Nông nghiệp tiến vào hội nhập
LSO-Trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và nông nghiệp Lạng Sơn nói riêng còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
LSO-Trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và nông nghiệp Lạng Sơn nói riêng còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong những năm qua với sự quan tâm của các cấp, ngành và nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh, nông nghiệp Xứ Lạng đã dần tạo lập được nền tảng để tiến vào hội nhập.
Cánh đồng ớt xuất khẩu, mô hình liên kết giữa nông dân xã Minh Tiến, Hữu lũng với doanh nghiệp |
Cam kết và quy định thì nhiều, nhưng điều kiện quan trọng nhất mà sản xuất nông nghiệp buộc phải thỏa mãn khi gia nhập WTO đó là tăng mức độ mở thị trường của mình, hay nói cách khác là tăng sự tiếp cận thị trường cho các quốc gia thành viên của WTO, đồng thời giảm trợ cấp nông nghiệp. Với điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, trình độ, tập quán canh tác chưa cao…sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO, Lạng Sơn đã ra sức triển khai thực hiện. Trong đó đặc biệt chú trọng tới tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Duy trì tăng trưởng cao gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng.
Trong những năm qua, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, Lạng Sơn đã không ngừng củng cố cơ sở hạ tầng nông thôn. Đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây, khi toàn tỉnh triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào làm giao thông, thủy lợi đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ năm 2011 đến nay, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp hơn 2 triệu ngày công và gần 50 tỷ đồng, cùng với nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng các doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng. Đưa số xã có đường giao thông, ô tô đi lại được 4 mùa lên con số 188/207 xã và hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu với trên 1 nghìn công trình với chiều dài kênh mương lên tới 1.641km.
Song song với củng cố hạ tầng thiết yếu cho sản xuất, các cấp, ngành hữu trách đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông, liên kết sản xuất và chú trọng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng rừng kinh tế tập trung, bền vững và có hiệu quả như vùng thông Lộc Bình, Đình Lập; vùng keo, bạch đàn ở Chi Lăng, Hữu Lũng… các loại cây đặc sản có vùng na Chi Lăng; quýt Bắc Sơn; hồi Văn Quan; hồng Bảo Lâm, huyện Cao Lộc… các loại cây công nghiệp ngắn ngày có thuốc lá Bắc Sơn, nay đã mở rộng ra Chi Lăng, Hữu Lũng; vùng thạch đen Tràng Định… Điển hình trong những vùng sản xuất nguyên liệu gắn liền với chế biến và thị trường tiêu thụ có thể kể tới vùng chè Thái Bình. Với diện tích khoảng 600ha, vùng nguyên liệu có sự tham gia của trên 1.000 hộ gia đình trải dọc trên địa bàn các xã Lâm Ca, Thái Bình, Thị trấn Nông Trường, huyện Đình Lập. Từ vùng nguyên liệu này, các sản phẩm chè của Công ty Cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước mà còn có sức cạnh tranh cao trong xuất khẩu, được thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nhà nông, tạo ra các sản phẩm xuất khẩu hiệu quả cao. Có thể kể tới liên kết giữa Công ty GOC với nông dân Yên Thịnh, Hữu Lũng sản xuất dưa, ngô bao tử xuất khẩu, hiệu quả hàng trăm triệu đồng/ha/vụ; liên kết trồng rừng giữa các doanh nghiệp, tiêu biểu như Thịnh Lộc Shinec với nhân dân Hữu Lũng, Đình Lập, tạo ra vùng rừng nguyên liệu giá trị cao…Mới đây, giưa năm 2013 đã có khá nhiều doanh nghiệp xin chủ trương của tỉnh để liên kết với nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất năm 2013, Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thị Thanh Nhàn khẳng định: tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường vẫn tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành tập trung triển khai thực hiện. Điển hình trong thời gian qua là chủ trương triển khai cánh đồng mẫu lớn của tỉnh đã được ngành và nhân dân trong tỉnh thực hiện thành công bước đầu, mở ra hướng đi mới hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới các ngành sản xuất, tuy nhiên kinh tế nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng trên 4%/năm, luôn vượt so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó chất lượng tăng trưởng tiếp tục được củng cố, nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, con đường hội nhập của nông nghiệp Xứ Lạng còn không ít gian nan, nhưng với nỗ lực của toàn tỉnh Lạng Sơn đã từng bước xây dựng và củng cố được nền tảng để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng được cơ hội khi nước ta đã là thành viên của WTO.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()