Nông nghiệp tăng trưởng - Điểm tựa vững chắc của nền kinh tế
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam từ ngày 27-4-2021 gây tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng, song ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng và đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước.
Điểm sáng trong gian khó
Dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành nông nghiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức (nguồn nhân lực, thị trường, cước phí vận tải… tăng mạnh), nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt 2,74% (nông nghiệp 3,32%, lâm nghiệp 3,30%, thủy sản 0,66%), đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) chia sẻ: Trong tháng 9-2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm 7,6% so với tháng 9-2020 nhưng tăng 4,8% so với tháng 8-2021. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2021 đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%, lâm sản và đồ gỗ đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%, thủy sản đạt 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%, xuất siêu của ngành nông nghiệp đạt 3,3 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, đạt hơn 10,2 tỷ USD (chiếm 28,6% thị phần); thị trường Trung Quốc đứng thứ 2, đạt gần 6,8 tỷ USD (chiếm 19,1% thị phần); thị trường Nhật Bản đứng thứ 3, đạt hơn 2,4 tỷ USD (chiếm 6,8% thị phần); thị trường Hàn Quốc đứng thứ 4, đạt khoảng 1,6 tỷ USD (chiếm 4,3% thị phần).
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những điểm sáng ấn tượng của ngành nông nghiệp trong 9 tháng năm 2021, giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chuyên gia về nông nghiệp khẳng định: Chính các con số về tăng trưởng lẫn tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay đã nói lên tất cả. Từ nhiều năm qua, nông nghiệp luôn là trụ đỡ, điểm tựa, thậm chí có lúc là “phao cứu sinh”, “tấm áo giáp” của nền kinh tế Việt Nam. Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp tiếp tục là minh chứng cho điều này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Con số xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD đã chứng tỏ sự nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN&PTNT đã “nhập cuộc”, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản (cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) ngay khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch đã được minh chứng. Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970), Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương; các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản. Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối, tiêu thụ sản lượng bình quân khoảng 300-400 tấn nông sản/ngày, có ngày cao điểm đạt hơn 1.000 tấn nông sản. Xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong điều kiện giãn cách xã hội. Bộ NN&PTNT cũng đã đẩy mạnh việc tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường nông sản với các nước: Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Séc…
Theo đánh giá của các chuyên gia về nông nghiệp, từ nay đến cuối năm 2021, thủy sản, chăn nuôi vẫn là hai lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng tốt lẫn tăng kim ngạch xuất khẩu nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Thông thường, quý IV hằng năm là quý có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất so với các quý khác. Vì thế, 3 tháng còn lại của năm 2021, ngành thủy sản sẽ quyết tâm phấn đấu tăng sản lượng cả khai thác và nuôi trồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,7 tỷ USD.
Sơ chế, đóng gói ngao (nghêu) tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (xã Lộc An, TP Nam Định, tỉnh Nam Định). |
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Mặc dù tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2021 tiếp tục tăng, song để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đề ra trong các tháng còn lại của năm 2021, cũng như tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của năm 2022, nông nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức cả trong sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm; điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới nông nghiệp nếu không có những giải pháp căn cơ, phù hợp cả trong ngắn hạn và dài hạn. Theo như phân tích của ông Nguyễn Văn Việt, tác động của dịch Covid-19 vẫn có thể khiến xuất khẩu các tháng còn lại của năm 2021 giảm khoảng 20%.
Vì thế, để duy trì được sản xuất, giảm thiểu nguy cơ đứt gãy hoàn toàn chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, làm cơ sở giúp nông nghiệp tăng trưởng, tăng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới, theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, vấn đề quan trọng nhất hiện nay với ngành nông nghiệp là không chỉ với sản xuất mà còn phải chú tâm đến các kênh thương mại, các tuyến vận tải để lưu thông hàng hóa. Bởi trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi địa phương áp dụng một hình thức kiểm soát đối với các luồng vận tải trong phòng, chống dịch đã khiến nông sản sản xuất ra bị ùn tắc, khó lưu thông thông suốt.
Nông dân Huỳnh Minh Trí ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, tâm sự: “Việc vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ nông sản, trái cây của gia đình tôi trong đợt dịch vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Giá các mặt hàng nông sản, trái cây rớt xuống thấp khiến vụ nuôi trồng năm nay bị thua lỗ nặng. Vật tư nông nghiệp đầu vào (cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng giá nên kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi mong Nhà nước sớm tạo điều kiện cho nông dân thuận lợi hơn trong tiếp cận các nguồn tín dụng, lãi suất thấp để chúng tôi có vốn phục hồi sản xuất. Nếu phải vay tín dụng đen thì chúng tôi làm chẳng đủ trả nợ. Việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nông dân cũng rất cần thiết để người dân có thể yên tâm trở lại sản xuất”.
Ngoài các giải pháp hỗ trợ cho nông dân, người chăn nuôi hiện nay, công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh kịp thời, đồng bộ cũng giúp người nông dân giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài, việc xây dựng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp một cách căn cơ, bài bản; áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; tổ chức lại hợp tác xã, liên kết các nông dân trong sản xuất theo chuỗi giá trị… chính là các yếu tố then chốt để nông nghiệp Việt Nam phát triển, thích ứng hiệu quả với dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, do xác định được những khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Chỉ thị 26 một cách đồng bộ với 4 nhóm giải pháp chính: Đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là chăn nuôi và thủy sản. Các giải pháp về thị trường, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản. Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất. Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát, sửa đổi 87 văn bản trong lĩnh vực nông nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đây chính là những “điểm tựa” để người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp duy trì sản xuất, giúp nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng những tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo.
Ý kiến ()