LSO-Cuối triều Lý sang triều Trần, ở vùng đất Chi Lăng lịch sử, một gia đình đồng bào dân tộc, miền núi sinh hạ được một người con gái tài sắc vẹn toàn, từng lập công lớn trong ba lần đại thắng quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ XIII được nhân dân vùng đất Hà Nam văn hiến tôn vinh thờ phụng suốt hơn 700 năm nay. Mãi tới mùa xuân năm Tân Mão (2011) quê hương Xứ Lạng mới được biết. Nhân ngày truyền thống vẻ vang của Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, xin trân trọng giới thiệu thân thế và sự nghiệp của bà.Xứ Lạng hôm nay - Ảnh: Thanh SơnTrước hết xin nói vắn tắt về một người thày mà bà và các bạn đồng môn nhất mực tôn kính, đó là Quế Hiên đại sĩ. Thời vua Lý Huệ Tông (1211-1224) triều Lý đã suy vi, quan lại nhũng nhiễu, dân tình đói khổ, nổi lên phản kháng nhiều nơi. Vì chán chường nơi phù hoa, bon chen thế lực, hãm hại lẫn nhau, Quế Hiên đại sĩ người đất Châu Ôn thông minh tài trí,...
LSO-Cuối triều Lý sang triều Trần, ở vùng đất Chi Lăng lịch sử, một gia đình đồng bào dân tộc, miền núi sinh hạ được một người con gái tài sắc vẹn toàn, từng lập công lớn trong ba lần đại thắng quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ XIII được nhân dân vùng đất Hà Nam văn hiến tôn vinh thờ phụng suốt hơn 700 năm nay. Mãi tới mùa xuân năm Tân Mão (2011) quê hương Xứ Lạng mới được biết. Nhân ngày truyền thống vẻ vang của Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, xin trân trọng giới thiệu thân thế và sự nghiệp của bà.
|
Xứ Lạng hôm nay – Ảnh: Thanh Sơn |
Trước hết xin nói vắn tắt về một người thày mà bà và các bạn đồng môn nhất mực tôn kính, đó là Quế Hiên đại sĩ. Thời vua Lý Huệ Tông (1211-1224) triều Lý đã suy vi, quan lại nhũng nhiễu, dân tình đói khổ, nổi lên phản kháng nhiều nơi. Vì chán chường nơi phù hoa, bon chen thế lực, hãm hại lẫn nhau, Quế Hiên đại sĩ người đất Châu Ôn thông minh tài trí, đỗ đạt cao cả văn, cả võ làm quan tới chức Kinh sư Đông dực tướng quân, biết phần mình có ở lại kinh đô cũng không giúp gì được cho dân cho nước nơi triều chính, ông xin cáo quan về quê hương xứ sở tại trang Quang Lang, Châu Ôn, phủ Tràng Khánh (Chi Lăng, Lạng Sơn ngày nay) mở trường dạy học.
Với kiến thức uyên thâm, ông đã dành hết tâm trí, đức độ, tài năng truyền dạy cho học trò. Tiếng lành đồn xa, học trò khắp nơi đến xin theo học rất đông. Dòng họ Hà ở mãi bên Quy Hóa (Tuyên Quang ngày nay) cũng gửi con cháu theo học thày Quế Hiên đại sĩ. Qua thần phả, ngọc phả, các sắc phong của các triều đại tại đình Làng Ngò – Đức Lý, Nhân Lý – Hà Nam và thư tịch cổ còn lưu lại ở Viện Hán Nôm mà chúng ta biết được thân thế sự nghiệp của nữ danh tướng dân tộc Tày sinh thành tại trang Quang Lang, Chi Lăng lịch sử. Chuyện lưu truyền lại rằng: Ở nước ta cuối triều Lý ở trang Quang Lang thuộc Ôn Châu phủ Tràng Khánh (thuộc đất Lạng Sơn ngày nay) có một gia tộc người Tày họ Trần, đời nối đời làm nghề thuốc gia truyền chữa bệnh cho dân, tài cao, đức trọng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người vượt qua hoạn nạn mà không hề vụ lợi đòi hỏi bất cứ thứ gì, nên được nhân dân xa gần rất đỗi kính trọng, tin yêu.
Đến đời thứ tư, anh Trần Công Tế vẫn tiếp tục hành nghề cao quý, mới 18 tuổi anh đã làm sáng danh tổ tiên bằng tài đức của mình và sớm trở thành một danh y. Anh yêu và cưới người con gái nết na, xinh đẹp nhất dòng họ Lý, là cô Lý Thị Hằng, dân tộc Tày người cùng trang Quang Lang vào cuối mùa thu năm Ất Hợi (1215). Năm sau Bính Tý (1216) 2 người sinh hạ người con trai đầu lòng là Trần Hữu Dựng, 2 năm sau Mậu Dần (1218) sinh hạ người con trai thứ 2 là Trần Hữu Phúc, hai anh em đều khôi ngô, giống nhau như 2 giọt nước.
