NTD Việt mua xe gì nhiều nhất?
Thay vì những đề toán bắn chim, săn thú có trong sách giáo khoa từ hàng chục năm nay, cô giáo Hoàng Thị Nho đã nghĩ ra ý tưởng xây dựng một bộ đề toán chuyên về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Những đề toán lạ!
“Nếu mẹ em có thói quen xách làn đi chợ thay vì đựng thực phẩm trong các túi nilon thì trung bình 1 ngày sẽ bớt được 11 túi nilon bị sử dụng. Hỏi trong 1 tháng, 1 năm nếu mẹ em có thói quen này thì sẽ bớt được bao nhiêu túi nilon thải ra môi trường? Và hãy thử tính toán nếu trong một khu phố có 1.200 người dân có các bà, các chị có thói quen tốt này thì một năm sẽ bớt được bao nhiêu kg túi nilon thải ra môi trường nếu biết rằng cứ trung bình 150 túi bằng 1kg túi nilon?”.
Cô giáo Hoàng Thị Nho, người đã có bốn ý tưởng đoạt giải Ngày Sáng tạo Việt Nam. |
“Một văn phòng nhân viên có thói quen sử dụng máy điều hòa cả ngày. Nếu họ chỉ sử dụng 2 tiếng lúc thời gian nóng nhất trong ngày, hãy tính lượng điện mà văn phòng này tiết kiệm được trong một tuần, trong một tháng và một năm? Biết rằng mỗi tiếng sử dụng điều hòa tiêu hao mất 1.000W. Giả sử ở một huyện có 100 văn phòng biết sử dụng tiết kiệm và hạn chế sử dụng điều hòa theo cách trên, hãy tính lượng điện tiết kiệm được trong cả năm của huyện đó?”.
“Một trường học có 6 vòi nước. Cứ giờ ra chơi có 2 học sinh rửa tay và quên khóa vòi nước. Để nước chảy trong 45 phút. Hãy tính thời gian nước chảy lãng phí trong một buổi học, một tuần học, một tháng học và một năm học?”…
Trong 61 gian trưng bày tại vòng chung kết Ngày Sáng tạo Việt Nam 2010 diễn ra hôm 5-5, rất nhiều người tham quan triển lãm đã dừng lại ở gian trưng bày dự án “Đề toán về biến đổi khí hậu cho học sinh Trung học cơ sở và những hoạt động tiếp nối” để đọc những đề toán ngộ nghĩnh như thế. Những đề toán được viết to trên những tờ giấy xanh đỏ, đính trên những tấm nan tre, treo khắp gian hàng, cùng những bức tranh học sinh vẽ về môi trường. Chỉ thế thôi dự án đề toán cũng đã thu hút cả những chủ nhân gian hàng bên cạnh và ban giám khảo.
Cô giáo Trịnh Thị Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Hưng, Phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông – Hà Nội kể lại, ngay sau khi cô trình bày đề án, một thành viên Bam giám khảo đã không kìm được cảm xúc của mình và thốt lên: “Hay quá! Độc đáo quá!”.
Ý tưởng này là của cô giáo Hoàng Thị Nho, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, người đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc giảng dạy cho HS mầm non. Chị Nho đã chọn trường THCS Kiến Hưng là nơi triển khai đề tài của mình. Trường THCS Kiến Hưng khá rộng, HS lại chỉ học một buổi nên có hẳn một buổi còn lại để tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thầy cô giáo vì thế cũng rảnh rỗi hơn các trường khác, có thời gian để tập huấn về các đề toán rồi truyền đạt đến HS. Cô hiệu trưởng Trịnh Thị Quang cho biết, nhà trường đã đồng ý tham gia thực hiện dự án ngay sau khi được chị Nho trao đổi về ý tưởng này.
Khi trẻ em thay đổi nhận thức của người lớn
Không phải chỉ giám khảo vòng chung kết mới ấn tượng bởi những đề toán, mà ngay từ vòng loại, đề án Đề toán và BĐKH cho học sinh THCS và những hoạt động tiếp nối đã nhận được những đánh giá cao từ ban giám khảo. Trong khi bảy thành viên Ban giám khảo nhóm 3 của vòng loại đã phải tranh luận rất lâu về danh sách các đề án vào chung kết của nhóm, thì riêng đề án này thì lại có được sự thống nhất cao.
“Ngày xưa chúng tôi đi học, chỉ được biết đến những đề toán dạng như: “Trên cành cây có 5 con chim. Hỏi bắn mất một con thì còn mấy con?”. Những nội dung như thế, khi đưa vào đề toán, lại trở nên phản giáo dục, nó ngấm dần vào một thế hệ nay đã là những ông bố bà mẹ thói quen tàn sát động vật hoang dã, hủy hoại môi trường. Còn cách làm của đề án này thì ngược lại hoàn toàn.”, ông Dương Thanh An, Phó Cục Trưởng Cục bảo tồn đa dạng Sinh học – Tổng cục môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thành viên ban giám khảo vòng loại nhận xét.
