NSƯT Trần Nhượng: 58 tuổi chưa hết truân chuyên
Lận đận tình duyên, hơn một năm nay mới ổn định gia đình; tưởng đến lúc được nghỉ ngơi lại nhận nhiệm vụ: Giám đốc TT Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu, NSƯT Trần Nhượng nói vui: “58 tuổi mà vẫn chưa hết truân chuyên”.
Từ rất lâu, NSƯT Trần Nhượng, Đại tá – Phụ trách đoàn kịch Công An ít xuất hiện trên báo chí vì quá bận rộn với công tác quản lý, kinh doanh và tham gia các bộ phim truyền hình dài tập; hiện tại, ông vẫn bận rộn với việc lồng tiếng cho bộ phim Huyền sử thiên đô.
NSUT, Đại tá Trần Nhượng, hiện đang là Trưởng đoàn kịch nói Công an |
Gặp ông trong những ngày giáp tết tại nhà riêng, một căn hộ xinh xắn, được thiết kế trang nhã tại khu Hoàng Cầu, nom ông vẫn phong độ và điềm đạm. Ông ôn tồn nói: “Có lẽ, chúng ta chỉ có chuyện về Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu là đáng nói hơn cả nhưng không rõ với câu chuyện này thì các bạn trẻ là độc giả của báo điện tử có quan tâm không nhỉ?”. Nhưng trong câu chuyện, ông đã chia sẻ quan điểm của mình về việc nghệ sĩ phải giữ gìn phong độ, giải thích chuyện vì sao luôn luôn dùng nước hoa, thậm chí cả những chuyện… điều tiếng về tin đồn đào hoa của mình.
Nhà nước tốn tiền thanh sắc, nghệ sĩ sao không giữ phong độ?!
– Có vẻ như nhu cầu của khán giả thời hiện đại đã bắt những nghệ sĩ được sinh ra từ thời bao cấp như ông phải quan tâm tới thị hiếu chung của khán giả, đúng thế không, thưa ông?
– Đúng thế! Đó là yêu cầu bắt buộc của những ai muốn theo kịp thời đại. Bởi đã qua rồi thời kỳ mà như một số ít nghệ sĩ thường nói: tôi là thế đấy, anh quan tâm thì quan tâm, không quan tâm thì thôi. Chúng ta phải nắm được thị hiếu khán giả của từng loại hình, phải biết được đối tượng quan tâm tới tác phẩm của ta là ai, ở độ tuổi nào là chính… Nhất là với tôi, khi phải gồng gánh, lo toan cho cuộc sống của rất nhiều anh chị em nghệ sĩ trong đoàn.
– Có phải vì luôn có sự thay đổi mới mẻ cả trong tư duy lẫn hình thức mà ông bị một số bạn nghề cùng lứa tuổi… ghen tỵ, chê bai là “hay làm đỏm”, “lọ nước hoa di động”, thậm chí là cả tiếng… trăng hoa?
– Tôi nghĩ, người nghệ sĩ phải biết giữ gìn và trân trọng hình thức, sức khỏe và phong độ của mình. Nhà nước bỏ tiền ra chăm lo thanh sắc cho người nghệ sĩ trong khi các ngành khác có khoản tiền này không? Giữ gìn thanh sắc là biết tôn trọng nghề nghiệp của mình, đó là quan niệm của tôi về người nghệ sĩ làm nghệ thuật. Bên cạnh đó, biết giữ gìn hình ảnh của mình cũng là cách để người nghệ sĩ được hoạt động lâu dài trong ngành nghề của mình.
Việc dùng nước hoa hay chăm chút cho trang phục cũng là cách tôi thể hiện sự tôn trọng của mình với nghề nghiệp và công chúng. Dĩ nhiên, bên cạnh đó cũng là thói quen: khi tắm xong, bao
giờ tôi cũng xức nước hoa; quần áo lúc nào cũng có mấy bộ được là lượt cẩn thận để trên xe ôtô bởi ngoài việc giữ gìn hình ảnh thì nó còn tiện cho việc thay đổi trang phục khi tham gia vào các vai diễn của phim truyền hình. Điều này chắc không đáng bị ai đó phản đối hay ghen tỵ phải không?
– Còn những… điều tiếng về chuyện ông là một người rất đào hoa?
