Nữ cán bộ hội trong thời kỳ mới
LSO- Sinh năm 1959, ở vùng quê nghèo Vạn Linh, huyện Chi Lăng, nhiều trẻ em không có điều kiện cắp sách đến trường, chị Lương Thị Mỹ An thấu hiểu hơn ai hết về sự thiệt thòi, nỗi khó khăn vất vả của nhiều trẻ thơ và người dân quê mình. Chị đau đáu một ước mơ: mình phải gắng sức học, phấn đấu mai sau trở thành cô giáo về phục vụ quê hương.
Bằng sự nỗ lực phấn đấu vượt qua bao khó khăn trở ngại, nhà xa trường, phải đi bộ 7 km khi học cấp II, 12 km khi học cấp III và bằng ý chí quyết tâm học, chị đã thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo. Bằng tình thương yêu đối với học sinh và sự cần cù chịu khó, năng động, sáng tạo trong giảng dạy, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mười bốn năm công tác trong ngành giáo dục, chị luôn là giáo viên dạy giỏi, được cấp trên tặng thưởng nhiều giấy khen, 2 bằng khen của UBND tỉnh. Tháng 10 năm 1995, chị Mỹ An được tổ chức phân công điều động về công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn, trải qua các chức danh Phó Văn phòng, Ủy viên Thường trực, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Công đoàn, Phó Bí thư Chi bộ và hiện là Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Lạng Sơn.
Với trọng trách công việc được giao, chị luôn trăn trở suy nghĩ tìm cách để góp sức của mình giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như nạn nhân chất độc da cam, người nghèo, người già cô đơn, trẻ em lang thang cơ nhỡ, đồng bào bị thiên tai bão lũ… được vơi đi những nỗi đau, nỗi khó khăn vất vả. Tuy công việc nhiều khó khăn vất vả, nhưng chị luôn vững tin, nỗ lực vượt trở ngại, vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự tin, miệt mài, vì sự nghiệp nhân đạo. Chính vì vậy, các hoạt động của Hội có nhiều nội dung hoạt động đa dạng, phong phú đạt hiệu quả thiết thực, góp phần giúp đỡ những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh cải thiện đời sống. Nổi bật như mô hình 300.000 cây hồi tại 3 xã vùng 3, huyện Bình Gia, đã cho 1.074 hộ nghèo thu nhập từ năm 2007 đến nay, mô hình “Nước sạch vệ sinh môi trường – Chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, mô hình “Nồi cháo tình thương”, mô hình “Hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển kinh tế không tính lãi”, đến mô hình “Sữa học đường”, “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi lợn nhựa”… đạt hiệu quả thiết thực.
Chỉ tính từ năm 2006 đến năm 2011, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tuyên truyền, vận động cả trong nước và quốc tế với tổng trị giá hoạt động đạt trên 45 tỷ đồng. Với những hoạt động và thành tích nêu trên, tháng 11 năm 2011 Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Bản thân chị Mỹ An 6 năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương tiêu biểu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sáu năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh, nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh, của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và tháng 11 năm 2011 chị được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Không chỉ là người cán bộ mẫu mực tại cơ quan, chị còn là một chủ trang trại trồng quýt Bắc Sơn với 15 ha. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng từ vườn quýt. Chị đã chuyển giao khoa học công nghệ, giúp vốn cho nhiều hộ nông dân ở địa phương trồng cây quýt đã cho thu nhập, đánh thức vùng đất quê mình, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn mới. Trong gia đình, chị Mỹ An là người con hiếu thảo, người vợ thuỷ chung, rất mực thương chồng, thương con. Chị có 2 con trai, ngoan học giỏi. Chồng chị là cán bộ Cục Thuế tỉnh luôn thông cảm, chia sẻ với những khó khăn vất vả của chị và anh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chị làm tốt việc nước, việc nhà.
Chị Lương Thị Mỹ An xứng đáng tấm gương tiêu biểu trong “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới.
Ý kiến ()