Một sáng mùa thu năm Mậu Dần (1218) ông Trần Công Tế đi vào núi Đông Quỳ (còn gọi là núi Tàn Lọng) để hái thuốc quý và tìm nơi đất tốt để cải táng đặt mộ phần cho cha mình. Từ xa bỗng thấy một cụ già râu tóc trắng như tuyết, da dẻ hồng hào mặt mũi phương phi, tay chống gậy trúc. Theo sau cụ có 2 tiểu đồng, mặc quần áo màu xanh da trời, trên tay mỗi người cầm một bông hoa sen. Ba người thong thả đi đến ngồi nghỉ trên một phiến đá xanh phẳng lỳ rộng bằng chiếc chiếu cạp điều, dưới bóng mát của cây thông đại thụ.
Chính nơi này, mỗi lần lên núi hái thuốc về ông Tế thường ngồi nghỉ tại đây, nhưng chưa bao giờ được gặp cụ già đẹp như tiên ông với 2 tiểu đồng theo hầu đẹp như trong tranh như vậy. Ông Trần Công Tế liền đi tới kính cẩn chào cụ và lễ phép chào 2 tiểu đồng. Cụ già và 2 tiểu đồng đáp lễ, trên gương mặt hiền từ với đôi mắt còn rất tinh tường, miệng nở một nụ cười rất tươi, hỏi “Ông vào núi có việc gì mà đi sớm thế?”. Ông Tế thưa thật ý định của mình. Cụ già điềm đạm nói: “Gia đình nhà ngươi, đời nối đời tích đức, làm phúc cho muôn nhà, nay ta sẽ giúp”. Nói vậy và cụ chỉ cho ông Tế một khu đất bên bờ suối Bạch Trúc thuộc núi Đông Quỳ (Tàn Lọng) và còn dặn kỹ “Phải đặt đúng huyệt mặt hướng về phương Nam, không quá hai năm sau sẽ có tin mừng”. Nói xong, ông lão lấy một bông sen từ tay một tiểu đồng trao cho ông Tế. Ông Tế cảm kích đưa 2 tay đón lấy bông sen, cúi đầu cảm tạ, vừa ngẩng đầu lên thì kỳ lạ thay, không thấy 3 người đâu nữa, họ đã biến mất ngay giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ thấy quanh mình ngào ngạt hương hoa sen thơm ngát. Ông Tế cho rằng đó là thần tiên hiện lên trợ giúp, bèn về nhà bàn việc với bà Hằng lo việc tiến hành cải táng, bốc mộ cha, an táng vào nơi cụ già đã dặn.
Từ đó vợ chồng ông ngày thêm khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn, ngày nào cũng lên núi vào rừng hái thuốc chữa bệnh cho dân mà không hề thấy mỏi mệt. Vào một đêm thu năm Kỷ Mão (1219) bà Hằng nằm ngủ, mơ thấy mình đi vào núi Đông Quỳ cắt cỏ mã chiên về làm thuốc, thấy một bé gái mặc áo màu hồng, tay cầm bông hoa sen, tung tăng đến trước mặt bà Hằng, cúi đầu xin về làm con… Bà Hằng thấy vậy bèn dò hỏi: “Cháu ở đâu, con cái nhà ai mà đến đây xin làm con?”. Bé gái cung kính thưa: “Cháu ở chốn Hoa Sen, kiếp trước đã được cụ nhà ta cứu chữa khỏi bệnh hiểm nghèo. Nhưng chưa báo đáp công ơn được. Nay thiên đình cho phép xuống làm con mẹ để đền đáp ơn sâu nghĩa trọng…”. Bà Hằng liền đem câu chuyên trong mơ kể lại cùng chồng. Ông Tế chợt nghĩ đến lời cụ già, vui mừng cho là điềm lành, từ đó 2 ông bà càng ra công tích thiện. Rồi bà Hằng mang thai.
Chưa qua 1 năm, ngày 10 tháng 6 năm Canh Thìn (1220) bà Hằng sinh hạ được người con gái hồng hào khỏe mạnh, tiếng khóc chào đời vang vọng cả núi rừng. Mặt hoa, da phấn, mắt phượng, mày ngài, môi đỏ như son. Ông Trần Công Tế và bà Lý Thị Hằng vui mừng khôn xiết. Ông bà nhớ lại cuộc gặp gỡ kỳ lạ trên núi với “ông tiên giáng trần” và giấc mộng đêm thu liền đặt tên cho con gái yêu là Trần Thị Liên Hoa (Liên Hoa là hoa sen, cũng bao hàm cả ý nghĩa là cả hai người đều được đón nhận hoa sen).
Trần Thị Liên Hoa được cha mẹ cho cùng hai anh trai theo học thày Quế Hiên đại sĩ.
(Còn nữa)
Nguyễn Trường Thanh
Ý kiến ()