– Tôi không muốn bà xã nhà tôi phải suy nghĩ về điều này nữa, nên có lẽ đây là lần cuối cùng tôi nói về chuyện đào hoa hay không của mình. Tôi vốn là một người lận đận trong tình duyên, gần hai năm nay tôi mới ổn định gia đình, tìm được người phụ nữ yêu thương mình thực sự, gắn bó và chăm sóc cho mình chu đáo. Tôi trân trọng tình cảm và muốn mái ấm này được bình yên. Bây giờ tôi có thể chăm lo cho sự nghiệp.
Bản tính tôi là người chỉn chu, lúc nào cũng phải giữ được phong độ của một nghệ sĩ được công chúng quan tâm, đối với mọi người tôi luôn nhẹ nhàng và không giấu gì, tôi được nhiều khán giả nữ ái mộ, muốn làm quen. Tôi luôn giữ lịch sự, trân trọng tình cảm của những khán giả yêu thương mình, phải chăng vì thế mà tôi bị điều này tiếng kia?!
– Ông có thể tiết lộ về người phụ nữ hiện tại, người đã mang đến sự ấm áp và giúp ông thoát khỏi sự lận đận trong tình duyên?
– Xin cho tôi được giữ bí mật và hơn thế, bà xã nhà tôi cũng không muốn xuất hiện trên báo chí.
– Chị ấy có “ghen tuông” hay than phiền về chuyện đồn thổi ông là một nghệ sĩ đào hoa?
– Tôi nghĩ là người đàn bà nào đang yêu cũng có chút hờn ghen, nhưng chúng tôi đã ở tuổi có thể bình thản với những tin đồn và quan trọng là biết mình cần gì. Bởi vậy mà cô ấy biết cách cư xử với những vấn đề mà tai tiếng, thị phi hay các mối quan hệ thường diễn ra với một nghệ sĩ.
Về hưu chưa phải là… hết
– 58 tuổi, tháng 9 sang năm nhận sổ hưu mà ông có thể lạc quan nói là… yên tâm dành thời gian cho sự nghiệp, thưa ông?
– Đối với nhiều người thì việc nghỉ hưu là kết thúc thời gian làm việc, có người thì cho đó là được nghỉ ngơi nhưng với mình nó lại mở ra thời kỳ khác. Tôi quan niệm: trong đời sống và sự nghiệp không có gì là muộn, lúc nào phía trước mình cũng rất dài và luôn có sự mới mẻ. Nói như vậy không phải là lãng mạn hay lạc quan tếu mà đó là thực tế, quan trọng nhất là mình xác định mình muốn gì, sức mình đến đâu và mình có nỗ lực không thôi.
Ông cho biết, người nghệ sĩ biết tôn trọng nghề nghiệp của mình là người biết gìn giữ hình ảnh của mình. |
– Nhiều người cho rằng, các quan chức làm nghệ thuật sau khi về hưu thường là làm lãnh đạo trong hội nghề nghiệp. Còn ông, ông có thể tiết lộ về công việc tiếp theo của mình sau khi nhận quyết định hưu trí không, thưa ông?
– Kết thúc vị trí Trưởng đoàn kịch nói Công an với hàm Đại tá, tôi chuyển sang làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu VN. Trung tâm này được thành lập từ khá lâu, từ năm 2005, khóa vừa rồi do anh Trọng Khôi kiêm Giám đốc Trung tâm. Sau đại hội năm kia thì anh Khôi nghỉ nên gần như một năm qua trung tâm bị bỏ ngỏ, không có giám đốc, chỉ có cậu Phó Giám đốc điều hành.
Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu VN – cái tên đó đã cho thấy được chức năng, nhiệm vụ của nó là thế nào: Vừa bảo tồn vừa phải phát triển. Trung tâm này đã được trang bị hệ thống máy móc, so với bây giờ thì không còn hiện đại nhưng khi mới ra đời thì đó là khá đầy đủ: bàn dựng, máy quay, serve lưu trữ… nhưng tiếc là do sự đầu tư không liên tục nên máy móc không đồng bộ, có những máy quay tới thời điểm này thì không còn được ưa chuộng.
Trung tâm phải tự hạch toán, đây là khó khăn lớn nhất. Vì thực chất trung tâm không phải là đơn vị sản xuất hay kinh doanh nhưng do đặc thù ngay khi thành lập đã quy định quy chế hoạt động như vậy nên nó rất khó khăn.