Và cách ngược lại ấy của chị Nho là khi soạn đề toán, sẽ lờ đi những hành vi kém, hạn chế, mà chỉ đưa những hành vi tốt vào nội dung đề mà thôi. Theo chị, nếu nói đến bảo vệ môi trường, HS có thể biết, nhưng BĐKH là một khái niệm khá trừu tượng. Chính vì vậy qua đề toán, hành vi của con người được lặp đi lặp lại nhiều lần, giúp HS có thể tính toán được, nhận thức được vấn đề, rồi hành động theo những hành vi nhỏ ấy và khuyên người lớn thực hiện theo.
Chị Nho lấy ví dụ trong đề toán về túi nilon, cô không hỏi mỗi ngày dùng hết bao nhiêu túi nilon, mà hướng HS đến nếu một ngày mẹ em dùng làn đi chợ thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền mua túi nilon. “Như vậy, tôi sẽ nhắc nhở HS là em có thể khuyên những người nội trợ như mẹ mình dùng làn đi chợ để vừa tiết kiệm được tiền túi nilon, vừa bảo vệ môi trường. Và sau này, khi các em trở thành người lớn, các em cũng nên xách làn đi chợ để tiết kiệm”, chị nói.
“Ngày xưa, người lớn hay giáo dục trẻ em phải làm theo mình, Nhưng ngày nay, trẻ em có thể thay đổi được nhận thức của người lớn. Khi đi với con, chúng ta sẽ không dám vượt đèn đỏ, không vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng. Vì nếu làm như vậy, những đứa trẻ sẽ thắc mắc ngay”, ông Dương Thanh An thừa nhận. Và khi tác động vào ý thức của trẻ em, cũng có nghĩa là đề án đã giáo dục được cả người lớn.
Cơ hội để nhân rộng
Đây không phải là lần đầu tiên cô giáo Hoàng Thị Nho nghĩ ra ý tưởng và phối hợp với các trường thực hiện, mà đã là lần thứ tư chị Nho đoạt giải Ngày Sáng tạo Việt Nam. Năm 2007, cô giáo Nho cũng đã giành giải của Ngày Sáng tạo Việt Nam về An toàn giao thông với đề án “Những tình huống chơi đóng vai theo chủ đề an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo”. Đề án được áp dụng thành công tại Trường Mầm non Đống Đa và Trường Mầm non Tuổi Hoa quận Đống Đa, Hà Nội.
Những đề toán độc đáo từ ý tưởng đến cách trình bày |
Sang năm 2008, vượt qua hàng trăm đề án dự thi khác, dự án “Giáo dục nội dung an toàn thực phẩm cho học sinh bằng phương pháp dạy học dự án” của chị lại được Ngân hàng Thế giới tài trợ 215 triệu đồng để triển khai tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong và trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông.
Và năm nay, đối tượng mà chị Nho hướng đến không phải là trẻ mầm non hay tiểu học như những năm trước nữa, mà là HS THCS. Chị giải thích, với trẻ em mầm non và tiểu học thì khái niệm BĐKH hơi trừu tượng. HS THCS có khả năng biện luận tốt hơn, hành vi và thái độ của các em có tác động và ảnh hưởng tới cả người ít tuổi hơn và người lớn.
Tuy nhiên, theo chị, HS tiểu học cũng có thể áp dụng đề toán BĐKH này, nhưng ở mức độ đơn giản hơn. Ngay cả trẻ mầm non thì giáo viên cũng có thể áp dụng theo cách như: dùng dây lạt bó lại rồi cho các em đếm… Có nghĩa là với mức độ đề toán khó, dễ khác nhau, ý tưởng này có thể áp dụng được cho tất cả các cấp học.
Hai cô giáo Nho và Quang cho biết, đã triển khai thử một vài đề toán cùng những hoạt động ngoại khóa tại trường THCS Kiến Hưng và thu được kết quả tốt. Sau khi giải đề toán về túi nilon, HS của trường đã thực hiện cuộc phỏng vấn các bà nội trợ để tìm hiểu mức độ phù hợp các đồ dùng thay thế túi nilon, qua đó họ đã thu thập được nhiều ý kiến độc đáo, thậm chí người đặt câu hỏi còn chưa nghĩ đến.
Theo cô hiệu trưởng Trịnh Thị Quang, tháng 7 tới, trường sẽ nhận được số tiền tài trợ cho dự án là 262 triệu đồng. Đó là khoảng thời gian HS đã nghỉ hè, vì thế, dự án sẽ tập huấn kiến thức cho 40 giáo viên của trường. Việc triển khai giảng dạy đề toán BĐKH sẽ bắt đầu khi khai giảng năm học mới.
Sẽ có 40 đề toán như thế được xây dựng để giảng dạy ngoại khóa cho 528 học sinh của trường. Rồi những đề toán và những hoạt động củng cố sau mỗi đề toán ấy sẽ được tập hợp thành một bộ tài liệu và được gửi đến sở GD-ĐT của 63 tỉnh thành trong cả nước cùng 30 trường học khác.
Mặc dù đây mới là một thử nghiệm từ cấp dưới, nhưng những người thực hiện đều tin rằng, sau khi nó được triển khai thành công, sẽ có nhiều trường sử dụng tài liệu của họ áp dụng cho HS của mình. Và nếu có thể, những đề toán độc đáo ấy có thể được đưa vào sách giáo khoa áp dụng cho toàn quốc, thay cho những đề toán bắn chim, săn thú thuở nào…
Ý kiến ()