị chủ lực như quạt cao áp phải nhập từ nước ngoài không có dự phòng thay thế, đe dọa ngừng máy bất thường; Công ty đã hết công suất từ những năm 2000, nhưng không được phép mở rộng do thành phố không cho phép. Tương lai nhà máy phải di dời khỏi Thủ đô, nhưng do nhiều lý do trong nhiều năm chưa tìm được địa điểm xây dựng nhà máy mới. Trong giai đoạn này một số đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm tương tự cạnh tranh lại với công ty. Bên cạnh đó, Nhà nước ngày càng nghiêm ngặt công tác quản lý, các chỉ tiêu về môi trường ngày càng đòi hỏi cao, buộc công ty phải đầu tư một khoản kinh phí lớn cho xử lý môi trường để tiếp tục đứng vững trên địa bàn Thủ đô…
Mặc dù vậy, sau ba năm cổ phần hóa, Ðảng ủy, lãnh đạo công ty duy trì sự đoàn kết nhất trí và có những định hướng đúng đắn, làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động. Cán bộ, công nhân viên công ty đã phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức, từng bước vượt qua các khó khăn. Công ty đã tập trung đầu tư, cải tiến thiết bị công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh do Ðại hội đồng cổ đông đã đề ra, cụ thể:
Công ty đã nhanh chóng tuyển chọn lao động, đưa ra các chế độ khuyến khích kết hợp với đào tạo cấp tốc tại chỗ để “lấp đầy” 300 lao động thiếu hụt do về nghỉ chế độ và xin thôi việc. Các phân xưởng sản xuất đã không xảy ra tình trạng “việc chờ người”, bảo đảm cho các dây chuyền hoạt động đều đặn và liên tục.
Lắp đặt các phễu chứa lân hạt tại dây chuyền hệ bốn xóa bỏ khâu đóng bao, tiết kiệm hàng chục lao động. Sắp xếp, cải tạo bộ phận sản xuất phân bón hỗn hợp NPK dồn lại thành ba dây chuyền được cơ giới hóa và tự động hóa khâu vào liệu thay cho lao động thủ công, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động từ ba tấn/ngày công lên 5 – 5,5 tấn/ngày công.
Ðầu tư hệ thống máy đóng bao tự động cho toàn bộ khâu đóng bao tại hệ 1, 2 và 3. Hệ thống cân đóng bao tự động tại hệ 1 3 tiết kiệm được hàng chục lao động đóng bao/ngày, xử lý căn bản vấn đề bụi thải, nâng cao độ chính xác sản phẩm trong quá trình đóng bao. Ðồng thời, công ty còn đầu tư hệ thống băng tải chuyển bao tự động, phục vụ cho khâu bốc xếp, xuất hàng, tăng năng suất, tiết kiệm hàng chục lao động trong khâu nặng nhọc này.
Thay thế toàn bộ đồng hồ đo thông số công nghệ cho ba hệ thống lò cao để nắm bắt chính xác các chỉ tiêu công nghệ thao tác. Kết quả sau khi đầu tư đã đưa ra các thông số công nghệ chính xác, kịp thời cho công nhân lò cao vận hành và xử lý sự cố kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị, nâng cao năng suất, giảm số lần ngừng lò.
Công ty đã thiết kế hệ thống cấp liệu máy rung trượt thay thế cho băng tải xích, cải thiện căn bản điều kiện làm việc cho người lao động khu vực này, giảm bụi, tăng năng suất. Ngoài ra, công ty còn tiến hành cải tạo khu vực cấp liệu cho nghiền hệ 2. Thay thế toàn bộ sáu hệ thống xử lý của các hệ nghiền bằng hệ thống xử lý lọc bụi tay áo. Kết quả, xử lý sạch bụi cho cả bốn dây chuyền sấy nghiền, đóng bao, cải thiện điều kiện làm việc căn bản cho người lao động, nâng cao năng suất máy nghiền, triệt tiêu nước thải khu vực này, giảm than xử lý sấy lại bụi ướt.
Công ty đã nghiên cứu cải tiến thay đổi căn bản hệ thống xử lý nước thải, tách riêng nước làm lạnh BTP và nước hấp thụ các lò cao để tập trung xử lý triệt để, tiết kiệm được lượng sữa vôi và công xử lý. Mở rộng các bể tôi vôi, bể khuấy sữa vôi tận dụng nước thải, không phải dùng bơm. Xây thêm các bể lắng tuần hoàn để tận thu triệt để mịn quặng. Cải tạo hệ thống xử lý nước thải, hệ thống mương dẫn nước tuần hoàn, tăng lượng nước tuần hoàn lên 95 – 97% tiến tới triệt tiêu nước thải, đáp ứng được yêu cầu quản lý mới về môi trường của Nhà nước.
Trong ba năm đầu cổ phần hóa, mặc dù số lao động tay nghề cao nghỉ việc nhiều (hơn 50%) lao động giảm đi nhưng công ty vẫn giữ vững được sản xuất hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch với sản lượng, năng suất ngày càng cao. Người lao động được hưởng đầy đủ chế độ điều dưỡng, nghỉ mát, tham quan, giao lưu học tập nâng cao tay nghề. Công ty duy trì tốt hai bữa cơm trong một ca sản xuất với chất lượng ngày một nâng cao bảo đảm sức khỏe cho công nhân.
Công ty tiếp tục mở rộng thị trường truyền thống trong nước và thị trường xuất khẩu trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của mặt hàng phân bón. Bảo đảm lợi ích cho bà con nông dân khi dùng sản phẩm phân lân nung chảy Văn Ðiển. Áp dụng cơ chế bán hàng linh hoạt, xây dựng văn hóa thương hiệu VADFCO trên thị trường phân bón. Áp dụng tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 – 2008. Ðưa ra các sản phẩm phân bón mới, có chất lượng cao. Những sản phẩm phân bón này đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nông dân, lại mang tính “đón đầu” để thích nghi với biến đổi khí hậu như: phân bón chống hạn, chống đổ cây; phân bón chống chua, chống phèn… được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm. Ba năm liền sản phẩm của công ty lọt vào Top 10 (riêng phân bón là sản phẩm duy nhất) thương hiệu Việt 2011, Top 10 sản phẩm dịch vụ Vàng Việt Nam 2012, Top 10 sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ hoàn hảo năm 2013 và nhiều giải thưởng cao quý khác.
Trao đổi với chúng tôi trước ngày Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày khánh thành Nhà máy đi vào sản xuất (15-10-1963 – 15-10-2013) và đón nhận Huân chương Ðộc lập hạng nhì, các đồng chí trong Ban Tổng giám đốc phấn khởi thông báo: “Bước sang năm 2013, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do kinh tế thế giới và trong nước vẫn trên đà suy thoái, nhưng lãnh đạo công ty đã có những giải pháp sáng tạo và chỉ đạo quyết liệt, nên dù mới qua chín tháng thực hiện nhưng chắc chắn công ty sẽ hoàn thành kế hoạch Ðại hội đồng cổ đông giao, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cổ đông và đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động”.
Trong không khí phấn khởi chào mừng Ngày truyền thống 50 năm Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Ðiển, Tổng Giám đốc Hoàng Văn Tại tin tưởng khẳng định: Công ty đang chuẩn bị thật tốt cho công tác đầu tư xây dựng Nhà máy mới phân lân nung chảy tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa), công suất 500 nghìn tấn lân nung chảy và 200 nghìn tấn phân hỗn hợp NPK/năm, trở thành trung tâm sản xuất phân lân nung chảy lớn nhất nước, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HÐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()