Nữ trưởng thôn học và làm theo gương Bác
Đi đầu vận động
Hồng Châu là nơi cha mẹ chị Đặng Thị Thơ và hàng chục hộ dân khác đã rời quê xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội) đến huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn vào những năm 1960 để lập thôn, lập nghiệp xây dựng vùng kinh tế mới.
Nhưng hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế ở Hồng Châu chậm phát triển. Quanh năm, người dân phải đối mặt với cảnh đường sá sình lầy vào mùa mưa và bụi đỏ vào mùa khô.
Năm 2011, chị Đặng Thị Thơ được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Chị tự nhủ: phải làm điều gì đó để thay đổi diện mạo thôn làng. Nghĩ là làm, chị đề xuất với Ban Chi ủy và tham mưu với Chi bộ xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng trong thôn.
Sau khi Ban Chi ủy, Chi bộ thôn ủng hộ, chị cùng với Ban công tác mặt trận thôn đến từng gia đình vận động. Ban đầu, việc tổ chức vận động gặp khó khăn, các hộ cho rằng mục tiêu quá lớn, sức dân thì có hạn. Nhưng với phương pháp vận động thuyết phục, sáng tạo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đã được nhân dân đồng thuận ủng hộ.
Từ đó, thôn đã quy hoạch được khu nghĩa địa rộng 2.800 m2, xây nhà tang lễ, mua sắm nội thất nhà văn hóa thôn trị giá 51 triệu đồng; tổ chức thi công cứng hóa 3,8 km đường trục thôn, ngõ xóm đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trị giá trên 3 tỷ đồng theo phương thức nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm.
Đầu năm 2015, chị tiếp tục vận động bà con thôn Hồng Châu phối hợp với thôn Đồng Ngầu cứng hóa 800 mét đường bê tông theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Từ đó, trục đường liên thôn Đồng Ngầu-Hồng Châu kết nối với Quốc lộ 1A đi lại sạch sẽ.
Chị Đặng Thị Thơ đi trên con đường bê tông do chị và bà con thôn Hồng Châu xây dựng
Nêu gương phát triển kinh tế
Không những giỏi vận động quần chúng, chị Thơ còn là người hăng say lao động sản xuất. Người nữ trưởng thôn đã xây dựng cho mình một mô hình kinh tế hiệu quả. Với gần 1 mẫu đất vườn, chị tập trung đầu tư trồng cây táo ngọt (giống H12), bưởi Diễn, nhãn; trong đó, 100 gốc táo, 80 gốc bưởi Diễn mỗi năm cho doanh thu khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, một khoản đầu tư khác khá hiệu quả đó là chăn nuôi bò thịt. Phương pháp đầu tư là mua bò tại các phiên chợ về vỗ béo khoảng 3 tháng sau đó bán thịt. Với cách làm này, mỗi lứa, chị thu từ 5 đến 7 triệu đồng/con.
Ngoài phát triển kinh tế, chị Thơ còn tích cực vận động gia đình hội viên các đoàn thể đăng ký vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế và tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, toàn thôn có 60 lượt hộ gia đình hội viên được vay vốn với dư nợ đạt 950 triệu đồng. Các hội viên sử dụng vốn hiệu quả, kinh tế phát triển, đời sống hộ gia đình ngày càng được cải thiện. Một số vụ mâu thuẫn tại khu dân cư được nữ trưởng thôn cùng tổ hòa giải cơ sở giải quyết thấu tình đạt lý.
Nhờ vậy, trong 5 năm liên tiếp từ 2010-2015, thôn luôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, số hộ nghèo toàn thôn đến năm 2015 còn 4 hộ.
Với những thành tích đạt được, năm 2008 và 2010, chị Thơ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi. Gần đây nhất vào đầu quý II/2015, chị được Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải tặng bằng khen về thành tích phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()