Nông thôn Hậu Giang "khát" nước sạch
Niềm vui của người dân khi được sử dụng nước sạch. Hậu Giang có nguồn nước mặt khá dồi dào, được sử dụng để phục vụ sản xuất nông - công nghiệp và sinh hoạt. Qua nhiều năm sử dụng, nguồn nước này ngày càng bị ô nhiễm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân... Mặc dù các cấp, các ngành đã rất quan tâm đầu tư, nhưng lượng nước sạch được cung cấp cho vùng nông thôn vẫn còn hạn chế.Đầu tư lớn, hiệu quả thấpĐối với vùng nông thôn, nơi chưa được đầu tư xây dựng trạm cấp nước, nhu cầu sử dụng nước sạch trở nên bức xúc, vì nguồn nước mặt và nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm. Anh Lê Văn Linh, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ cho biết, từ trước tới nay, gia đình anh chỉ lấy nước sông lên lóng phèn rồi dùng. Bây giờ thấy nguồn nước ô nhiễm quá, nên "bấm bụng" bỏ tiền ra thuê làm giếng khoan để có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt. Tuy nguồn nước ngầm chưa thật sự bảo đảm về sức khỏe, nhưng...
Niềm vui của người dân khi được sử dụng nước sạch. |
Hậu Giang có nguồn nước mặt khá dồi dào, được sử dụng để phục vụ sản xuất nông – công nghiệp và sinh hoạt. Qua nhiều năm sử dụng, nguồn nước này ngày càng bị ô nhiễm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân… Mặc dù các cấp, các ngành đã rất quan tâm đầu tư, nhưng lượng nước sạch được cung cấp cho vùng nông thôn vẫn còn hạn chế.
Đầu tư lớn, hiệu quả thấp
Đối với vùng nông thôn, nơi chưa được đầu tư xây dựng trạm cấp nước, nhu cầu sử dụng nước sạch trở nên bức xúc, vì nguồn nước mặt và nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm. Anh Lê Văn Linh, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ cho biết, từ trước tới nay, gia đình anh chỉ lấy nước sông lên lóng phèn rồi dùng. Bây giờ thấy nguồn nước ô nhiễm quá, nên “bấm bụng” bỏ tiền ra thuê làm giếng khoan để có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt. Tuy nguồn nước ngầm chưa thật sự bảo đảm về sức khỏe, nhưng vì nơi đây chưa có nguồn nước nào sạch hơn nên trước mắt vẫn dùng nguồn nước này. Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thi, cũng ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng vì muốn có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng, nên ông đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Long Mỹ, bốn triệu đồng về khoan giếng.
Nhu cầu sử dụng nước sạch ở nông thôn Hậu Giang còn khá lớn, nhưng vì điều kiện khó khăn, người dân phải chấp nhận dùng nước sông, khá hơn thì dùng nước giếng khoan, hoặc mua các dụng cụ như lu, khạp để chứa nước mưa. Trong khi đó, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS & VSMTNT) Hậu Giang có vai trò cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống các trạm cấp nước, nhưng cũng chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế. Hiện, Trung tâm đang quản lý 347 trạm cấp nước. Trong đó, 16 trạm cấp nước tập trung có công suất từ 10 đến 125 m3/giờ, hoạt động hiệu quả, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn, còn lại 331 trạm cấp nước mi-ni có công suất từ 4 đến 6 m3/giờ chưa phát huy hết hiệu quả.
Theo TTNS&VSMTNT Hậu Giang, hầu hết các trạm cấp nước mi-ni được đầu tư xây dựng từ năm 1999 đến 2005 (từ nguồn vốn UNICEP), đến nay đã xuống cấp. Từ các công trình xây dựng đến các hạng mục, như: bể chứa, thiết bị lọc nước không còn đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, do trước đây, công nghệ xử lý còn lạc hậu, chất lượng nước không được quan tâm đúng mức cho nên khả năng cung cấp nước ngày một giảm. Thực tế là, nhiều trạm cấp nước mi-ni đã ngừng hoạt động (76 trạm ngừng hoạt động) hoặc hoạt động cầm chừng do không có kinh phí sửa chữa. Nguyên nhân là, các trạm cấp nước mi-ni đều giao khoán cho người dân hiến đất (để xây dựng trạm trước đây) quản lý, vận hành, nhưng tiền thù lao chỉ có 100 nghìn đồng/tháng/nhân viên, nên họ gần như bỏ, dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng. Trong khi đó, kinh phí duy tu, sửa chữa chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến nhiều người dân chưa mặn mà tham gia đăng ký sử dụng. Từ thực tế đó, chưa có tuyến trạm cấp nước nào đạt 100% số người dân đăng ký sử dụng, nhiều trạm chỉ hoạt động khoảng 50% công suất…
Đẩy mạnh xã hội hóa việc cấp nước
Theo quy hoạch về cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh Hậu Giang đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020, tỉnh sẽ đầu tư qua hai giai đoạn: Giai đoạn 2011-2015 sẽ xây mới 30 trạm cấp nước có công suất lớn hơn 30 m3/h, nâng cấp, mở rộng 17 trạm, cải tạo, phát triển 35 hệ thống tuyến ống dẫn nước, hỗ trợ hơn 1.000 bộ lọc nước và lu chứa nước… Tổng mức đầu tư hơn 380 tỷ đồng (gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và huy động nhiều nguồn từ các thành phần kinh tế khác). Giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 423 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế là 70%, trong đó có hơn 45% số hộ nông thôn được sử dụng nước máy. Đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100% số hộ nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế, trong đó số hộ sử dụng nước máy đạt hơn 70%.
Tuy nhiên, theo Giám đốc TTNS&VSMTNT Hậu Giang Ngô Minh Hùng: Với nguồn vốn hằng năm đầu tư cho nước sạch nông thôn như hiện nay (ngân sách địa phương khoảng hơn 2 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 tỷ đồng) thì còn rất nhiều người dân “dài cổ” chờ nước sạch sử dụng và chưa chắc đạt được mục tiêu đã đề ra, nếu không đẩy mạnh việc xã hội hóa trong đầu tư cung cấp nước sạch nông thôn. Thời gian qua, tuy đã có những văn bản pháp quy của Nhà nước về vấn đề này, nhưng chưa được địa phương triển khai đồng bộ, nên nhiều tổ chức, cá nhân chưa thấy được lợi ích của những chính sách ưu đãi trong việc thực hiện xã hội hóa nước sạch nông thôn.
Để nâng cao hiệu quả việc cấp nước sạch nông thôn, tỉnh cần sớm ban hành những văn bản pháp lý dựa trên cơ sở cụ thể hóa các văn bản pháp quy của Nhà nước đã có. Cụ thể là Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 2-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, để kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư theo quy hoạch chung về cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh. Có như vậy, việc đưa nước sạch về nông thôn sẽ nhanh chóng và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()