LSO-Năm 2012, tổng sản lượng lương thực của Lạng Sơn lần đầu tiên vượt qua con số 300 nghìn tấn, dự ước tăng trưởng cả năm của toàn ngành nông nghiệp đạt 4,45%, vượt khá xa với mục tiêu đề ra. Nông dân xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình thu mùa, làm đôngCòn nhớ cách đây 2 năm, khi trao đổi về việc đưa ngô xuống ruộng hạn và chuyển dịch cơ cấu giống lúa, bố trí lại mùa vụ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nông Ngọc Tăng khẳng định: Lạng Sơn muốn đạt ổn định trên 300 nghìn tấn lương thực/năm thì chỉ cần áp dụng triệt để những biện pháp đó. Thời điểm đó, tổng sản lượng lương thực hàng năm của Lạng Sơn vẫn chỉ ngấp nghé ở mức 270-280 nghìn tấn/năm. Đến năm 2011, nhà nông chịu tổn thất khá nặng nề khi mà trong vụ mùa do chậm chuyển dịch cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ, toàn tỉnh đã mất hơn 37.000 tấn lương thực bởi hạn và rét cuối vụ. Đây có thể coi là một ví dụ điển hình, minh chứng cho sự thiếu ổn định của tập quán canh tác...
LSO-Năm 2012, tổng sản lượng lương thực của Lạng Sơn lần đầu tiên vượt qua con số 300 nghìn tấn, dự ước tăng trưởng cả năm của toàn ngành nông nghiệp đạt 4,45%, vượt khá xa với mục tiêu đề ra.
Nông dân xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình thu mùa, làm đông
Còn nhớ cách đây 2 năm, khi trao đổi về việc đưa ngô xuống ruộng hạn và chuyển dịch cơ cấu giống lúa, bố trí lại mùa vụ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nông Ngọc Tăng khẳng định: Lạng Sơn muốn đạt ổn định trên 300 nghìn tấn lương thực/năm thì chỉ cần áp dụng triệt để những biện pháp đó. Thời điểm đó, tổng sản lượng lương thực hàng năm của Lạng Sơn vẫn chỉ ngấp nghé ở mức 270-280 nghìn tấn/năm. Đến năm 2011, nhà nông chịu tổn thất khá nặng nề khi mà trong vụ mùa do chậm chuyển dịch cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ, toàn tỉnh đã mất hơn 37.000 tấn lương thực bởi hạn và rét cuối vụ. Đây có thể coi là một ví dụ điển hình, minh chứng cho sự thiếu ổn định của tập quán canh tác lạc hậu, sự bấp bênh của giống cũ với mùa vụ kéo dài. Sau tổn thất này, ngay từ khi chuẩn bị cho sản xuất đông xuân 2012, triển khai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành NN&PTNT cùng với các địa phương trong toàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động huy động sức dân đồng loạt ra quân đầu xuân làm giao thông, thủy lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất.
Với sự tích cực và chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, người nông dân đã tăng diện tích các loại cây vụ đông, ngay cả những vùng khó khăn về thủy lợi như Đình Lập, Bình Gia, Văn Lãng…cũng đẩy mạnh sản xuất vụ 3. Kết quả toàn tỉnh đã trồng được gần 2.000 ha khoai tây đông và trên 3.000 ha rau xanh các loại. Thời điểm này, để chuẩn bị cho vụ xuân, Trung tâm Khuyến nông đã chỉ đạo các trạm khuyến nông tăng cường hướng dẫn, vận động người dân áp dụng phương pháp gieo thẳng bằng giàn kéo tay vào sản xuất. Nhiều huyện cũng đã trích kinh phí sự nghiệp nông nghiệp trang bị giàn kéo tay cho các xã, trước vụ xuân 2012, toàn tỉnh đã có gần 300 chiếc. Mặt khác với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn, trong đó đặc biệt là dịch vụ cung ứng giống, người nông dân đã có nhiều sự lựa chọn các loại giống phù hợp. Kết quả, trong vụ xuân, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 16.000 ha, trong đó trên 1.000 ha sử dụng biện pháp gieo thẳng bằng giàn kéo. Ngô xuân tiếp tục được mở rộng phát triển xuống các chân ruộng 1 vụ chờ nước với diện tích hơn 17.000 ha. Các loại cây trồng mũi nhọn khác như thuốc lá, thạch đen và đậu đỗ các loại vẫn được duy trì tương đối ổn định. Trong điều kiện thời tiết có diễn biến thuận lợi, những nỗ lực của nhà nông đã được đền đáp khi mà tất các các loại cây trồng vụ đông xuân đều cho năng suất cao hơn hẳn năm trước. Trong đó, tổng sản lượng lương thực có hạt trong vụ này đã vượt con số 178 nghìn tấn.
Thắng lợi quan trọng của sản xuất đông xuân đã tạo đà tâm lý thuận lợi cho nhà nông bước vào vụ mùa. Trong vụ mùa vừa qua, cây trồng chính vẫn là ngô, lúa, nhưng điểm nhấn khác biệt so với các vụ khác là khung thời vụ đã được đẩy nhanh hơn so với mọi năm khoảng nửa tháng. Thêm vào đó là việc đẩy mạnh sử dụng các loại giống lúa thuần chất lượng cao và lúa lai vào sản xuất, khiến cho nguy cơ gặp hạn và rét cuối vụ giảm xuống đến mức thấp nhất. Ở nhiều vùng, năng suất vụ mùa đã được nâng lên rất cao, như ở Yên Thịnh, Hữu Lũng năng suất lúa mùa lên đến 63tạ/ha, thậm chí có những gia đình đạt tới 80 tạ/ha. Theo thống kê của ngành NN&PTNT, tổng diện tích gieo trồng cả năm 2012 của toàn tỉnh đạt 103.052 ha, vượt 2,1% kế hoạch. Căn cứ vào tình hình thực tế, tổng sản lượng lương thực ước đạt 304,2 nghìn tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Đây là dấu mốc quan trọng, lần đầu tiên Xứ Lạng vượt con số 300 nghìn tấn lương thực/năm.
Nhân dân xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình ươm giống cây trồng phục vụ trồng rừng vụ xuân
Sản xuất nông nghiệp năm 2012 đã bước vào giai đoạn cuối, sợi dây xuyên suốt trong thành công của sản xuất năm nay phải khẳng định sự nỗ lực không ngừng, tư duy đổi mới của người nông dân và sự vào cuộc đồng hành của cả hệ thống chính trị. Với thắng lợi của mình, dự ước tăng trưởng cả năm của ngành nông nghiệp đạt 4,45%, vượt khá cao so với chỉ tiêu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Điều quan trọng hơn là thắng lợi của sản xuất nông nghiệp đã tạo ra sự ổn định về kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, tạo đà thuận lợi để Lạng Sơn xây dựng nông thôn mới. Hiện nay nhà nông trong toàn tỉnh đang khẩn trương thu hoạch nốt diện tích lúa mùa và bắt tay vào củng cố cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Trên đà thắng lợi, Xứ Lạng đang vững tin vào một năm sản xuất mới, tiếp tục đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, ổn định và hiệu quả hơn.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()