Nông dân Văn Quan: Sử dụng hiệu quả vốn chính sách
– Những năm qua, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Văn Quan đã phát triển thành công các mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao. Qua đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Cùng với cán bộ Hội Nông dân xã Yên Phúc, chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất cao khô của gia đình anh Lý Anh Tuấn, thôn Chợ Bãi 1. Anh Tuấn cho biết: Gia đình tôi có nghề truyền thống làm cao khô nhưng trước đây chỉ sản xuất nhỏ lẻ. Năm 2013, tôi được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn của NHCSXH với số tiền 30 triệu đồng đầu tư mua máy móc để phục vụ sản xuất. Nhờ đó, năng suất cao khô nâng lên cao hơn gấp 3 đến 4 lần. Qua đó, giúp gia đình tôi tiết kiệm chi phí thuê nhân công, thu nhập mỗi năm đạt trên 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện kinh tế gia đình ổn định, gia đình đã hoàn trả vốn ngân hàng.
Người dân thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc sử dụng nguồn vốn ưu đãi phát triển mô hình sản xuất cao khô
Ngoài gia đình anh Tuấn, hiện trên địa bàn huyện còn nhiều gia đình hội viên nông dân nhờ vay vốn NHCSXH đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu với thu nhập bình quân từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng/hộ/năm. Tiêu biểu như: bà Đàm Thị Hoài, thôn Phai Làng, xã Tràng Phái với mô hình trồng trọt, phơi sấy hồi đem lại thu nhập 250 triệu đồng/năm; ông Hoàng Văn Đồ, thôn Khòn Nhừ, xã Bình Phúc với mô hình ươm cây giống thu nhập 200 triệu đồng/năm; ông Lê Văn Bộ, thôn Bản Rượi, xã Hữu Lễ với mô hình kinh doanh dịch vụ thu nhập 100 triệu đồng/năm…
Đến nay, Hội Nông dân huyện đang quản lý 53 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), dư nợ trên 101 tỷ đồng với 1.681 hộ vay, hiện nay, Hội Nông dân huyện Văn Quan là đơn vị có dư nợ ủy thác lớn thứ tư trong toàn tỉnh. Từ nguồn vốn chính sách, các hội viên vay vốn đều có ý thức sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Các hộ vay chủ yếu đầu tư trồng, tu bổ rừng hồi, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
Để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, hằng năm, hội viên nông dân trên địa bàn huyện đều tích cực tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; các lớp dạy nghề do Hội Nông dân huyện phối hợp với các phòng chuyên môn huyện tổ chức. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các phòng chuyên môn huyện tổ chức được 52 lớp tập huấn cho hơn 3.400 lượt hội viên nông dân tham dự và 4 lớp dạy nghề cho hơn 140 lượt hội viên tham gia.
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đời sống của hội viên nông dân ngày càng được nâng lên. Năm 2021, toàn huyện có 319 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 127,6% so với chỉ tiêu giao. Tỷ lệ hộ hội viên nghèo còn 12,45%, bình quân hằng năm giảm từ 3 đến 5%.
Ông Hoàng Tuấn Nghị, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Quan cho biết: Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã triển khai hiệu quả các chương trình cho vay của ngân hàng. Nhờ đó, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế. Qua theo dõi, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích có hiệu quả; có ý thức hoàn trả vốn đúng kỳ hạn, nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn thấp (chỉ chiếm 0,04%), chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV do Hội Nông dân quản lý đều xếp loại khá, tốt.
Xác định vốn vay ưu đãi là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ hội viên vươn lên thoát nghèo, những năm qua, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo hội nông dân các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền đến hội viên nông dân về các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ. Ngay từ đầu năm, hội đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các hội cơ sở, cùng đó hàng tháng tổ chức họp giao ban để đôn đốc việc thu nợ, thu lãi của hộ vay, đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình, chính sách cho vay mới của ngân hàng”… Bà Triệu Thị Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện |
Ý kiến ()