Nông dân trẻ làm giàu từ nghề nuôi bò sữa
“Đi nhiều nơi, trải qua nhiều nghề với những thăng trầm để mưu sinh, tôi thấy không có cách làm giàu nào phù hợp với bản thân hơn là dựa trên những lợi thế sẵn có của quê hương...", anh Hoàng Đình Nam, chủ trang trại bò sữa chia sẻ.
Vay lãi để nuôi bò
Sinh ra ở một làng quê ngoại ô ven sông Hồng (thôn Đoài, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội), không giống như nhiều người bạn đồng trang lứa, những năm tháng cắp sách đến trường của Hoàng Đình Nam không phải là những ngày tháng cần mẫn dành tất cả vào việc học mà Nam vẫn dành thời gian nhất định tham gia phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập.
Cũng chính trong quãng thời gian này, chàng học sinh phổ thông dần nhận thấy nghề chăn nuôi có tiềm năng lớn để phát triển ở quê hương bởi nơi anh sinh ra, lớn lên hội tụ khá nhiều lợi thế. Vậy nên vừa học trung học, Nam đã tự bố trí thời gian học, nghiên cứu thêm về… thú y.
Năm 2001, lúc đó vừa tròn 20, anh đứng ra lo toan, bắt tay vào nuôi thử nghiệm giống bò sữa kèm với bò đỏ nhằm “kiếm thêm đồng ra đồng vào”. Mong muốn mở rộng việc chăn nuôi, Nam mạnh dạn vay lãi ngân hàng, vay vốn của Đoàn Thanh niên để tiếp tục đầu tư phát triển mở rộng đàn bò sữa.
Anh Hoàng Đình Nam chăm sóc đàn bò sữa |
Những năm 2003, 2004 là lúc công việc “thuận buồm, xuôi gió” khi cả gia tài không hề nhỏ, nhất là với những thanh niên ở tuổi 20 mới lập nghiệp như Nam là 9 con bò sữa phát triển tốt, cho sữa đều. Nam nhận được nhiều lời động viên, khen ngợi từ bà con họ hàng, xóm làng, là tấm gương lập nghiệp của các thanh niên quanh vùng.
Mọi việc đang thuận lợi bỗng ngành chăn nuôi lâm vào cảnh lao đao. “Khi ấy, sữa bò không có người mua, giá thịt rẻ ê hề. Một con bò sữa trưởng thành giá chỉ có 11 – 12 triệu đồng/con. Một thách thức tưởng chừng quá sức mà tôi phải đối mặt bấy giờ là bằng mọi giá phải giữ lấy đàn bò, lúc ấy chính là giữ lại cả cơ nghiệp”, Nam nhớ lại.
Bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư, mà phần lớn số tiền ấy lại đi vay nên Nam vô cùng đau đầu, bán tháo đi để cắt lỗ thì đơn giản nhưng tiếp tục duy trì đàn bò lại là một bài toán nan giải và mạo hiểm không kém khiến chàng trai trẻ phải “cân não”.
Cuối cùng, Nam quyết định tiếp tục đi vay lãi để chăm sóc chúng với hi vọng… bò sẽ không phụ công người! “Lao đao, khốn đốn vì nợ nần nhưng lúc nào tôi cũng có niềm tin mãnh liệt vào… đàn bò của mình”, anh Nam chia sẻ.
Và đúng là đàn bò không phụ lòng người, không đưa cả gia đình Nam vào cảnh tán gia, bại sản. Sau 2 năm kiên trì theo đuổi, các trang trại chăn nuôi bò lại dần hồi phục. Gia đình Nam lại tấp nập thương lái đến gõ cửa, đặt vấn đề lo giúp đầu ra cho gia đình. Bán đi 4 con bò, trả hết nợ, Hoàng Đình Nam vẫn còn dư dả vốn để tiếp tục đầu tư.
Mong được vay thêm vốn
Trước khi gắn bó với đồng đất quê hương, cũng như nhiều thanh niên nông thôn, Nam đã có thời gian rời làng, lăn lộn khắp nơi, làm nhiều nghề để trang trải cuộc sống, từ việc buôn bán nhỏ lẻ đến làm thợ xây… Vất vả và cũng nhận được nhiều bài học để đời, quyết định trở về lập nghiệp cũng là quyết định chẳng mấy dễ dàng, Nam cho rằng: “Trên bước đường lập nghiệp, mỗi người có một lý tưởng sống, một ước mơ riêng. Khi trải qua những vấp váp đầu đời, tôi thấy không nơi đâu bằng đồng đất quê mình và không có cách làm giàu nào phù hợp với bản thân hơn là dựa trên những lợi thế sẵn có của quê hương”.
Từ năm 2014, anh đầu tư “mạnh tay” hơn vào con giống nhiều giá trị này. Hiện, mô hình của anh đang nuôi dưỡng, chăm sóc và thu hoạch sữa bò tươi thường xuyên từ 12 – 15 con bò sữa trưởng thành. Mỗi con bò sữa có giá trị kinh tế khoảng trên 50 triệu đồng.
Ngoài ra, Nam còn nuôi dưỡng, chăm sóc 10 con bò sữa con, trồng cỏ cung cấp thức ăn chăn nuôi bò sữa, đầu tư trạm thu gom sữa bò tươi đáp ứng nhu cầu thu gom sữa cho 30 hộ tại địa phương.
Hoàng Đình Nam cho biết, mỗi năm, doanh thu từ trang trại bò sữa của gia đình anh ước tính đạt từ 400 – 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ với thu nhập từ 3,5 – 5 triệu đồng/tháng. Anh vừa vinh dự trở thành một trong số 150 thanh niên nông thôn tiêu biểu làm kinh tế giỏi được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ X.
Có “tham vọng” mở rộng hơn nữa mô hình trang trại chăn nuôi để không những phát triển kinh tế gia đình mà còn có cơ hội tạo việc làm cho nhiều thanh niên tại địa phương, Hoàng Đình Nam bày tỏ mong muốn: “Trước đây, tôi đã được Đoàn Thanh niên tạo điều kiện vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Đó là số tiền vô cùng lớn, quý giá với một người mới lập nghiệp. Tuy nhiên, tôi mong có cơ chế cho thanh niên được vay nhiều hơn hạn mức quy định để đáp ứng nhu cầu mở rộng trang trại, làm giàu cho địa phương”.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()