Nông nghiệp Văn Quan: Sức bật mới sau một nhiệm kỳ
LSO - Văn Quan là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, sản xuất chưa phát triển, giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ huyện tiếp tục xác định kinh tế chủ lực vẫn là nông, lâm nghiệp. Trong đó đòn bẩy để thúc đẩy ngành kinh tế này phát triển chính là ứng dụng khoa học vào sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng và tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện.
Nhân dân xã Tú Xuyên kiên cố hóa kênh mương
TẬP TRUNG VÀO SẢN PHẨM CHỦ LỰC
Sản phẩm chủ lực của Văn Quan chính là cây hồi. Ngay từ cuối năm 2009, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp đến năm 2015. Trong đó, một mặt tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng rừng hồi, mặt khác đẩy mạnh phong trào trồng rừng kinh tế.
Đầu năm 2010, thực hiện chương trình hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, Văn Quan triển khai thí điểm dự án cải tạo rừng hồi năng suất thấp lên rừng hồi năng suất cao với diện tích 20 ha. Sau 3 năm triển khai thực hiện, năng suất hồi đã tăng 37%, chất lượng ổn định.
Ngay sau đó, thực hiện dự án mở rộng mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hổi tỉnh Lạng Sơn, trong đó, huyện Văn Quan có 10 xã thực hiện, thu hút 40 hộ tham gia. Sau 2 năm thực hiện năng suất tăng lên 17%.
Năm 2014, thực hiện dự án “Thúc đẩy ngành gia vị hồi nhằm xóa đói giảm nghèo tại cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn” do Tổ chức phát triển Hà Lan tài trợ, Huyện Văn Quan đã tổ chức triển khai thành lập 7 nhóm sở thích về trồng hồi tại 4 xã: Bình Phúc, Yên Phúc, Tân Đoàn và Tràng Phái. Qua đó, liên kết giữa người dân trồng, sản xuất và chế biến hồi với các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước giữ vai trò trung gian xúc tiến các nhiệm vụ trên. Trong vòng 5 năm, hàng loạt các dự án tập trung cho cây hồi đã nâng cao giá trị của sản phẩm đặc sản này. Ông Vi Thế Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong 5 năm qua, mỗi năm, nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích hồi từ 80-120ha. Đồng thời tập trung ứng dụng khoa học cho hơn 10.500 ha hồi đang trong độ tuổi thu hoạch. Qua đó nâng sản lượng hồi hàng năm lên 8.000-12.000 tấn; thu nhập từ hồi mỗi năm ước tính trên 100 tỷ đồng.
Mặt khác, những diện tích rừng tạp đã và đang được cải tạo, thay thế bằng thông, keo, bạch đàn với diện tích trồng mới 800ha/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra. Thúc đẩy cac ngành chế biến lâm sản, chế biến tinh dầu hồi phát triển, tạo ra hướng chuyển dịch mới trong cơ cấu lao động.
CHUYỂN DỊCH TRÊN ĐỒNG RUỘNG
Để thực hiện được nhiệm vụ này, trước tiên phải nâng cấp, củng cố hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Ông Đàm Văn Trường, Bí thư Huyện ủy cho biết: trong điều kiện các nguồn lực còn nhiều hạn chế, Văn Quan chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, từng bước hình thành và phát triển phong trào ra quân củng cố hạ tầng nông thôn.
Điều dễ nhận thấy là trong vòng 5 năm trở lại đây, Văn Quan luôn là huyện phát động phong trào ra quân đầu xuân sớm nhất trong toàn tỉnh. Các đợt ra quân đan xen trong năm và được sự hưởng ứng, ủng hộ của đông đảo nhân dân, cán bộ và bước đầu thu hút được sự ủng hộ của doanh nghiệp. Ước tính mỗi năm, nhân dân toàn huyện đóng góp hàng chục nghìn công lao động, kiên cố được trên 10 km kênh mương nội đồng, 15 km đường bê tông liên thôn.
Hạ tầng được củng cố đến đâu, cơ giới hóa, khoa học công nghệ và các mô hình sản xuất mới được đưa vào đến đó. Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: các mô hình mới có thể kể đến mô hình trồng dong riềng tại Tràng Phái, Xuân Mai; mô hình trồng nghệ vàng xuất khẩu tại Văn An, Vân Mộng, Việt Yên…Các mô hình này mang lại giá trị cao gấp 3,6-4 lần so với trồng ngô, lúa.
Đối với cây lương thực, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và từng bước đổi mới phương thức sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn. Giai đoạn 2010-2015, sản lượng lương thực của toàn huyện đã tăng từ 25.000 tấn/năm lên 27.000 tấn/năm; bình quân lương thực đầu người tăng từ 470kg lên 502 kg.
Sự phát triển của kinh tế nông lâm nghiệp đã tác động lớn đến đời sống xã hội. Bình quân mỗi năm Văn Quan có 500 hộ thoát nghèo bền vững. Từ con số trên 50% đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Văn Quan đã giảm xuống còn 31,8%.
Bí thư Huyện ủy Đàm Văn Trường khẳng định: Giai đoạn 2015-2020, Văn Quan vẫn tiếp tục xác định vai trò quan trọng của kinh tế nông lâm nghiệp. Trong đó, huyện sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng tập trung, hàng hóa gắn liền với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ. Đó sẽ là những hướng đi chủ lực tạo động lực cho kinh tế nông lâm nghiệp phát triển nhanh, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()