Nữ giới chiếm 45,6% lực lượng lao động tại Việt Nam
Số lượng nữ giới trong độ tuổi lao động tại Việt Nam đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% lực lượng lao động. Đây cũng là lực lượng gặp thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các cơ quan Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức, doanh nghiệp để cùng thảo luận về nâng cao quyền cho lao động nữ .
Tại Việt Nam, số lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% lực lượng lao động. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, lao động nữ đang là một trong các đối tượng chịu tác động lớn nhất nhưng lại chưa được đánh giá đầy đủ.
Bên cạnh đó, phụ nữ là đối tượng yếu thế và dễ tổn thương hơn do không nhận được sự đối xử công bằng trong nhiều trường hợp. Vì thế, những đóng góp của họ với xã hội chưa được công nhận tương xứng và thích đáng
Đây là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn đa phương 2019 với chủ đề “Nâng cao quyền năng của phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), Samsung Việt Nam cùng phối hợp tổ chức ngày 15/10 tại Hà Nội.
Diễn đàn đã thảo luận về những khó khăn, thách thức và cả triển vọng mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại cho đối tượng lao động nữ, cũng như doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong bối cảnh tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tất cả các bên liên quan đang tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất các giải pháp để trao và nâng cao quyền năng cho phụ nữ.
“Diễn đàn đa phương hôm nay nhằm tìm kiếm những giải pháp thông qua lắng nghe lao động nữ và các bên liên quan, rằng chúng ta cùng quyết tâm có những hành động chủ động, kịp thời và thiết thực để giúp lao động nữ sẵn sàng tâm thế, vượt qua mọi thách thức và rào cản bên ngoài nói chung và của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói riêng,” ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Chia sẻ của các chuyên gia tại diễn đàn cũng đem lại các gợi mở về những hành động thiết thực giúp lao động nữ hội nhập.
Tại Samsung Việt Nam, tỷ lệ nhân viên nữ chiếm hơn 70%, bên cạnh những nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng và phát triển các chính sách phúc lợi ưu việt dành cho người lao động nói chung, Samsung cũng chú trọng đưa ra những chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ, nhất là đối tượng nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ: “Trước những tác động sâu sắc và thách thức lớn được đặt ra cho đối tượng lao động nữ, nếu chúng ta nhìn nhận thấu đáo và có một sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ, tôi tin rằng những thách thức đó sẽ được biến thành cơ hội, tạo bước ngoặt cho đối tượng lao động nữ khẳng định vị thế và vai trò của mình trong xã hội”./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()