Nông nghiệp Long An với sản xuất xanh, sạch
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, diện tích đất nông nghiệp của địa phương này vào khoảng trên 331 nghìn ha, đứng thứ ba trong các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đây là một lợi thế lớn để Long An phát triển mạnh một nền nông nghiệp xanh, sạch, đáp ứng với yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Nhiều gia đình trồng thanh long ở Long An đã giàu lên |
Mỗi năm, từ diện tích đất nông nghiệp nói trên, Long An đã sản xuất ra khoảng 900 nghìn tấn mía, trên 15 nghìn tấn lạc, trên 35 nghìn tấn quả thanh long và khoảng 25 nghìn tấn rau, củ, quả thực phẩm khác. Năm 2013, nông nghiệp tỉnh Long An đạt tốc độ tăng trưởng 4,6%, tăng 1,5% so với năm 2012.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, chương trình sản xuất lúa gạo xanh, sạch của địa phương này đã được khởi động từ năm 2006, kể từ sau khi xảy ra nạn dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, gây thiệt hại nặng trên vụ lúa Hè Thu.
Qua việc chủ động phối hợp Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty lương thực Long An, những mô hình như “Phòng, chống bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu lan truyền” với Chương trình “Cùng nông dân ra đồng”; “Liên kết 4 nhà”. “Quản lý đồng ruộng hiệu quả và bền vững” đã ra đời và mang lại nhiều kết quả khả quan, bởi người nông dân đã được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, được Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư ứng trước vật tư đầu vào như lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.
Tính từ năm 2011, sau khi mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh Long An, nhiều doanh nghiệp đã nhiệt tình tham gia đầu tư ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, chính vì vậy, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Long An đã ngày càng được nhân rộng.
Kết quả là sau 3 năm, từ 2011 đến 2013, Long An đã xây dựng được 53 lượt cánh đồng mẫu lớn, với diện tích trên 14 nghìn ha, đã có trên 5.600 hộ nông dân tham gia, năng suất trung bình đạt từ 5,8 tấn đến 6 tấn/ha, lợi nhuận bình quân cũng đã đạt từ 15 triệu đồng/ha đến 20 triệu đồng/ha. Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa đạt kết quả cao, điển hình như Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, Công ty này đã tổ chức tiêu thụ đạt trên 80% diện tích lúa thu hoạch.
Với cây thanh long, một loại cây ăn quả thế mạnh của Long An trong nhiều năm qua, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ để xây dựng khá nhiều mô hình trồng thanh long có hiệu quả, giúp nông dân thực sự làm giàu từ loại cây đặc sản của địa phương. Đó là các mô hình: “Sản xuất thanh long chất lượng cao”; mô hình “Sản xuất thanh long theo VietGAP” hỗ trợ 100% chi phí mua giống, 30% chi phí phân bón; mô hình “Sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ” do các doanh nghiệp hỗ trợ; mô hình “Liên kết sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP”; nhóm nông hộ sản xuất thanh long theo hướng nông nghiệp bền vững, hỗ trợ 100% giống, 30% chi phí phân bón cho 30ha; nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật tổng hợp sản xuất thanh long Châu Thành tiêu chuẩn Global GAP.
Ngoài ra, Long An cũng đã tập trung phối hợp giữa các ngành, địa phương và các tổ chức tập thể đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 3 Hợp tác xã thanh long được đăng ký nhãn hiệu là Dương Xuân, Tầm Vu và Long Hội.
Trong lĩnh vực sản xuất rau, củ quả, hiện toàn tỉnh Long An đã xây dựng được hơn 100 tổ liên kết sản xuất rau an toàn, trong đó, 10 hợp tác xã sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn, là cơ sở tiền đề để triển khai thực hiện các mô hình hợp tác xã sản xuất rau được chứng nhận VietGAP trong thời gian tới. Các sản phẩm rau sạch, rau an toàn của Long An hiện đã có mặt không chỉ trên thị trường trong tỉnh mà đã được tiêu thụ rộng khắp khu vực Đông Nam bộ, trong đó, một thị trường tiêu thụ lớn là thành phố Hồ Chí Minh.
Với lợi thế là cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh, các sản phẩm rau xanh, củ, quả của Long An đã có mặt trong hầu khắp các siêu thị của Thành phố này và được khách hàng tin dùng từ nhiều năm nay.
Không chỉ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, Long An hiện cũng đang thực hiện “Dự án cạnh tranh ngành Chăn nuôi và An toàn thực phẩm”. Qua đó, các sản phẩm được tiêu thụ tại các chợ thực phẩm tươi sống được dự án đầu tư nâng cấp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Đối với người nuôi, vùng nuôi được hỗ trợ tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư nâng cấp sửa chữa chuồng trại, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ xây dựng hầm biogas; kiểm soát chất thải đạt tiêu chuẩn về môi trường và hướng khắc phục. Sản phẩm chăn nuôi thực hiện “Chuỗi sản xuất thịt an toàn” được đưa đến các lò giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y.
Long An đầu tư nâng cấp 12 cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, người làm việc tại đây được tổ chức tập huấn nâng cao hiểu biết về quy trình vận hành và vệ sinh thú y, cùng với đó là hướng dẫn quy định cho người vận chuyển thịt đến chợ phải chở bằng xe chuyên dùng, xe có thùng inox, có nắp đậy. Ngoài ra, Long An còn đầu tư nâng cấp và xây dựng mới 16 chợ bán thịt tươi sống trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Long An trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, đó là sản xuất xanh, sạch góp phần tích cực trong chuyển địch cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đã xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm nông sản. Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản duy trì phát triển, trong đó, đã có nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ được đưa vào sản xuất làm tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()