Nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực tìm đường 'thoát hiểm'
Bên cạnh các sản phẩm gạo và thủy sản vẫn đang khẳng định vị thế trước biến động dịch COVID-19, các doanh nghiệp ĐBSCL tiếp tục nỗ lực đưa mặt hàng trái cây vươn ra thị trường thế giới.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, các chuyến bay quốc tế được kiểm soát chặt chẽ và hạn chế sự đi lại của người dân, các cơ quan khiến hoạt động giao thương tại các quốc gia tạm ngừng.
Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra hàng hóa trước khi xuất khẩu đi các thị trường, điển hình nhất hiện nay là các mặt hàng trái cây đi các thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, chia sẻ ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến sản lượng xuất khẩu trái cây của công ty giảm từ 20-30% so thời điểm trước dịch bệnh, chỉ đạt từ 100-150 tấn/tuần.
Sang tháng 8/2020, tình hình xuất khẩu càng khó khăn hơn. Từ ngày 7-21/8, do thiếu nhân viên kiểm dịch, Công ty T&T không thể xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ.
Để giải quyết hàng tồn kho, T&T đã phải chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường đệm như Australia, Canada, mặc dù T&T đã đáp ứng đủ các đơn đặt hàng của các thị trường này.
Do đó, T&T phải chấp nhận giảm giá để có thể tăng sản lượng tiêu thụ, giải quyết được nguồn hàng tồn kho, tránh tình trạng giảm chất lượng hàng hóa, dẫn đến giảm giá trị, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Đồng cảnh ngộ ách tắc hàng hóa do thiếu thiết bị chiếu xạ, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, Chánh Thu xuất khẩu chủ yếu là sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài… sang Hoa Kỳ.
Sản lượng xuất khẩu bình quân mỗi tuần khoảng 200 tấn; trong đó, khoảng 70 tấn là sầu riêng, 30-70 tấn nhãn, xoài, còn lại là các loại trái cây khác.
Tại thời điểm không thể xuất khẩu trái cây sang Hoa Kỳ do vấn đề chiếu xạ, các loại trái cây như nhãn, xoài đã gặp khó trong việc tiêu thụ.
Lượng hàng không thể xuất được của công ty ước khoảng 150 tấn, đã phải hạ giá bán, thậm chí bán lỗ để tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay, việc chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ do một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận.
Điều này gây ra nhiều bất cập. Các mặt hàng trái cây ở miền Bắc như nhãn, xoài muốn xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải vận chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh để chiếu xạ.
Như vậy, doanh nghiệp tốn thêm chi phí vận chuyển, bảo quản, lưu kho… ảnh hưởng tới tính cạnh tranh sản phẩm.
Ngoài ra, việc có duy nhất một nhà máy chiếu xạ hoạt động chưa tạo được sự cạnh tranh về giá.
Trong khi đó, ở các quốc gia khác như Thái Lan, có từ 3-4 nhà máy nên giá chiếu xạ rất cạnh tranh. Ngoài Hoa Kỳ, một số thị trường khác như Australia, New Zealand cũng yêu cầu chiếu xạ trước khi xuất khẩu.
Do đó, việc thiếu nhà máy chiếu xạ sản phẩm trái cây phục vụ cho xuất khẩu hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh đã trở thành nguyên nhân gây ách tắc hàng hóa, mặc dù nhu cầu của thị trường nhập khẩu vẫn tăng, nguồn cung hàng hóa sạch trong nước vẫn dồi dào.
Do đó, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trái cây xuất khẩu Việt Nam đã kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân nhắc nhu cầu thị trường, mở thêm các nhà máy chiếu xạ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lưu thông hàng hóa, khi nhu cầu thị trường vẫn tăng cao dù trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đang có kế hoạch mở rộng dịch vụ áp dụng chiếu xạ thực phẩm bởi công nghệ này giúp giảm tổn thất thực phẩm do hư hỏng và tạo thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây phải đưa thực phẩm đến cơ sở chiếu xạ nhưng trong tương lai, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cố gắng để có thể đưa thiết bị chiếu xạ thực phẩm trở thành một phần trong quá trình vận hành thông thường.
Ông Carl Blackburn, chuyên gia chiếu xạ thực phẩm thuộc Chương trình Phối hợp FAO/IAEA về các kỹ thuật hạt nhân trong thực phẩm và nông nghiệp, cho biết thiết bị chiếu xạ di động sử dụng chùm tia điện tử như vậy có kích thước bằng một chiếc ôtô nhỏ và đang được thử nghiệm để chiếu xạ gia vị ở một số quốc gia.
Trong khi khó khăn về thiết bị chiếu xạ đang có hướng giải quyết thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tập trung các giải pháp đưa các mặt hàng nông vươn ra nhiều thị trường lớn.
Thủy sản, cây ăn quả và cây lúa là 3 mặt hàng chủ lực được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào quy hoạch là sản phẩm chủ lực phát triển vùng.
Ngay từ năm 2016, trước diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn được các chuyên gia biến đổi khí hậu đánh giá là khốc liệt nhất trong lịch sử 100 năm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các địa phương nơi đây phải có quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất, phù hợp với diễn biến biến đổi khí hậu toàn cầu, lượng mưa thay đổi bất thường trong thời điểm từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Chính vì điều này, 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã liên kết thực hiện quy hoạch sản xuất nông sản sao cho hiệu quả và phù hợp với điều kiện khí hậu, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thế giới khó tính, đưa nhu cầu tiêu dùng trong nước cao hơn so với trước đây.
Cho đến nay, các sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ như trái cây, lúa gạo… đã được sản xuất ngày càng nhiều hơn. Cụ thể, gạo Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới hiện nay chạm mức cao nhất trong 9 năm qua.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), nhận xét dịch bệnh COVID-19 không gây cản trở đối với xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Cũng chính dịch bệnh xảy ra và vẫn còn trong tình trạng ứng phó, khống chế tại các quốc gia, nên nhu cầu dự trữ lương thực, nông sản của người tiêu dùng thế giới ngày càng cao.
Thêm vào đó, gạo Việt Nam được đầu tư, nghiên cứu sản xuất ngày càng ngon hơn, thơm hơn nên được ưu tiên lựa chọn trong thời gian qua.
Gạo Việt Nam không còn là nơi cung cấp gạo giá rẻ mà có đủ khả năng cung ứng chủng loại gạo cao cấp cho nhiều thị trường, kể cả các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Hàn Quốc, châu Âu…
Không riêng sản phẩm gạo, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực đưa mặt hàng trái cây vươn ra thị trường thế giới, các sản phẩm thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang khẳng định vị thế trước biến động dịch bệnh toàn cầu.
Như vậy, có thể thấy, dù khó khăn, nhưng các sản phẩm nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên cả chất lượng và giá trị./.
Ý kiến ()