Nông dân Tràng Định tăng thu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
LSO-Không chỉ có tiếng là vựa lúa lớn nhất tỉnh, nhiều năm nay, huyện Tràng Định còn được biết đến bởi nhiều cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những cây trồng này là minh chứng cho sự mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân, đồng thời khẳng định sự định hướng và chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân huyện và các ngành liên quan.
LSO-Không chỉ có tiếng là vựa lúa lớn nhất tỉnh, nhiều năm nay, huyện Tràng Định còn được biết đến bởi nhiều cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những cây trồng này là minh chứng cho sự mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân, đồng thời khẳng định sự định hướng và chỉ đạo sát sao của Hội Nông dân huyện và các ngành liên quan.
Nhiều năm nay, thạch đen đã trở thành một trong những cây trồng chủ đạo của nguời dân trên địa bàn huyện Tràng Định. Nếu như thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ truớc, thạch đen chỉ đuợc trồng lác đác ở một số xã như Tri Phương, Trung Thành, Kim Đồng thì từ năm 2004, nó đã được trồng đại trà trong toàn huyện. Những năm qua, do giá thạch đen có biến động nên diện tích trồng của nó cũng thay đổi theo từng năm, song cây trồng này cơ bản vẫn đuợc duy trì rộng rãi trên địa bàn; người dân đã linh hoạt theo tình hình thị truờng để có sự thay đổi phù hợp. Gia đình chị Triệu Thị Khuyên, thôn Nà Thà, xã Kim Đồng là một ví dụ. Vụ đông xuân vừa qua, nhờ đuợc mùa lẫn giá nên vụ mùa này, gia đình chị quyết định dồn hết diện tích đất ruộng vào trồng thạch đen, tất cả 4,5 sào. Chị Khuyên vui vẻ nói: vụ truớc, gia đình tôi trồng khoảng 2 sào mà đuợc gần 4 tạ thạch đen, thu về gần 10 triệu đồng. Với khoản thu đó, tính ra trên cùng 1 diện tích nhưng trồng thạch đen mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa, nhất là thời gian xoay vòng đất cũng nhanh hơn. “thuờng thì trồng lúa chỉ được 2 vụ/năm nhưng trồng thạch đen được tới 3 vụ/năm”, chị Khuyên cho biết. Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2013 của Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định, tổng diện tích cây thạch đen toàn huyện là trên 1.360 ha, so với cùng kỳ tăng 72,8%; trong đó riêng vụ đông xuân 2012 – 2013 trồng được 1.100ha, đạt sản luợng 6.380 tấn, năng suất đạt 58 tạ/ha. Cùng với cây thạch đen được trồng rộng rãi thì trên địa bàn huyện cũng đã hình thành vùng chuyên canh cây trồng mang tính đặc thù như đỗ tương ở các xã Tri Phương, Quốc Khánh; ngô ở xã Chi Lăng, Chí Minh; khoai tây ở Đại Đồng, Hùng Việt; quế, quýt ở Kim Đồng… Đặc biệt, đầu năm 2013, một số xã phía tây của huyện như Tân Tiến, Khánh Long, Đoàn Kết, Cao Minh, Bắc Ái… đã đồng loạt trồng thử cây dong riềng. Đây là cây trồng theo Đề án 218/ĐA – UBND của UBND huyện, hiện tại, tổng diện tích cây dong riềng trên địa bàn có 51ha, đạt trên 78% kế hoạch năm 2013. Ngoài những địa phương trồng theo Đề án 218, các xã khác như Hùng Việt, Chí Minh cũng đã nhen nhóm trồng thử. Chị Đoàn Thị Thuý, thôn Bản Nhàn, xã Hùng Việt cho biết: sau khi tìm hiểu về cây dong riềng, gia đình tôi đã quyết định trồng thử 2 sào. Diện tích đất này, trước đây gia đình thuờng trồng ngô nhưng hiệu quả kinh tế không đáng kể. Khi trồng dong riềng, tôi thấy ít tốn công chăm sóc hơn và có giá trị kinh tế cao hơn so với trồng ngô. Với giá như hiện tại là 1,5 nghìn đồng/kg, trong khi mỗi khóm cây được khoảng 7kg, uớc tính thu nhập từ dong riềng sẽ cao gấp khoảng 3 lần cây ngô cùng diện tích.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân huyện Tràng Định những năm qua cho thấy, bản thân họ đã nhạy bén với thị trường, mạnh dạn đưa các giống mới vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống. Điều đó giải thích vì sao gần nửa số hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2012 trên địa bàn huyện chủ yếu là từ mô hình trồng trọt. Cũng qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 13,69%. Ông Nông Thanh Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: để việc chuyển đổi giống cây trồng có hiệu quả, bên cạnh khuyến khích sự chủ động của người dân, hội cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Đồng thời tuyên truyền cho hội viên, nông dân cần nhạy bén với thị trường để có hướng chuyển đổi thích hợp, tránh tình trạng trồng ồ ạt, mất giá. Tiếp tục làm tốt công tác này, trước mắt, các cấp hội vận động hội viên, nông dân khẩn trương thu hoạch vụ mùa để trồng vụ đông kịp thời, đảm bảo đạt kế hoạch của UBND huyện đề ra. Trong đó, vận động đưa các giống lúa mới như LS1, BG1, Khang dân; ngô lai AG 59, NK 6326… vào phát triển trên địa bàn.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()