Nông nghiệp Tràng Định: Chuyển biến sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7
LSO- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế – xã hội huyện Tràng Định có chuyển biến tích cực. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Cụ thể hóa nghị quyết, UBND huyện xây dựng kế hoạch, quy hoạch định hướng phát triển những cây trồng chủ lực; áp dụng giống mới vào sản xuất; đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: lê, quýt, thạch đen, quế, hồi,… Qua đó, các giống lúa, ngô lai đến nay được áp dụng vào sản xuất đạt gần 100% (năm 2008 đạt 75%). Các cây trồng có giá trị kinh tế ngày càng được mở rộng và hình thành vùng chuyên canh như: cây thạch đen từ 450 ha lên 1.411 ha; cây quýt từ 80 ha lên hơn 600 ha; cây quế tăng từ 350 ha lên hơn 4.000 ha, bên cạnh đó người dân trên địa bàn đã và đang phát triển cây chanh leo với diện tích khoảng 20 ha, sản lượng bình quân 50 tấn/ha/năm, giá bán trung bình từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Cùng với việc phát triển và hình thành vùng chuyên canh, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, được quan tâm, đầu tư. Đến nay toàn huyện có 15 máy gặt đập liên hợp, 2.915 máy cày tay các loại, trên 3.500 máy tuốt lúa gắn động cơ, tỷ lệ làm đất bằng cơ giới hóa đạt trên 90% đã giúp người dân gieo cấy kịp thời vụ, giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Qua đó, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng từ 30.336,5 tấn năm 2008 lên 37.964,1 tấn năm 2017.
Phát triển chanh leo tại xã Chi Lăng cho hiệu quả kinh tế cao
Trong chăn nuôi, hết năm 2017, trên địa bàn huyện có gần 11 nghìn con trâu bò, trên 30 nghìn con lợn, 430 nghìn con gia cầm. Đặc biệt, năm 2015, huyện thu hút được doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò lai theo hướng công nghiệp với quy mô trang trại là 500 con bò thịt. Qua đó, tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với mô hình bán chăn thả.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng được chú trọng, hằng năm trồng mới từ 1.200 ha đến 1.500 ha rừng, chủ yếu là bạch đàn, keo, lát và có khoảng trên 3.500 ha hồi. Qua đó, nâng độ che phủ rừng từ 52% (năm 2008) lên 63,6% (năm 2017). Đặc biệt, để phát triển kinh tế rừng, ngoài quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, việc phát triển cơ sở chế biến gỗ được quan tâm, hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 cơ sở chế biến gỗ, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ trồng rừng khai thác gỗ.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tràng Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, các mục tiêu chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được tăng cường… Qua đó, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,74 triệu đồng/người/năm (năm 2008) lên 28 triệu đồng/người/năm (năm 2017).
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()