“Nóng” ở Tú Mịch
LSO-Liên tục trong một tuần (từ ngày 8/4 đến 14/4/2018), hơn 100 lượt hộ dân thôn Bản Luồng, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình tập trung túc trực ngày, đêm tại khu vực đồi thông Khuổi Lầy thuộc thôn để phản đối Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình (Công ty Lâm nghiệp) khai thác gỗ. Đáng chú ý, trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn thôn liên tục xảy ra tình trạng người dân ngăn cản, phá bỏ rừng trồng và khai thác trộm nhựa thông tại khu đất lâm nghiệp thuộc thôn Bản Luồng do doanh nghiệp này quản lý.
Buổi đối thoại giữa UBND xã Tú Mịch, Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình |
Từ năm 2012 trở lại đây, tại thôn Bản Luồng xảy ra 8 vụ người dân khai thác trộm nhựa thông, lấn chiếm đất lâm trường, chặt phá cây thông non, cây trồng mới và ngăn cản doanh nghiệp trồng rừng mới trên diện tích đất do doanh nghiệp quản lý. Một số vụ điển hình như: năm 2012, người dân chặt phá 15 ha thông mã vĩ được trồng từ năm 2004; trong năm 2016 và 2017 liên tục xảy ra 5 vụ như: một nhóm hộ dân tổ chức đe dọa đội lâm nghiệp Bản Luồng, đập phá trụ sở làm việc, phá nhổ rừng trồng, khai thác nhựa thông trái phép, đập phá túi nhựa thông do doanh nghiệp khai thác trên diện tích đất của công ty được giao quản lý. Tổng diện tích rừng trồng bị thiệt hại gần 100 ha.
Mới nhất từ ngày 8/4 đến ngày 14/4/2018, người dân trong thôn đã ngăn cản doanh nghiệp khai thác gỗ thông và đòi doanh nghiệp trả lại đất cho thôn để người dân chia nhau quản lý, khai thác nhựa thông. Việc ngăn cản doanh nghiệp khai thác gỗ trong 1 tuần qua xuất phát từ đầu năm 2018, bà con tiếp tục đề nghị doanh nghiệp mở rộng diện tích giao khoán để bà con quản lý, trồng rừng và khai thác nhựa. Nguyện vọng của người dân chưa được giải quyết thì vào đầu tháng 4/2018, công ty tổ chức khai thác gỗ trên diện tích khoảng 50 ha tại khu vực đồi Khuổi Lầy để chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Nắm được thông tin, hàng chục lượt hộ dân của thôn bức xúc và tổ chức túc trực suốt ngày, đêm từ ngày 8/4 đến ngày 14/4/2018 tại khu vực khai thác để ngăn cản việc vận chuyển gỗ ra khỏi khu vực và đòi quyền lợi từ diện tích đất rừng của công ty đang quản lý.
Được biết, tại xã Tú Mịch, diện tích đất lâm nghiệp có rừng thông do Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình quản lý khoảng 300 ha, tập trung tại thôn Bản Luồng.
Để xảy ra tình trạng trên là do người dân thôn Bản Luồng đã nhiều lần đề nghị công ty nhượng lại một phần đất để thôn xây dựng công trình phúc lợi xã hội như: sân chơi thể thao, nhà văn hóa thôn. Đồng thời, người dân cũng đề nghị doanh nghiệp mở rộng diện tích giao khoán đất lâm trường cho bà con để người dân trồng rừng tạo sinh kế nhưng chưa được đáp ứng theo nguyện vọng.
Vậy, giải pháp nào để giải quyết có hiệu quả tình trạng ngăn cản doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên đất lâm nghiệp tại Bản Luồng kéo dài trong nhiều năm qua?
Qua thực tế tìm hiểu từ UBND xã Tú Mịch, từ năm 2009 trở lại đây, nguồn lợi kinh tế từ rừng thông mang lại cho người dân trong xã rất lớn. Xã Tú Mịch có khoảng 800 hộ dân, riêng nguồn thu từ nhựa thông đạt bình quân khoảng 20 triệu đồng/hộ/năm. Việc ngăn cản doanh nghiệp xuất phát từ lợi ích kinh tế, do đó doanh nghiệp sử dụng biện pháp kinh tế để giải quyết tranh chấp là hợp lý nhất.
Ông Lành Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tú Mịch cho biết: Trong phạm vi thẩm quyền của xã, những kiến nghị của người dân xã đã ghi nhận và tiếp tục kiến nghị lên cấp trên, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền người dân chấp hành quy định của pháp luật về đất đai. Còn về giải pháp, Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình cần rà soát lại toàn bộ quỹ đất và căn cứ vào quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, doanh nghiệp cần cơ cấu lại sản xuất theo hướng liên kết với bà con cùng trồng, quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng và chia lợi nhuận cho bà con nguồn thu từ rừng. Đây là giải pháp tối ưu nhất để giải quyết triệt để tình trạng người dân ngăn cản doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn.
Ông Hoàng Ngọc Văn, Phó Trưởng thôn Bản Luồng cho biết: Thực tế trước đây, tại xã Tú Mịch có hai đội sản xuất, một đội ở thôn Bản Giểng và một đội ở thôn Bản Luồng. Những năm 2000, đội sản xuất Bản Giểng giải thể và diện tích đất của lâm trường tại thôn giao lại cho dân Bản Giểng quản lý, khai thác trong khi đó, thôn Bản Luồng không được doanh nghiệp giao đất. Do đó, để chấm dứt tình trạng người dân ngăn cản doanh nghiệp hoạt động sản xuất trên đất lâm trường, doanh nghiệp cần liên kết giao khoán cho dân quản lý, chỉ để lại một phần diện tích làm vườn giống.
Thực tế theo dõi, những năm trước đây, hiện tượng người dân ngăn cản, lấn chiếm đất của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã tìm được giải pháp để giải quyết. Ví dụ như: Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc, huyện Hữu Lũng đã giao khoán toàn bộ diện tích cho người dân, hay Công ty Lâm nghiệp Đình Lập cũng triển khai theo hướng này.
Do vậy, để giải quyết triệt để tình trạng người dân ngăn cản, lấn chiếm đất lâm nghiệp của Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình không chỉ tại thôn Bản Luồng mà còn ở địa bàn một số xã khác như: Nam Quan, Đông Quan, Tam Gia, Lợi Bác, doanh nghiệp cần tính toán theo hướng liên kết với dân. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư cây con giống, kỹ thuật, đất đai; bà con bỏ công lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ bằng các hợp đồng cụ thể với tỷ lệ hưởng lợi nhuận rõ ràng phù hợp, đôi bên cùng có lợi.
Trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các hộ dân được UBND xã Tú Mịch tổ chức vào giữa tháng 4/2018, ông Ngô Văn Thắng, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình khẳng định: Doanh nghiệp đang xin ý kiến của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, nếu được tổng công ty chấp thuận phương án giao khoán toàn bộ diện tích hơn 200 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn cho bà con quản lý theo hướng liên kết cùng hưởng lợi thì Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình sẽ tổ chức ký hợp đồng ngay với bà con để làm căn cứ thực hiện.
TRANG NINH
Ý kiến ()