Thứ 7, 23/11/2024 22:02 [(GMT +7)]
Nông nghiệp Xứ Lạng: Cuộc cách mạng từ chuyển dịch
Thứ 5, 29/09/2011 | 10:18:00 [(GMT +7)] A A
Và, nông nghiệp Xứ Lạng vẫn đang tiếp tục có những bước chuyển đột phá, mang đến sự sung túc cho mỗi gia đình nông dân, ấy cũng là cái gốc để xây dựng thành công nông thôn mới. Chào mừng 180 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn, những thành tựu ấy góp phần to lớn, khẳng định sức bật của nơi địa đầu trong thời kỳ đổi mới.
LSO-Có thể nói chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta trong những năm qua là một cuộc cách mạng, bởi hiếm có giai đoạn nào mà sự chuyển dịch lại diễn ra đồng loạt, với tốc độ nhanh đến thế. Đồng loạt thể hiện ở sự chuyển dịch của cơ cấu giống, thúc đẩy sự chuyển dịch của cơ cấu mùa vụ và kéo theo sự chuyển dịch của cơ cấu cây trồng. Quá trình ấy ghi dấu sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Vùng nguyên liệu chè với diện tích hơn 600 ha ở thị trấn Nông Trường Thái Bình , Đình Lập – Ảnh: Lê Minh |
Tôi còn nhớ câu chuyện của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Nông Ngọc Tăng kể về “hành trình” đưa cây ngô lai đến với người nông dân Xứ Lạng. Ngày ấy, cách đây cũng đến gần 20 năm, khi đó Lạng Sơn vẫn phải “đánh vật” với chỉ tiêu hơn 10 vạn tấn lương thực/năm. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhưng cũng phải mất đến non 15 năm, ngô lai mới đại trà trên đồng đất Lạng Sơn.
Trở lại câu chuyện của cây khoai tây, cách đây hơn 3 năm, lần đầu tiên trong vụ đông xuân, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, Sở Khoa học Công nghệ đưa ra giống khoai tây sạch bệnh và gần như ngay lập tức người nông dân hồ hởi đón nhận, để cho đến bây giờ trên các cánh đồng khoai tây truyền thống của Lộc Bình, Chi Lăng, khoai tây giống cũ đã và đang dần bị thay thế. Hay như vụ mùa cách đây 2 năm, Trung tâm khuyến nông tổ chức hội thảo về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ với sự dịch chuyển khung thời vụ gieo cấy lúa sớm hơn so với truyền thống để tránh rủi ro của thời tiết và tạo điều kiện để quay vòng đất nhanh hơn, đẩy nhanh tốc độ của chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Ngay trong vụ mùa đó, các địa phương như Bắc Sơn, Hữu Lũng đã đồng loạt triển khai mùa sớm với các loại giống lúa ngắn ngày cho năng suất, chất lượng cao hơn và thời điểm này, tại các địa phương đó diện tích mùa sớm đã lên đến 80%. Kết quả của sự chuyển dịch này là diện tích 3 vụ ngày càng tăng lên, vùng chuyên canh cây công nghiệp ngày càng được mở rộng và tạo điều kiện cho nông dân có thể thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất khác nhau như cà chua trái vụ, ớt xuất khẩu…Điểm qua những câu chuyện tưởng như vụn vặt ấy để thấy rằng, tư duy sản xuất của người nông dân Xứ Lạng đã có rất nhiều chuyển biến, hầu hết các tiến bộ kỹ thuật mới mà các cơ quan chuyên môn chuyển giao đều được người dân áp dụng một cách nhanh chóng.
Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông hào hứng: Chẳng còn chuyện đưa giống mới vào sản xuất phải mất tới 15 năm như ngày trước, giờ đây những kỹ thuật như gieo thẳng bằng giàn kéo, trồng lạc phủ nylon, các loại giống lúa tiến bộ, giống ngô lai mới năng suất cao, các loại cây công nghiệp có giá trị…đều được người dân tiếp nhận và nhanh chóng trở thành đại trà. Cũng vì thế mà giờ đây sản lượng lương thực của Lạng Sơn luôn ổn định ở mức trên 28 vạn tấn/năm. Trồng trọt bước đầu hình thành các vùng kinh tế như vùng thuốc lá ở Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng…; vùng thạch đen Tràng Định; vùng khoai tây Lộc Bình; vùng chè Đình Lập…
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Nông nghiệp Lạng Sơn đang có những bước chuyển dịch nhanh chóng và đúng hướng, sản xuất chuyển mạnh sang hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Nhiều mặt hàng nông sản của Lạng Sơn đã nổi tiếng không chỉ thị trường trong nước mà cả quốc tế như quýt Bắc Sơn, na dai Chi Lăng, đào Mẫu Sơn, hồng Bảo Lâm…
Trong lâm nghiệp, hình thành các vùng rừng kinh tế như vùng gỗ nguyên liệu ở Hữu Lũng; vùng hồi Văn Quan, Bình Gia, vùng thông Lộc Bình, Đình Lập…Với tổng diện tích rừng sản xuất lên đến trên 278 nghìn ha. Trong khi đó tỷ trọng ngành chăn nuôi có xu hướng tăng trong nội ngành nông nghiệp với sự khôi phục của nuôi trồng thủy sản, diện tích tăng lên 1.000ha mặt nước; gia súc, gia cầm phát triển theo các mô hình gia trại, trang trại với nhiều vật nuôi có giá trị như lợn rừng, hươu sao, nhím…
Nếu so sánh với các tỉnh miền xuôi, hẳn còn rất nhiều chênh lệch, nhưng đối với một tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm thấp như Lạng Sơn, thì sự chuyển dịch ấy là một thành tựu to lớn, ví như một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, và chặng đường ấy ghi dấu sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Vừa qua, UBND tỉnh đã công bố quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020, trong đó những định hướng, các giải pháp đã được đưa ra một cách cụ thể nhằm đẩy nhanh hơn nữa tốc độ của chuyển dịch trong nông nghiệp, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng của chuyển dịch.
Và, nông nghiệp Xứ Lạng vẫn đang tiếp tục có những bước chuyển đột phá, mang đến sự sung túc cho mỗi gia đình nông dân, ấy cũng là cái gốc để xây dựng thành công nông thôn mới. Chào mừng 180 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn, những thành tựu ấy góp phần to lớn, khẳng định sức bật của nơi địa đầu trong thời kỳ đổi mới.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()