Nông nghiệp bền vững: Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp
Trong giai đoạn tới, ngành nông nghiệp sẽ đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải hình thành được một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kỳ vọng việc ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ định vị được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và người nông dân. Từ đó, các địa phương sẽ có những sự đầu tư tương xứng về vốn và hạ tầng cho nông nghiệp phát triển.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 17/2.
Chuyển đổi tư duy
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đặt mục tiêu các cụ thể đến năm 2030 như: Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng với mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”…
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới nếu muốn nâng cao quy mô sản xuất, nâng cao vị thế của người nông dân, hiệu quả thì bắt buộc phải hợp tác. Với nông dân thì kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, các câu lạc bộ… là mô hình tốt đã được khẳng định thì cần thúc đẩy phát triển hơn.
“Việc phát triển theo chuỗi liên kết không chỉ với ngành hàng chủ lực mà kể cả ngành hàng nhỏ có lợi thế của địa phương để chuyển theo hướng từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả cao hơn,” ông Trần Công Thắng nói.
Chiến lược đã đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác. Theo đó, phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn từ loại hình, quy mô… được kỳ vọng là giải pháp tạo việc làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp.
Để từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra, đảm bảo “ly nông bất ly hương,” sẽ cần phải đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, có các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động.
Một trong nhưng giải pháp để xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp là phải có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp đặt ra yêu cầu nhất định về khả năng tiếp cận, trình độ ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
“Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu để từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân và dân cư nông thôn,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Thúc đẩy tập trung đất đai
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, các chuyên gia cho rằng trước hết phải thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân; đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Cùng với sự tham gia tích cực cũng cần phải có cơ chế chính sách phù hợp, đột phá.
Theo ông Trần Công Thắng, các chính sách về sử dụng đất đai sẽ cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Về tín dụng, phát triển tín dụng chính thức cho hộ doanh nghiệp, hợp tác xã; tín dụng theo chuỗi.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng để thực hiệu hiệu quả chiến lược mới cần phải có những đột phá trong chính sách liên quan đến đất đai. Việt Nam có thể học hỏi mô hình các trung tâm giao dịch đất nông nghiệp để đẩy mạnh tập trung đất đai, kết nối cho doanh nghiệp và nông dân gặp nhau.
Đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra là nền tảng để phát triển nông nghiệp. Điển hình như việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản, lâm nghiệp. Hạ tầng thương mại như: xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics: cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh./.
Ý kiến ()