Nữ cán bộ làm kinh tế giỏi
– Chị Điều (sinh năm 1979) xuất thân từ một gia đình thuần nông tại xã Y Tịch, huyện Chi Lăng. Sau khi học hết lớp 12, do điều kiện kinh tế không cho phép nên chị phải tạm gác lại việc học. Đến năm 2002, chị Điều mới có điều kiện tham gia học chuyên ngành quản lý đất đai tại Trường Trung học Địa chính Trung ương I (nay là Đại học Nông nghiệp Hà Nội). Năm 2004, chị bắt đầu làm việc tại phường Chi Lăng. Trải qua nhiều vị trí công tác, hiện chị là cán bộ địa chính tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn.
Những năm đầu mới lập gia đình cũng là thời điểm chị nhận công tác tại thành phố Lạng Sơn, khi đó, cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi các con lần lượt ra đời. Với mong muốn lo cho con cái cuộc sống được đầy đủ nên từ năm 2005, chị bàn với chồng dồn hết số tiền tích góp làm vốn để chăn nuôi, sản xuất. Hằng ngày, khi kết thúc công việc hành chính, thời gian còn lại, chị dành cho việc nấu rượu và tận dụng nguồn bã rượu để chăn nuôi lợn.
Chị Điều kiểm tra chất lượng rượu sau khi ủ
Chị Điều cho biết: Để sản xuất được loại rượu thơm ngon, tôi tự tay làm men lá theo bí quyết được ông bà truyền lại và ủ men trên 30 ngày. Các công đoạn nấu rượu được thực hiện kỹ càng như: cơm rượu không được quá nhão hoặc khô; khi chưng cất rượu không được để lửa cháy quá to tránh việc rượu bị khê… Còn phần bã rượu tôi tận dụng để nuôi lợn. Những năm đầu, do tôi thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên đàn lợn của gia đình thường chậm lớn. Trước thực tế đó, tôi chủ động tìm tòi, nghiên cứu trên sách, báo và tham gia các buổi tập huấn do HND thị trấn phối hợp tổ chức để học hỏi thêm về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn lợn rồi đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Nhờ vậy, những năm về sau, đàn lợn lớn nhanh và ít bị dịch bệnh hơn.
Tuy nhiên, do sản xuất theo quy mô nhỏ nên từ năm 2005 đến năm 2015, mỗi tháng, chị chỉ sản xuất được hơn 1.500 lít rượu và mỗi năm xuất bán hơn 60 con lợn thịt. Mô hình trên đem lại cho gia đình chị nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Năm 2016, chị được Hội Nông dân (HND) thị trấn Cao Lộc tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư thêm nồi hơi nấu rượu, tủ hấp cơm rượu và nuôi 5 con lợn nái để gây giống… Từ đó đến nay, mỗi năm, chị nuôi 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa 50 con, đem lại nguồn thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm. Trung bình mỗi tháng, gia đình chị cung cấp hơn 4.000 lít rượu phục vụ thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành như: Kon Tum, Hà Nội… Tổng thu nhập từ mô hình trên của gia đình chị Điều sau khi trừ chi phí đạt hơn 500 triệu đồng/năm.
Từ mô hình kinh tế của gia, chị đã tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương. Bà Triệu Thị Tuyết, khối 2, thị trấn Cao Lộc cho biết: Trước đây, tôi không có việc làm thường xuyên nên đời sống khá chật vật. Từ năm 2017 đến nay, tôi được chị Điều tạo điều kiện cho làm việc phụ chị nấu rượu và chăn nuôi với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thấy hoàn cảnh tôi neo đơn nên năm 2019, chị còn giúp tôi sửa sang lại căn nhà cũ vốn đã xuống cấp từ lâu. Tôi rất xúc động trước sự quan tâm của chị.
Bà Hứa Mai Hường, Chủ tịch HND thị trấn Cao Lộc cho biết: Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Điều còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hộ khác và luôn tích cực đóng góp, tham gia nhiệt tình các phong trào, hoạt động của HND.
Với những nỗ lực đó, chị Điều nhiều lần nhận giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành. Gần đây nhất, tháng 10/2021, chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2021.
Ý kiến ()