Nửa chặng đường nhìn lại
LSO-Thực hiện Kế hoạch số 494/KH-BKK ngày 30/5/2011 của Ban kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Lạng Sơn về việc tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, sau hơn 3 năm triển khai, thực hiện ở 8/11 huyện, thành phố, công tác này đã bước đầu thu được những kết quả tích cực.
Cán bộ đoàn khảo sát tỉnh thu thập tư liệu cổ về tập quán, ngữ văn dân gian |
Trung tuần tháng 4/2014, phóng viên chúng tôi có mặt cùng đoàn khảo sát, điền dã làm nhiệm vụ kiểm kê, lập hồ sơ di sản tại huyện Lộc Bình. Theo kế hoạch, đoàn chia thành 3 nhóm để khảo sát, kiểm kê tại 29 xã, thị trấn bắt đầu từ xã xa đến gần. Thế nhưng sau 1 ngày mưa tầm tã, con đường vào các xã Xuân Dương, Ái Quốc, Quan Bản trở nên lầy lội, xe máy chở đồ cồng kềnh không thể vào đến nơi nên đoàn phải thay đổi kế hoạch đi các xã gần trước. Nói là gần nhưng việc đi lại cũng không dễ dàng gì. Các thành viên trong đoàn phải nhanh chóng trang bị cho mình những đôi ủng cao đến đầu gối để vượt qua những đoạn đường khó đến trụ sở UBND xã. Nhờ có sự phối hợp, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền xã, sau khi sắp xếp chỗ ở, cán bộ khảo sát nhanh chóng tiếp cận với các nhân chứng sống do cán bộ văn hoá xã giới thiệu và vận dụng các phương pháp nghề nghiệp để khai thác thông tin, thu thập các văn bản, tư liệu cổ.
Anh Hoàng Văn Định, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ Di tích, Ban Quản lý di tích tỉnh, Trưởng nhóm khảo sát 2 cho biết: “Khi làm việc với cán bộ văn hoá xã, chúng tôi thường hỏi về các di sản đặc thù để tìm hiểu và tiến hành kiểm kê trước. Công việc phần lớn là thuận lợi, chỉ khó khăn về thời tiết, đường sá đi lại ở các thôn, bản và ngôn ngữ địa phương. Nhờ có sự hỗ trợ của cán bộ xã, chúng tôi đã từng bước khắc phục và hoàn thành nhiệm vụ được giao.” Qua đó cho thấy, những thuận lợi trong triển khai kế hoạch phải kể đến là được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đối với công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn triển khai công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể được triển khai đầy đủ đến các địa phương (từ 2011 đến nay đã tổ chức 9 hội nghị tập huấn cho hơn 500 lượt chủ tịch UBND và cán bộ văn hoá các xã, thị trấn). Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên nhiệt tình tham gia công tác kiểm kê tại cơ sở.
Bên cạnh đó, việc khảo sát, kiểm kê còn gặp phải không ít khó khăn do địa hình rộng, các loại hình di sản phân bố rộng khắp; giao thông đi lại khó khăn; đời sống kinh tế không ổn định; trình độ dân trí không đồng đều… Tuy còn nhiều khó khăn nhưng qua 3 năm triển khai thực hiện, công tác tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2012 và 2013, tỉnh ta đã kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể tại 4/11 huyện (Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Văn Quan). Kết quả, đã lập hồ sơ khoa học được 167 lễ hội truyền thống; 22 nghề, làng nghề thủ công truyền thống; 14 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; 21 loại hình tập quán xã hội và nhiều tri thức dân gian về các bài thuốc cổ truyền, ẩm thực, lao động sản xuất… Trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã thực hiện kế hoạch khảo sát, điền dã, sưu tầm tư liệu và kiểm kê tại huyện Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn và hiện đang tiến hành lập hồ sơ kiểm kê. Đồng thời phối hợp với phòng văn hoá – thông tin các huyện (Tràng Định, Bắc Sơn và thành phố Lạng Sơn) tiến hành sưu tầm, thu thập tư liệu tại 3 lễ hội (Đầu Pháo – Kỳ Lừa của TP Lạng Sơn, Ná Nhèm – Bắc Sơn, Bủng Kham – Tràng Định) và di sản then của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn để lập hồ sơ khoa học và đề nghị cấp có thẩm quyền đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể của Quốc gia năm 2014.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh, Phó Tổ Trưởng Tổ chuyên viên giúp việc Ban kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể tỉnh cho biết: nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và sự nhiệt huyết, năng động của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm kê, việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể sẽ hoàn thành theo đúng theo tiến độ, kế hoạch đặt ra. Từ đó giúp ích cho quá trình nhận diện đánh giá được giá trị, sức sống và mức độ tồn tại của các loại hình di sản văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương, đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()