Nữ sinh Hà Thành và tấm Huy chương vàng tại IEYI 2010
Thủy kể, em biết đến cuộc thi này vào đầu tháng 5-2010 và chọn đề tài về dụng cụ học tập và liên tưởng đến các mô hình học cụ ở trường. Hiện tại, trường còn thiếu nhiều mô hình học cụ, nhất là các mô hình học cụ minh chứng sự đúng đắn của các định lý, định luật. Bản thân Thủy trước đây cũng yêu thích môn Vật lý, cho nên em đã nảy sinh ra ý tưởng về đề tài lực và công, đề tài về định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng.
Thủy tâm sự: Cả bố và mẹ em cùng công tác ở Liên đoàn địa chất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), bố lại rất giỏi về Vật lý cho nên em gặp nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai đề tài. Trong ba đề tài tham dự IEYI 2010 có một đề tài bố luôn sát cánh giúp em đó là 'Mô hình tưới cây tiết kiệm nước' vì nó liên quan hàn – xì, lắp ráp. Tất cả những đề tài nói trên được em triển khai ở nhà sau thời gian ôn tập bài cũ và những khi rảnh. Khi ý tưởng về các đề tài tham dự IEYI 2010 đã 'chín muồi', em đi nhặt từng mảnh phế liệu nhỏ ở các cửa hàng sửa chữa xe đạp mà người ta bỏ đi và các mẩu gỗ, khung sắt, dây điện… rồi tiến hành gọt giũa, lắp ráp. Ngày qua ngày, đúng một tháng tròn em đã triển khai xong những đề tài để mang đi tham dự cuộc thi.
Cô Đinh Lê Thị Thiên Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 Anh, Trường THPT chuyên Hà Nội – Am-xtéc-đam cho chúng tôi biết: Thủy được nhà trường đánh giá rất cao về đạo đức và kết quả học tập. Trong học tập em ấy được coi như một 'hiện tượng', Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Am-xtéc-đam Lê Thị Oanh giải thích về 'hiện tượng' Lê Thanh Thủy, rằng: Các chương trình nhà trường tổ chức nếu Thủy không biết thì thôi, nhưng khi biết và tham gia thì em đều đoạt giải cao nhất. Lý giải với chúng tôi vì sao cấp hai Thủy học chuyên Toán nhưng đến cấp ba học chuyên Anh mà em vẫn giữ được thành tích học tập cao và đoạt giải về khoa học và công nghệ, cô Oanh tâm sự: Trước đây nhà trường cũng có học sinh học chuyên Anh đoạt giải khoa học nhưng là khoa học về ngôn ngữ xã hội. Còn riêng trường hợp chuyên Anh đoạt giải cao về khoa học và công nghệ mà Thủy giành được thì đây là lần đầu tiên và là một minh chứng sinh động trong việc đào tạo toàn diện của nhà trường.
Trong căn phòng riêng là nơi nghỉ ngơi học tập chừng 20 mét vuông khu Trung Yên 1 (Cầu Giấy), tôi đã bị Thủy thuyết phục về nếp gọn gàng, ngăn nắp. Khi cần những thứ gì, những cuốn sách dù trước đó Thủy cất khá lâu nhưng tìm lại sử dụng rất dễ dàng và nhanh chóng bởi em đánh dấu vào từng chuyên mục rất khoa học, cẩn thận. Cầm những quyển vở Thủy viết trên tay, tôi mới hiểu em là người có lối sống khoa học và cẩn thận như thế nào. Những nội dung chính cô giáo giảng được Thủy ghi vào một bên vở, bên còn lại Thủy ghi những kiến thức liên hệ và tô mầu, gạch chân những nội dung quan trọng. Thủy nói, để học hiệu quả, trên bàn học em luôn có một quyển lịch do chính tay em làm để ghi tất cả những công việc phải thực hiện trong ngày. Một ngày kết thúc thì những công việc trong quyển sổ đó cũng được Thủy tích kín, nghĩa là công việc đã hoàn thành. Qua những buổi tiếp xúc với em, tôi không chỉ thấy ở Thủy một học sinh chỉ có học tập mà như mọi người biết, em còn tham gia nhiều hoạt động khác ở trường cũng như ở nhà. Em khoe với tôi rằng, ngày bé em thích học vẽ rồi học đàn Organ (năm lớp bảy); đến lớp chín học Piano… Và giờ em là thành viên của Câu lạc bộ chụp ảnh Ca-non của trường.
Nói về ước mơ, dự định trong tương lai của mình, Thủy chia sẻ: Từ năm lớp tám em mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ rồi sau đó đổi thành dược sĩ. Giờ em thích sau này mình là kiến trúc sư.
Chia tay Thủy, hình ảnh một cô nữ sinh Hà Thành với nghị lực phi thường vươn lên trong học tập đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp. Hy vọng những ước mơ, khát vọng của em sẽ được bay cao, bay xa và sớm trở thành hiện thực.
Ý kiến ()