Nông thôn mới trên quê hương Xứ Lạng
LSO-Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Lạng Sơn được đánh giá là một trong những tỉnh có xuất phát điểm thấp với những khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới. Thế nhưng, hơn 5 năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh, nông thôn miền núi Xứ Lạng đã có sự chuyển biến rõ nét, đời sống của người dân được nâng lên.
Nhân dân huyện Lộc Bình chung sức bê tông hóa giao thông nông thôn |
Nói về chương trình nông thôn mới, ông Vũ Văn A, Trưởng thôn Đồn Vang (xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng) ví von: chương trình thực sự là một cuộc cách mạng lớn, tác động sâu sắc và làm chuyển biến căn bản nhận thức của nhân dân trong phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Nếu như trước kia là tâm lý trông chờ nhà nước đầu tư, thì nay người dân chủ động đóng góp sức người, sức của, đoàn kết chung tay củng cố hạ tầng nông thôn. Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, hơn 200 hộ gia đình thôn Đồn Vang đã đóng góp gần 3 tỷ đồng, xây dựng 3 cây cầu qua suối, bê tông hóa cơ bản các tuyến đường nội thôn và xây dựng nhà văn hóa khang trang, đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong phát triển sản xuất, xu hướng hợp tác đã dần thay thế sản xuất nông hộ nhỏ lẻ. Các hợp tác xã, tổ hợp tác đã chủ động tìm tòi, học hỏi, xây dựng các mô hình sản xuất mới. Đồng thời giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng có sự chủ động hợp tác với nhau, bổ khuyết cho nhau.
Điển hình như sự liên kết của một số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, hình thành Liên hiệp hợp tác xã đầu tiên của Lạng Sơn. Hay sự kết hợp giữa hợp tác xã An Sơn (thành phố Lạng Sơn) và hợp tác xã Hợp Thịnh (Cao Lộc) tạo nên vùng nguyên liệu cây dược liệu trồng dưới tán rừng, đủ năng lực đáp ứng các hợp đồng kinh tế với quy mô 12 vạn gốc cà gai leo.
Các mối liên kết này là tiền đề để đổi mới hình thức tổ chức sản xuất một cách hiệu quả. Mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất và đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh (tháng 3/2016), đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: thành công lớn nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân; cơ sở hạ tầng nông thôn không ngừng được cải thiện, hình thức tổ chức sản xuất từng bước đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên.
Từ năm 2011 đến tháng 9/2016, nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã huy động được trên 1.500 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhân dân cũng đã hiến gần 2 triệu mét vuông đất; xấp xỉ 3 triệu ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.
Cũng trong khoảng thời gian này, toàn tỉnh đã triển khai được trên 160 mô hình sản xuất, trong đó hướng mạnh đến các loại cây, con chủ lực của tỉnh, có sức cạnh tranh cao. Từ mô hình trồng rau an toàn, cây ăn quả đến chủ động con giống trong chăn nuôi, phát triển đàn trâu, bò…
Đồng thời một số huyện như Cao Lộc, Bình Gia và thành phố Lạng Sơn cùng với các ngành đã nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai các dự án tổng thể phát triển sản xuất. Đây được coi là các dự án điểm, sản xuất tập trung gắn liền với thị trường tiêu thụ dựa trên mối liên kết chặt chẽ “4 nhà”. Phát triển sản xuất hiệu quả đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, từ năm 2011 đến đầu năm 2016, tỷ lệ nghèo giảm từ 24,06% xuống còn 11% (tiêu chí cũ).
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành cuộc vận động lớn trong toàn xã hội. Nếu như trước đây còn những ý kiến hồ nghi về tính thực tiễn của chương trình, thì giờ đây nông thôn mới là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân và tham gia đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong và ngoài địa bàn.
Khó khăn như huyện Đình Lập, Ban chỉ đạo huyện cũng đã mạnh dạn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Đình Lập trở thành huyện nông thôn mới. Những huyện khá hơn đưa ra quyết tâm vượt kế hoạch, như huyện Chi Lăng, năm 2016 phấn đấu thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gấp đôi con số mà Ban chỉ đạo tỉnh đã xác định.
Từ tỉnh khó khăn, đến đầu năm 2016, Lạng Sơn đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 7,4 tiêu chí, tăng 4,83 tiêu chí so với năm 2011. Năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu ở mức rất cao, xây dựng thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và chọn 5 xã đặc biệt khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến trình nông thôn mới ở các xã này.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Theo tổng hợp, hiện nay trong số 13 xã phấn đấu đạt chuẩn, có 3 xã đang tiến hành thẩm định các tiêu chí đã đạt; 3 xã đang xây dựng kế hoạch thẩm định; các xã còn lại khó khăn hơn, nhưng cũng đã có kế hoạch, lộ trình cụ thể để hoàn thành một số tiêu chí chưa đạt, thể hiện quyết tâm cao nhất hoàn thành kế hoạch đề ra. Tính đến tháng 9/2016, bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đã đạt 7,55 tiêu chí.
Mỗi tiêu chí nông thôn mới tăng thêm là cả sự quyết tâm của hệ thống chính trị; thấm đẫm mồ hôi, công sức của mỗi người dân Xứ Lạng; sự đóng góp, ủng hộ to lớn của các tổ chức, cá nhân. Hơn 5 năm qua, nông thôn mới đã thổi bừng khát vọng vươn lên của vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc; là động lực thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ trên quê hương Xứ Lạng.
VŨ LÊ MINH
Ý kiến ()