Nếu bắt buộc phải hoạt động theo phương thức xã hội hóa thì trung tâm phải trông chờ vào các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp quan tâm tới sân khấu và một phần hỗ trợ của hội.
Sẽ mời các… siêu mẫu, hoa hậu tham gia diễn kịch
– Nhận một công việc có nhiều khó khăn hơn là thuận lợi ở vào tuổi cận kề 60 có phải là cách để ông giải tỏa tâm lý của một nhà quản lý, một lãnh đạo khi nhận sổ hưu?
– Không phải thế mà do trách nhiệm mình là ủy viên BCH, nhìn lên nhìn xuống không còn ai, mình chuẩn bị nghỉ bên đoàn công an nên các anh ấy thấy mình có điều kiện để giao cho nhiệm vụ này, một nhiệm vụ mà như bạn nhận thấy là rất khó khăn.
Có người cho rằng, có chút cơ sở vật chất thì sống được nhưng đây là ý kiến phiến diện bởi phương tiện đã cũ nên muốn tổ chức sản xuất hay cho thuê thì không còn phù hợp với điều kiện hiện tại. Bên cạnh đó cũng với máy móc như vậy thì các đơn vị tư nhân hay các hãng phim nhà nước có những phương tiện hiện đại hơn rất nhiều. Tôi đang xây dựng một đề án trên những cơ sở sẵn có và đề xuất bổ sung cơ sở vật chất, đặc biệt là các phương tiện để trung tâm hoạt động hiệu quả.
Một số anh em bạn nghề cho biết, trên xe ô tô của NSUT Trần Nhượng luôn sẵn nước hoa nam và những bộ đồ đẹp. |
– Có thông tin tiết lộ ông sẽ dựng vở… “Làm đĩ” của tác giả Chu Thơm?
– Đây mới chỉ là dự án, bởi vở kịch đó tác giả Chu Thơm viết cho đoàn kịch chị Hồng Vân và tựa để vở kịch vẫn phải cân nhắc lại. Chúng tôi sẽ phải ngồi với nhau để bàn bạc và đi tới thống nhất chứ hiện tại tôi chưa nói gì cụ thể về điều này. Dĩ nhiên, tôi có dự kiến kết hợp với anh chị em nghệ sĩ miền Nam cho ra mắt đoàn nghệ thuật Sao Việt, không có biên chế, kêu gọi các nghệ sĩ tham gia, xây dựng những vở diễn ăn khách. Chỉ chọn các ngôi sao đang “hot” tham gia.
– Có thể hiểu cụ thể hơn là ông sẽ chạy theo xu hướng chung của thị trường, mời các siêu mẫu, hoa hậu tham gia bất luận họ có khả năng diễn xuất hay không?
– Tôi nghĩ đây cũng là cách đầu tư cho những dự án có nguồn thu, xây dựng những vở kịch đáp ứng thị hiếu khán giả với lời mời các siêu mẫu, diễn viên điện ảnh, hoa hậu tham gia. Nhưng dĩ nhiên là tùy với khả năng diễn xuất của từng người để mời nhiều hay mời ít, giao cho vai diễn nặng ký hay không (cười).
– Và ông sẽ cho phát hành những tác phẩm sân khấu với các ngôi sao giải trí đang “hot” trên thị trường qua các bản DVD hay VCD?
– Ồ, đó cũng chính là một tham vọng của tôi. Tôi muốn thành lập một hãng phim sân khấu. Hãng phim này nằm trong trung tâm, quay về sân khấu, thay vào việc khán giả xem trực tiếp trên sân khấu thì mình sẽ ghi hình như một bộ phim rồi phát hành DVD.
Bên cạnh đó, hãng phim sân khấu này có thể “ăn sẵn” những tác phẩm nổi bật, ăn khách của các nhà hát, những tác phẩm sân khấu kinh điển hay làm những tác phẩm khoa giáo, làm tài liệu minh họa, theo đơn đặt hàng cho các nhà trường. Sáng tác kịch bản, kêu gọi đầu tư, mời các đạo diễn và diễn viên “ăn khách” tham gia diễn xuất, làm theo kiểu sản xuất chương trình để bán ra thị trường.
– Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Ý kiến ()