Nông dân toàn cầu: Từ tư duy đến hành động
Sáng 16/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam 2016 với chủ đề: “Nông dân toàn cầu: Từ tư duy đến hành động”.
Tới dự Diễn đàn có đồng chí Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ. Diễn đàn tổ chức nhằm mục tiêu tạo không gian gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và đối thoại cởi mở giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân và giới báo chí truyền thông. Thông qua đó cập nhật và phản hồi thông tin về cơ chế, chính sách về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất ngành nông nghiệp.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích về các vấn đề liên quan đến bối cảnh hội nhập và những yêu cầu đặt ra đối với người nông dân Việt Nam; vấn đề về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm các mặt hàng nông sản đối với tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; những hạn chế trong nhận thức, tư duy và hành động của người nông dân trong quá trình làm ra sản phẩm nông sản.
Chia sẻ về thực trạng của ngành nông nghiệp Việt Nam, tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách và Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đã nêu bật nhiều vấn đề. Trong đó, có thể thấy hạ tầng kỹ thụât đầu tư cho ngành nông nghiệp ở nước ta vẫn còn khá nhiều yếu kém. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào ngành vẫn còn thấp (chỉ chiếm khoảng 1%), trong đó, tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao, các doanh nghiệp với quy mô lớn vẫn còn rất ít. Cùng với đó, người nông dân với khả năng tích lũy vốn còn ít, trong khi phải đối mặt với rủi ro sản xuất từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Tuy vậy, với khả năng phục hồi của người nông dân mới chỉ được 50%, chủ yếu thông qua việc dùng tiền tiết kiệm hoặc thắt chặt chi tiêu, trong khi phần hỗ trợ từ việc tổ chức bảo hiểm chiếm tỷ lệ rất thấp.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, tỷ lệ ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở nước ta vẫn còn thấp. Với các mặt hàng nông sản xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao chỉ chiếm 15%, trong khi hàm lượng công nghệ thấp chiếm tới 60%. Đồng thời, hoạt động công nghiệp dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp vẫn còn chậm phát triển.
Phân tích về những thách thức mà người nông dân và ngành nông nghiệp nước ta hiện nay đang phải đối mặt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng an toàn, độ dinh dưỡng của sản phẩm, chúng ta sẽ bị loại bỏ ra khỏi “cuộc chơi” hội nhập. Cùng với đó là tác động của thị trường đòi hỏi chúng ta phải thay đổi về tư duy sản xuất và công nghệ, không ngừng cải thiện để bảođảm những sản phẩm ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu với những diễn biến ngày càng phức tạp cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp và khuyến nghị nhằm tạo điều kiện cho nông dân, nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển. Trong đó, các đại biểu cho rằng, Nhà nước cần tạo lập môi trường tốt về kinh doanh nông nghiệp, tạo điều kiện về tín dụng với các chính sách cho vay thoáng hơn nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, để bảođảm vấn đề về an toàn thực phẩm, các đại biểu cũng khuyến nghị nông dân Việt Nam cần ứng dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhằm bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng không chỉ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xuất khẩu. Cùng với đó, để quá trình hội nhập thuận lợi, người nông dân cần có những thay đổi về tư duy sản xuất, cần nắm bắt được các yêu cầu của thị trường để cung ứng các sản phẩm đạt chất lượng. Để làm được điều này, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, tốc độ phát triển khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn bên trong, đó là năng suất thấp, rủi ro cao; sản xuất nhỏ, thị trường lớn. Cùng với đó là các vấn đề như năng suất lao động nhìn chung còn thấp và không đều; vấn đề phát triển không bền vững do ô nhiễm môi trường nông thôn, chất lượng nguồn thực phẩm hàng hoá làm ra ở nhiều nơi chưa bảo đảm yêu cầu của người tiêu dùng. Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ mới và thông tin thị trường sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế; bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng vừa mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.
Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, việc nghiên cứu, tìm ra các giải pháp chính sách, để giải quyết bài toán tam nông, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là công tác thiết thực cần đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp phát triển.
Tại Diễn đàn, trong số 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016 đã có 24 nông dân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 37 nông dân được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()