LSO-Đợt rét đậm rét hại vừa qua, nếu tính về thời gian thì chưa bằng đợt rét lịch sử hồi đầu năm 2008, nhưng nếu tính về cường độ, thì rét năm nay vượt trội hơn hẳn. Hậu quả mà nó gây ra đối với sản xuất nông nghiệp không nhỏ, chỉ tính riêng trong chăn nuôi 8.280 con trâu, bò đã bị chết rét. Sau rét là hạn, nông nghiệp Lạng Sơn đang dồn lực khắc phục và đối phó với thiên tai.Ngay những ngày đầu của đợt rét đậm, rét hại, ngày 27/12/2010, nhận định tình hình sẽ còn kéo dài và có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ra quyết định công bố thiên tai rét đậm, rét hại gây hại trực tiếp đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, đồng thời tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các yêu cầu trên.Nhân dân Lạng Sơn ra quân trồng cây đầu xuân, khởi đầu cho một vụ sản...
LSO-Đợt rét đậm rét hại vừa qua, nếu tính về thời gian thì chưa bằng đợt rét lịch sử hồi đầu năm 2008, nhưng nếu tính về cường độ, thì rét năm nay vượt trội hơn hẳn. Hậu quả mà nó gây ra đối với sản xuất nông nghiệp không nhỏ, chỉ tính riêng trong chăn nuôi 8.280 con trâu, bò đã bị chết rét. Sau rét là hạn, nông nghiệp Lạng Sơn đang dồn lực khắc phục và đối phó với thiên tai.
Ngay những ngày đầu của đợt rét đậm, rét hại, ngày 27/12/2010, nhận định tình hình sẽ còn kéo dài và có diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ra quyết định công bố thiên tai rét đậm, rét hại gây hại trực tiếp đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, đồng thời tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các yêu cầu trên.
|
Nhân dân Lạng Sơn ra quân trồng cây đầu xuân, khởi đầu cho một vụ sản xuất mới |
Rất hợp lý và kịp thời, UBND tỉnh đã quyết định hộ trợ thức ăn tinh cho đàn trâu, bò của các hộ nghèo và cận nghèo với mức 5kg/ 1 trâu, bò. Ngay lập tức ngành chuyên môn và các địa phương khẩn trương triển khai, chỉ sau kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, ở nhiều địa phương vùng xa đã nhận được hàng hỗ trợ. Một số huyện, căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương đã chủ động hỗ trợ người dân bạt để che chắn chuồng trại, muối, khoáng chất…để bảo vệ đàn gia súc. Trước Tết nguyên đán đã có 202/226 xã, phương, thị trấn trong toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ với tổng số 521,2 tấn gạo, ngô phục vụ chống đói, rét cho trên 100 nghìn con gia súc. Hậu quả do thiên tai gây ra cũng giảm nhẹ đi rất nhiều. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Chính sách hỗ trợ ban hành rất kịp thời và phát huy hiệu quả cao, nếu không, số trâu, bò chết rét sẽ không dừng lại ở con số trên 8 nghìn.
Một điều có thể được coi là may mắn, khung thời vụ ở Lạng Sơn thường chậm hơn so với các địa phương khác, chính vì vậy đợt rét đậm, rét hại vừa qua chưa ảnh hưởng nhiều tới trồng trọt. Qua kiểm tra, theo dõi, hầu hết diện tích cây trồng vụ đông các loại cơ bản vẫn phát triển bình thường. Sau rét là hạn, theo nhận định tình hình hạn hán năm nay có thể sẽ diễn ra gay gắt, đe doạ trực tiếp tới sản xuất đông xuân của Lạng Sơn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay trước, trong và sau đợt rét các địa phương đã phát động phong trào ra quân đầu xuân làm thuỷ lợi và được sự hưởng ứng của nhân dân. Sở NN&PTNT cũng ngay lập tức đôn đốc các đơn vị trực thuộc chuẩn bị mọi điều kiện để sản xuất được tiến hành thuận lợi, các loại vật tư như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống…đã sẵn sàng để cung ứng. Ngoài ra ngành cũng đẩy mạnh công tác quản lý, duy tu, sửa chữa các công trình thuỷ lợi và điều tiết nước một cách hợp lý, đảm bảo đủ nguồn dự trữ. Căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, nhiều địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch chống hạn cụ thể. Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Địa phương đã dành ra trên 100 triệu đồng từ vốn sự nghiệp nông nghiệp để sẵn sàng chống hạn, mọi phương tiện cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, khi cần thiết sẽ đưa ra sử dụng kịp thời theo đúng như kế hoạch đã dự kiến, đảm bảo gieo trồng hết diện tích trong vụ đông xuân này.
|
Nông dân tiếp tục chăm sóc và bổ sung thức ăn cho đàn vật nuôi sau rét |
Bà Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: Ngành đã phối hợp với các địa phương, chỉ đạo quyết liệt về công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu mùa vụ để chống hạn và đối phó với thiên tai. Trong vụ đông xuân này, những diện tích không chủ động được nước kiên quyết không cây lúa mà chuyển nhanh sang các loại cây trồng khác như cây công nghiệp ngắn ngày, cây chịu hạn. Không để cho đất trống, tận dụng các chân ruộng 1 vụ chờ nước, các cơ quan chuyên môn đã và đang vận động nhân dân đưa ngô giống mới có khả năng chống chịu cao vào sản xuất. Nhờ những nỗ lực đó, sau thiên tai, tiến độ sản xuất nông nghiệp Lạng Sơn vẫn đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Cho đến nay, tuy diện tích làm đất mới được 9.645 ha, bằng 93% so với cùng kỳ, nhưng diện tích một số loại cây trồng hầu hết lại vượt như diện tích khoai tây 1.949,5ha, tăng 2,6%; rau đậu các loại 1.699,5ha, tăng 6,5%…
Sản xuất đông xuân là vụ quan trọng nhất trong năm của Lạng Sơn, thiên tai đã đi qua, thời điểm này là lúc toàn tỉnh dồn lực để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Với những kết quả khả quan đó, Lạng Sơn có cơ sở vững chắc để tin tưởng vào một vụ sản xuất thắng lợi.
Lê Minh
Ý kiến ()